Đây là chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 2251-CV/TU ngày 07/02/2023. Theo đó, năm 2022, cấp ủy, chính quyền các cấp và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có nhiều nỗ lực, cố gắng, thể hiện quyết tâm cao trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2021; công tác trồng rừng, trồng 50 triệu cây xanh vượt kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều tồn tại, hạn chế; tình hình vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp; một số địa phương chưa hoàn thành việc giải tỏa, tháo dỡ nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu: Ban cán sự đảng UBND tỉnh, thành ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc, sở, ban, ngành, lực lượng chức năng liên quan tăng cường thực hiện một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 10/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án của UBND tỉnh “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định pháp luật, tinh thần các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Ban Bí thư, Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng, thực hiện thường xuyên tuần tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh theo quy định các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng.
Ba là, chỉ đạo cơ quan, lực lượng chức năng tiến hành khởi tố, điều tra, kết luận, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, đưa ra xét xử lưu động công khai các tổ chức, đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật; đồng thời, xem xét trách nhiệm người đứng đầu địa phương, cơ sở, chủ rừng, Ban quản lý rừng để xảy ra vi phạm, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Bốn là, tập trung thực hiện quyết liệt việc thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, tổ chức trồng lại rừng ngay khi giải tỏa và quản lý chặt chẽ diện tích rừng đã trồng; kiên quyết tháo dỡ nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp. Tiếp tục thực hiện việc trồng rừng, trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 2209/KH-UBND, ngày 22/4/2021 của UBND tỉnh về trồng 50 triệu cây xanh.
Năm là, các đồng chí Bí thư thành ủy, huyện ủy; Chủ tịch UBND huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan nêu cao vai trò, trách nhiệm về lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đơn vị, địa phương nào tiếp tục để xảy ra việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng mà không kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, phát hiện, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm một cách nghiêm minh và không giải tỏa, trồng rừng lại ngay thì người đứng đầu chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Quản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, vì vậy, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần có các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian tới.
Hồng Vĩnh