Xuân của khát vọng độc lập, tự do, phồn vinh, hạnh phúc In trang
03/01/2023 07:58 SA

• TỪ NHỮNG MÙA XUÂN CỦA KHÁT VỌNG ĐỘC LẬP - TỰ DO

Lịch sử dân tộc Việt Nam bước sang một trang mới, mốc son mới từ mùa xuân Canh Ngọ năm 1930 với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, một sự kiện có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, mở ra thời kỳ mới cho Cách mạng Việt Nam - thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định được những nội dung cơ bản nhất của con đường cách mạng Việt Nam, đáp ứng được những nhu cầu bức thiết của lịch sử và trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết thống nhất các tổ chức cộng sản, các lực lượng cách mạng và toàn thể dân tộc.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đó là kết quả của sự vận động, phát triển và thống nhất phong trào cách mạng trong cả nước; sự chuẩn bị công phu về mọi mặt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự đoàn kết nhất trí của những chiến sỹ tiên phong vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc. Đây cũng là thành quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng. 

Mùa xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước. Giữa một vùng núi non trùng điệp với muôn hoa đua sắc và lòng người rưng rưng, lắng đọng trong giờ phút Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên lên đất mẹ sau bao năm xa Tổ quốc đã trở thành cảm hứng vô tận cho sự ra đời bài thơ “Mùa Xuân năm 1941” của nhà thơ Tố Hữu: “Ôi sáng Xuân nay, Xuân bốn mốt/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về... im lặng. Con chim hót/ Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...” như báo hiệu tương lai xán lạn của dân tộc Việt Nam sắp tới gần. Thời khắc Bác trở về nước là thời khắc vô cùng trọng đại không chỉ đối với lịch sử cách mạng Việt Nam, đáp ứng đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước, sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam mà còn cả đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ VIII khóa I. Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết, hàng đầu của cách mạng Việt Nam lúc này và cần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”; đồng thời đặt ra quyết sách để hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, đáp ứng khát vọng của các tầng lớp Nhân dân, phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng thế giới, có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước. Đường lối đúng đắn đó của Đảng mở đường đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cách mạng Tháng Tám thành công, đã làm thay đổi vận mệnh của dân tộc Việt Nam: từ dân tộc thuộc địa trở thành dân tộc độc lập; làm thay đổi số phận của mỗi người dân Việt Nam, từ thân phận của kiếp người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ chính bản thân mình. 

Tết Độc lập Bính Tuất đầu tiên năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang mùa Xuân đến cho toàn dân với tinh thần “Muôn việc đều tiến tới. Kiến quốc chóng thành công. Kháng chiến mau thắng lợi”. Và cứ thế, mỗi độ Xuân về, Bác lại chuyển tải thông điệp, truyền cảm hứng và khát vọng mùa xuân. Những mùa xuân độc lập của dân tộc luôn gắn với lời thề độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Lời thề độc lập trở thành ngọn đuốc soi đường để Nhân dân ta tiếp tục kháng chiến, bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám và xây dựng đất nước phồn vinh dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với biết bao mất mát, hy sinh, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân làm nên những chiến công oanh liệt “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ở thế kỷ XX cùng nhiều mùa xuân lịch sử. “Bài ca mùa Xuân 61” của Tố Hữu thể hiện niềm lạc quan phơi phới của dân tộc Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc chiến tranh đầy cam go, đẫm máu nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc trên nền tảng “đỉnh cao muôn trượng” của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và những thắng lợi bước đầu đạt được của Nhân dân miền Nam và một niềm tin tất thắng của dân tộc Việt Nam: “Chào 61! Ðỉnh cao muôn trượng/Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng/ Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau/ Trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu”. Xuân Mậu Thân năm 1968 cả nước thực hiện quyết định táo bạo của Đảng, lấy câu thơ chúc Tết của Bác làm mệnh lệnh: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”. Đó là mùa Xuân Tổng tiến công và nổi dậy long trời, lở đất đánh vào cơ quan đầu não của Mỹ, chính quyền Sài Gòn, giáng đòn bất ngờ lớn vào quân xâm lược. Mùa xuân năm 1973 là mùa xuân của sức mạnh Việt Nam trên bàn đàm phán ngoại giao; Hiệp định Paris được ký kết, chúng ta từng bước thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài thơ chúc Tết trước lúc đi xa: “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn”. Đỉnh cao là Đại thắng Mùa xuân 1975 đã ghi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, thể hiện rõ nét ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam; đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kể từ mùa Xuân năm 1975, đồng bào cả nước được hưởng trọn niềm hạnh phúc, thực hiện thành công khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam anh hùng.

1

• ĐẾN NHỮNG MÙA XUÂN CỦA KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, HẠNH PHÚC…

Mùa Xuân 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng mở đầu đường lối đổi mới toàn diện đất nước “vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của Nhân dân”. Đại hội VI của Đảng có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước ngoặt trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội đã tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội bằng việc đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đặt nền tảng cho việc tìm ra con đường thích hợp đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đường lối đổi mới là sản phẩm và tư duy khoa học của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện quyết tâm đổi mới của Đảng. Đường lối đổi mới do Đảng tổng kết sáng kiến từ Nhân dân để khởi xướng và lãnh đạo đã tạo được niềm tin với Nhân dân.

Trải qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Xuân Tân Sửu 2021, cả nước đón chào Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với một niềm tin và khát vọng phát triển đất nước. Nhân dân Việt Nam tự hào về những thành quả của công cuộc đổi mới, đất nước ta đã thực sự thay da, đổi thịt; đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 3.000 USD, văn hóa xã hội có sự phát triển mạnh mẽ; công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, kiện toàn và ngày càng vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền của đất nước được giữ vững. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định chủ thuyết phát triển “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đó không chỉ là mục tiêu mà còn là khát vọng của cả dân tộc Việt Nam.

Xuân Quý Mão 2023 đã cận kề, nhìn lại một năm đất nước ta đã trải qua bao khó khăn, gian khổ, nhưng những thành tựu chúng ta đạt được thật đáng tự hào.Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của Tỉnh ủy cũng đạt được những thành tích nổi bật, toàn bộ 18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặt ra năm 2022 đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức, GRDP tăng hơn 11,8%, GRDP bình quân đầu người 75,3 triệu đồng, tổng thu ngân sách nhà nước 13 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 18% so dự toán; khách du lịch đạt 7 triệu lượt, tăng 340% so với năm 2021; giải ngân vốn đầu tư công đạt tỉ lệ 95%. Toàn tỉnh có hơn 65,3 nghìn ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chiếm gần 22% diện tích canh tác; 177 sản phẩm OCOP được công nhận; 109/111 xã và 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm đẩy mạnh; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... Năm 2022, Dự án đường Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, với quy mô chiều dài 66 km, tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng; Dự án đường Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có chiều dài 73,6 km với tổng mức đầu tư 19.520 tỷ đồng đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư; 4 dự án trọng điểm đã hoàn thành thủ tục, được phân bổ vốn và đang triển khai thi công. Đó chính là những tín hiệu rất vui cho quá trình thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Đón chào Xuân mới 2023, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh thể hiện quyết tâm chính trị và nỗ lực cao nhất, với phương châm “Quyết liệt, đồng bộ, đột phá; kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI”. Trong mùa xuân của niềm tin và khát vọng, đất nước ta, quê hương Lâm Đồng sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; vững bước trên con đường xây dựng đất nước Việt Nam, quê hương Lâm Đồng giàu đẹp, phồn vinh và hạnh phúc.

 

TRẦN TRUNG HIẾU

 

(Theo Báo Lâm Đồng)

Lượt xem: 810
Văn bản mới
  • Số 1504-CV/BTGTU 10/01/2025 Tăng cường công tác tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại ...
  • Số 16-CTr/BTGTU 08/01/2025 Chương trình Công tác Tuyên giáo năm 2025
  • Số 36 - NQ/TU 07/01/2025 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - ...
  • Số 208-HD/BTGTU 03/01/2025 Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày ...
  • Số 207-HD/BTGTU 02/01/2025 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 01 năm 2025
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005070809
  •  Đang online: 150
  •  Trong tuần: 32.211
  •  Trong tháng: 63.850
  •  Trong năm: 63.850