Ngày 25/7/2022, Tỉnh uỷ Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Qua hơn 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 11/11/2016 của Tỉnh ủy về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, quản lý, điều hành, triển khai đồng bộ của chính quyền các cấp, kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Nhận thức các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc triển khai đạt hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết số 06- NQ/TU đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương được nâng lên, chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng được cải thiện; một số công trình trọng điểm của tỉnh đã, đang triển khai cùng với việc tiếp tục triển khai một số công trình mới, từng bước làm thay đổi căn bản kết cấu hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng mạnh các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tuy nhiên, việc đầu tư kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa tạo được bước chuyển biến đột phá và động lực quan trọng cho sự phát triển; các công trình, dự án đầu tư còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; phát triển kết cấu hạ tầng một số lĩnh vực chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết, nhất là hạ tầng giao thông kết nối; các địa phương chưa chủ động trong khai thác các nguồn lực phục vụ cho đầu tư kết cấu hạ tầng. Việc tranh thủ, huy động các nguồn lực bên ngoài để đầu tư kết cấu hạ tầng còn hạn chế, đang là điểm nghẽn của sự phát triển, nhiều lĩnh vực được xem là thế mạnh của tỉnh như: Du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, giáo dục - đào tạo,…vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược...
Vì vậy. Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU nhằm đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phải kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh và ứng phó với biến đổi khí hậu; Huy động sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ cả hệ thống chính trị, lấy nguồn lực công là bước đệm, chất xúc tác quan trọng để tập trung đầu tư cho các công trình, dự án có tác dụng lan tỏa lớn, thật sự cần thiết, cấp bách và các công trình phục vụ an sinh xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…
Với mục tiêu: Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đối với những lĩnh vực then chốt, có khả năng tạo đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với mục tiêu “phấn đấu đến năm 2025, Lâm Đồng là tỉnh phát triển khá của cả nước; đến năm 2030, là tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước, tự cân đối được ngân sách và có điều tiết nộp về ngân sách Trung ương; đến năm 2045, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.
Để thực hiện thắng lợi quan điểm chỉ đạo và mục tiêu trên, Tỉnh uỷ đã đề ra 04 nhiệm vụ, giải pháp:
Một là, tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; trong đó tập trung: Đầu tư hạ tầng giao thông; Hạ tầng thủy lợi; Hạ tầng đô thị; Hạ tầng du lịch, dịch vụ; Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; Hạ tầng khu, cụm công nghiệp; Hạ tầng năng lượng điện; Hạ tầng thương mại; Hạ tầng giáo dục - đào tạo; Hạ tầng y tế; Hạ tầng khoa học - công nghệ; Hạ tầng thông tin - truyền thông; Hạ tầng văn hóa - thể thao.
Hai là, nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch: Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch tỉnh đảm bảo tích hợp kịp thời, đầy đủ các quy hoạch ngành, lĩnh vực, nhằm mục tiêu đảm bảo khai thác có hiệu quả các nguồn lực, phát huy tối đa những lợi thế của từng ngành, lĩnh vực và của từng địa phương; Tập trung hoàn thành các đồ án quy hoạch trọng điểm của tỉnh: Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện; đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận; quy hoạch chung huyện Đức Trọng…
Ba là, thu hút và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả: Tiếp cận, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong việc bố trí vốn cho các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, đặc biệt là các công trình trọng điểm, cấp bách của tỉnh; Đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc các ngành, lĩnh vực; chủ động thu hút các nhà đầu tư có năng lực và tiềm lực để triển khai các dự án lớn…
Bốn là, sử dụng đồng bộ các giải pháp về quản lý đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư: Đẩy mạnh tiến độ triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai đối với cấp huyện; tập trung rà soát toàn bộ các dự án đầu tư có liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng…; Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và tổ chức triển khai đạt hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương nhằm khai thác, sử dụng quỹ đất một cách hợp lý, hiệu quả; hạn chế việc sử dụng đất chồng chéo, lãng phí, kém hiệu quả, phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái, kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm công cụ pháp lý hữu hiệu để hỗ trợ quản lý Nhà nước về đất đai; đồng thời làm căn cứ pháp lý cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,...
Hồng Vĩnh