Chiến thắng Tây Bắc 1952 - bài học về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới In trang
06/12/2022 04:26 CH

Chiến thắng Tây Bắc 1952 đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, là một trong những chiến công oanh liệt, có ý nghĩa chiến lược, làm chuyển biến cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ và khát vọng hòa bình, củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cùng đoàn kết một lòng vượt qua mọi gian lao, thử thách. Đồng thời, chiến thắng đó đã khẳng định chủ trương đúng đắn, làm cơ sở vững chắc để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vì mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Sơ đồ Chiến dịch Tây Bắc năm 1952.
Sơ đồ Chiến dịch Tây Bắc năm 1952.

Ngược dòng lịch sử, từ sau thắng lợi Chiến dịch Hòa Bình, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy Tây Bắc vừa là địa bàn chiến lược quan trọng, vừa là hướng tiến công phù hợp với sở trường tác chiến rừng núi của quân đội ta. Do vậy, nếu làm chủ được vùng Tây Bắc, không những bảo vệ vững chắc an toàn khu Trung ương, tạo thế liên hoàn nối Việt Bắc với Liên khu 3, Liên khu 4, mà còn có điều kiện thuận lợi trong củng cố phát triển liên minh chiến đấu Việt - Lào cùng chống kẻ thù chung, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta đi đến thắng lợi quyết định. Trung ương Đảng chủ trương “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm sơ hở của địch mà đánh” và quyết định mở chiến dịch Tây Bắc.

Từ ngày 14/10 - 10/12/1952, diễn ra ba đợt tấn công, quân và dân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm tan rã hệ thống kìm kẹp của quân Pháp ở Tây Bắc, đập tan âm mưu lập “Xứ Thái tự trị”, “Xứ Mường tự trị”, “Xứ Nùng tự trị” của địch, giải phóng một vùng đất rộng lớn ở địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, nối liền vùng giải phóng Tây Bắc với Căn cứ địa Việt Bắc; phá vỡ “bình phong” che chở cho địch ở Thượng Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho ta giành thế chủ động trên chiến trường.

70 năm đã trôi qua, chiến thắng Tây Bắc 1952 vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử và để lại nhiều bài học quý báu, nhất là về đường lối, nghệ thuật xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc. Điều này được thể hiện sâu sắc ở một số nội dung:

Một là, quán triệt, vận dụng, thực hiện có hiệu quả quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về nhiệm vụ quân sự quốc phòng trong tình hình mới

Chiến thắng Tây Bắc 1952 bắt nguồn từ tầm nhìn chiến lược, đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng, trong đó nội dung cốt lõi là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Khẳng định sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, khả năng tác chiến, hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn ở địa hình rừng núi, xa hậu phương, làm kinh nghiệm quý báu để ta tổ chức các chiến dịch với quy mô lớn hơn.

Trong tình hình mới, để bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”…

Hai là, chủ động xây dựng tiềm lực quốc phòng ngày càng vững mạnh

Trong Chiến dịch Tây Bắc, ta phát huy được sức mạnh của toàn dân và hệ thống chính quyền các cấp; huy động được hàng trăm nghìn lượt dân công phục vụ tiền tuyến; các địa phương đã cung cấp hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược,… góp phần bảo đảm hậu cần cho chiến dịch. Do đó, cần thường xuyên chủ động xây dựng tiềm lực quốc phòng ngày càng vững mạnh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; coi trọng xây dựng, phát huy tiềm lực chính trị-tinh thần, ưu thế tuyệt đối của chiến tranh chính nghĩa, bảo vệ Tổ quốc; quan tâm xây dựng tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học-công nghệ, tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, rộng khắp

Thực hiện chủ trương “động viên toàn dân, vũ trang toàn dân” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân ta đã xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, vững chắc. Dựa vào thế trận chiến tranh Nhân dân, trong Chiến dịch Tây Bắc, ta có điều kiện tập trung lực lượng tiến công địch, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược, buộc địch phải điều lực lượng ứng cứu, tạo cơ hội cho ta đẩy mạnh chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ. Vận dụng vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh Nhân dân phù hợp tình hình mới, phải thường xuyên chú trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, khoa học, tạo sức mạnh tổng hợp cao; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân…

Bốn là, tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, chú trọng xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong tình hình mới

Đối với nước ta, sau 35 năm đổi mới, thế và lực ngày càng được tăng cường, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong giai đoạn mới. Trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phải tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, có cơ cấu, thành phần hợp lý. Đặc biệt, phải quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại...

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc là dịp để mỗi chúng ta ôn lại lịch sử cách mạng hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

                                                                                                            Cảnh Việt

Lượt xem: 821
Văn bản mới
  • Số 206-HD/BTGTU 23/12/2024 Hướng dẫn học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2025 “Học tập và ...
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004383434
  •  Đang online: 51
  •  Trong tuần: 39.098
  •  Trong tháng: 174.125
  •  Trong năm: 2.084.475