Cán bộ, công chức phải kê khai những loại tài sản gì của mình và người thân? In trang
02/12/2022 02:29 CH

Bạn đọc đề nghị cho biết quy định của pháp luật về việc cán bộ, công chức phải kê khai tài sản của người thân như thế nào?

Ban Nội chính Trung ương cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định cán bộ, công chức không chỉ kê khai tài sản của mình mà còn phải kê khai tài sản của người thân.

Theo đó, Luật này có nhiều quy định liên quan đến việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Đáng chú ý, Luật năm 2018 vẫn giữ nguyên yêu cầu “Cán bộ, công chức phải kê khai tài sản của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên” như Luật năm 2005.

Cụ thể, tại Điều 33, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập như sau: Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên theo quy định của Luật này.

Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập.

Không chỉ phải kê khai tài sản lần đầu hay hằng năm, cán bộ, công chức còn phải có nghĩa vụ kê khai tài sản mọi biến động về tài sản, thu nhập của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên.

Theo Điều 35 quy định, cán bộ, công chức phải kê khai những loại tài sản, thu nhập sau của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên.

Tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm: Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài; Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

Giống như việc kê khai tài sản của bản thân, cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập của vợ/chồng, con theo quy định tại Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Những nội dung cần thực hiện trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và thủ tục kê khai tài sản, thu nhập

Theo Ban Nội chính Trung ương, Điều 36, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định 03 phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập là kê khai lần đầu, kê khai bổ sung và kê khai hằng năm. Theo đó, mỗi hình thức kê khai lại áp dụng với đối tượng cán bộ, công chức nói riêng. Cụ thể:

- Kê khai lần đầu được thực hiện đối với những trường hợp sau đây: (a) Người đang giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật này tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12/2019; (b) Người lần đầu giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật này. Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác.

- Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập, trừ trường hợp đã kê khai theo quy định tại Khoản 3, Điều 36.

- Kê khai hằng năm được thực hiện đối với những trường hợp sau đây: (a) Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12; (b) Người không thuộc quy định tại điểm a khoản này làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12.

Cạnh đó, việc kê khai phục vụ công tác cán bộ được thực hiện đối với những trường hợp sau đây: (a) Người có nghĩa vụ kê khai quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật Phòng, chống tham nhũng khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác. Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày trước ngày dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác; (b) Người có nghĩa vụ kê khai quy định tại Khoản 4, Điều 34 của Luật này. Thời điểm kê khai được thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử.

Điều 10, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 của Chính phủ hướng dẫn cụ thể về người có nghĩa vụ kê khai 02 trường hợp theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng gồm:

 (1) Các ngạch công chức và chức danh sau đây: (a) Chấp hành viên; (b) Điều tra viên; (c) Kế toán viên; (d) Kiểm lâm viên; (đ) Kiểm sát viên; (e) Kiểm soát viên ngân hàng; (g) Kiểm soát viên thị trường; (h) Kiểm toán viên; (i) Kiểm tra viên của Đảng; (k) Kiểm tra viên hải quan; (l) Kiểm tra viên thuế; (m) Thanh tra viên; (n) Thẩm phán.

(2) Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.

(3) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Có thể thấy, đây là các đối tượng có cơ hội tham nhũng, có nguy cơ tham nhũng cao hơn so với các nhóm khác nên phải kiểm soát thu nhập, tài sản hằng năm.

Để thực hiện kế hoạch xác minh, tại Khoản 3, Điều 15, Nghị định 130/2020 nêu rõ: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Việc lựa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính.

Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập mời đại diện Ủy ban kiểm tra Đảng và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp dự và chứng kiến việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh.

Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất 01 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Theo quy định, có thể thấy, bất cứ cán bộ, công chức nào cũng có thể được chọn "ngẫu nhiên" để xác minh thu nhập, tài sản. Qua đó, bảo đảm ít nhất 10% cán bộ, công chức có nghĩa vụ kê khai hàng năm phải được xác minh.

Tuy nhiên, dù được quy định là xác định "ngẫu nhiên" nhưng phải bảo đảm ít nhất có 01 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

 

(Báo Điện tử Chính phủ)

Lượt xem: 618
Văn bản mới
  • Số 200-HD/BTGTU 19/11/2024 Các hình thức tổ chức biểu dương, khen thưởng và gặp mặt các tập thể, ...
  • Số 198-HD/BTGTU 01/11/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 11 năm 2024
  • Số 1423-CV/BTGTU 28/10/2024 Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024)
  • Số 1415-CV/BTGTU 23/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 ...
  • Số 9743-HD/BTGTW 16/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bô các cấp nhiệm kỳ 2025-2023 ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004177734
  •  Đang online: 101
  •  Trong tuần: 4.444
  •  Trong tháng: 181.194
  •  Trong năm: 1.878.775