Báo chí với sứ mệnh khơi dậy, định hướng dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội In trang
22/06/2022 08:02 SA

Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, có bài viết đề cập những vấn đề quan trọng của công tác báo chí. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

1. Truyền thống và sứ mệnh vẻ vang

Nền báo chí cách mạng Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, tổ chức, lãnh đạo và rèn luyện, đã trải qua thời gian gần một thế kỷ. Trong suốt chặng đường vẻ vang đó, thấm nhuần sâu sắc quan điểm báo chí cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ người làm báo đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt sứ mệnh vẻ vang của mình, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, những năm qua, hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục khởi sắc, phát triển mạnh mẽ, không ngừng nâng cao chất lượng, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương tiện kỹ thuật, công nghệ làm báo trong thời đại “số hóa”, nhờ vậy tính hiệu quả trong tuyên truyền được nâng cao, tác động tích cực đến sự phát triển của đời sống xã hội; khẳng định rõ nét hơn vị trí, vai trò đặc biệt của báo chí cách mạng trong đời sống xã hội.

Bên cạnh những thành tựu rất quan trọng nêu trên, hoạt động báo chí vẫn còn những bất cập, hạn chế như Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập”. Những hạn chế này đã và đang làm tổn hại đến uy tín, danh dự của người làm báo chân chính, cản trở sự phát triển bền vững của báo chí cách mạng Việt Nam.

Bước vào giai đoạn phát triển mới, cùng với niềm tự hào “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(1), chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức: Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, mau lẹ và khó lường. Ở trong nước, kinh tế-xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Đời sống văn hóa xã hội còn những biểu hiện thiếu lành mạnh. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Trên môi trường số và xã hội số, vẫn còn không ít những thông tin tiêu cực, sai sự thật, xấu độc, phản ánh không đúng bản chất hiện thực đất nước ta. Các thế lực phản động, thù địch lợi dụng internet, mạng xã hội để lan truyền các thông tin tiêu cực, xấu độc, xuyên tạc, kích động hòng chống phá về chính trị, tư tưởng, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Trước tình hình đó, báo chí cách mạng Việt Nam cần không ngừng phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang là thông tin, định hướng kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phản ánh, biểu dương khí thế của các tầng lớp Nhân dân ta đang đồng tâm, hiệp lực xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

 

2. Xây dựng văn hóa báo chí cách mạng

 

Dân tộc Việt Nam có một truyền thống văn hóa rất đáng tự hào, đậm đà bản sắc, giàu tính nhân văn. Truyền thống ấy đã hun đúc nên những phẩm chất cao quý của con người Việt Nam. Đảng, Nhà nước ta xác định trọng tâm của xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người Việt Nam có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp với các đặc tính cơ bản “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.

Là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, những người làm báo không chỉ có trách nhiệm tuyên truyền, lan lỏa những giá trị tốt đẹp đó mà tự thân phải phấn đấu là những người xây dựng và thực thi. Do vậy, trong từng bài báo, trên mỗi chuyên mục, mỗi nhà báo cần có nhiệm vụ gìn giữ bản sắc văn hóa, thắp lên ngọn lửa tri thức. Mỗi sản phẩm báo chí phải thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, đủ sức lay động lòng người, góp phần bồi đắp ý chí, nhuệ khí cách mạng và khát vọng phồn vinh, hạnh phúc của các tầng lớp nhân dân ta.

Văn hóa của người làm báo nói một cách giản dị là hướng tới 4 chữ “TÂM SÁNG, BÚT SẮC”. “Tâm sáng” là phẩm chất quan trọng hàng đầu, phản ánh cái đức của người làm báo. Chỉ khi nhà báo có tâm sáng thì mỗi tác phẩm báo chí của họ mới thật sự có ích cho xã hội. Chỉ khi có tâm sáng, bài viết của nhà báo mới bảo đảm tính trung thực, chính xác, giàu tính chiến đấu, làm tròn sứ mệnh “phò chính, trừ tà” với tinh thần xây dựng; đấu tranh với cái xấu phải luôn song hành bảo vệ cái đúng, khơi dậy điều tốt đẹp trong cuộc sống. Khi nhà báo suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, khi tâm không còn sáng, sẽ vô cùng nguy hại, không chỉ cho tờ báo, mà cho cả xã hội, thậm chí còn ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Cùng với những giá trị đạo đức, nhà báo cách mạng, phải có “bút sắc”, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, cơ sở quan trọng để tạo nên những tác phẩm mang tính chiến đấu, tính hấp dẫn, tính thuyết phục. Mỗi tác phẩm báo chí đòi hỏi phải hội tụ đủ yếu tố nhân văn và hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi nhà báo phải chịu khó rèn giũa kỹ năng, “mài sắc ngọn bút” với sự đam mê nghề nghiệp, nêu cao tinh thần sáng tạo, cầu thị, học hỏi, nhất là thường xuyên nghiên cứu học tập phong cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người làm báo phải bám sát thực tiễn cuộc sống, “phải đi tận nơi, xem tận chỗ”, thấu cảm tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, “phải học cách nói của quần chúng”, “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”; viết cho dân phải giản dị, cụ thể, biến lý luận thành những điều dễ nhớ, dễ thuộc, “Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”. Và “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”.(2)

3. Kiến tạo môi trường văn hóa báo chí

Quán triệt tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và thực hiện ý kiến kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đòi hỏi trước hết cần phải nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, trong đó có nhiệm vụ kiến tạo không gian, môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí; xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, văn hóa báo chí của người làm báo.

Để triển khai nhiệm vụ đó, mỗi cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo nước nhà cần phát huy ý thức trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, trước sứ mệnh nghề nghiệp, tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

Một là quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan báo chí về vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cần xác định làm báo cách mạng trước hết và trên hết là để phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân tin tưởng giao phó.

Cần quán triệt và nhận thức sâu sắc những kết quả đạt được cũng như những hạn chế bất cập, những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động báo chí, truyền thông đã được nêu ra tại các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, từ đó có giải pháp cụ thể để “xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp nhân văn và hiện đại”, hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).

Hai là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với báo chí, bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng; bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức để người làm báo nhận thức sâu sắc làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng; khắc phục những biểu hiện lệch lạc về chính trị, tư tưởng trong đội ngũ những người làm báo. Đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin bảo đảm kịp thời, chính xác, toàn diện, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, chấp hành chỉ đạo, định hướng thông tin, nhất là đối với những vấn đề có tính chất quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.

Ba là, thường xuyên quán triệt thực hiện, bám sát thực tiễn, tổ chức tốt các hoạt động giao ban báo chí; sơ kết, tổng kết các văn bản của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực báo chí, truyền thông trên cơ sở đó tiếp tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tạo sự thống nhất, đồng bộ với các quy định hiện hành; xây dựng quy chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tiêu cực trong hoạt động báo chí. Thực hiện nghiêm quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí; tập trung xử lý, khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, “thương mại hóa”; “báo hóa” tạp chí điện tử, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; biểu hiện tư nhân núp bóng chi phối hoạt động báo chí…

Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí trong việc để cơ quan báo chí, người làm báo có nhiều sai phạm, vi phạm pháp luật. Hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế, kinh phí, nguồn lực hoạt động; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực quản lý cho đội ngũ những người làm báo.

Bốn là, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong các cơ quan báo chí theo nội dung Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bằng những chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, sát hợp thực tế; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên trong cơ quan báo chí, nhất là người đứng đầu cấp ủy.

Thường xuyên chăm lo xây dựng văn hóa trong mỗi tổ chức đảng của các cơ quan báo chí, trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên, người làm báo có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.

Năm là, xây dựng các quy định, quy chế của tòa soạn về quy trình tổ chức đề tài, tác nghiệp, thẩm định, biên tập, phê duyệt xuất bản, cải chính, phản hồi thông tin báo chí; quy chế quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú bảo đảm minh bạch, hiệu quả, hướng tới mô hình văn hóa. Mỗi cơ quan báo chí phải xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt quy trình tác nghiệp, bảo đảm các chuẩn mực cao nhất về tính chính xác, sự tin cậy và tính nhân văn trong từng bản tin, từng bài báo. Mỗi sản phẩm báo chí phải bảo đảm yếu tố thẩm mỹ, giáo dục, đề cao tính nhân văn, trở thành hình mẫu trong giao tiếp, ứng xử văn hóa trong cộng đồng, nhất là trên không gian mạng và môi trường số.

Và đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các nhà báo, cơ quan báo chí cần nhận thức sâu sắc, toàn diện, đầy đủ về chức năng giám sát, phản biện của báo chí, tránh lợi dụng phản biện để lồng ghép các quan điểm chính trị thiếu đúng đắn, lợi dụng phản biện, góp ý gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Cũng cần phải tránh việc phản biện một cách hời hợt, dễ dãi, hình thức. Phải thay đổi tư duy làm báo, chuyển từ báo chí “phản ánh” sang báo chí “kiến nghị” và báo chí “giải pháp” để nâng tầm, nâng cao chất lượng hoạt động báo chí.

Sáu là, xây dựng và hoàn thiện, triển khai thực thi bộ quy tắc ứng xử đạo đức nhà báo, trong đó cần nhấn mạnh những giá trị văn hóa cốt lõi của người làm báo cách mạng, chủ động thích ứng với các phương tiện truyền thông mới, bảo đảm phục vụ hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để làm được điều này, mỗi nhà báo, mỗi cán bộ báo chí cần có ý chí, bản lĩnh vững vàng, kiên định, không ngả nghiêng dao động, nhưng đồng thời cũng không duy ý chí, không nhụt chí hay thiếu tính sáng tạo; cần nhìn nhận mọi vấn đề dưới lăng kính khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật với tấm lòng trong sáng của người cầm bút.

Chúng ta tin rằng, với truyền thống trung thành với Đảng, gắn bó với dân tộc và nhân dân, với chặng đường lịch sử vẻ vang của 97 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tiếp tục hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả; ngày càng khẳng định vị thế là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng.

NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.104

(2) Hồ Chí Minh. Toàn tập. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 345-346

Lượt xem: 672
Văn bản mới
  • Số 206-HD/BTGTU 23/12/2024 Hướng dẫn học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2025 “Học tập và ...
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005031950
  •  Đang online: 138
  •  Trong tuần: 24.991
  •  Trong tháng: 24.991
  •  Trong năm: 24.991