Sau 2 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nội dung học tập và làm theo Bác đã thấm sâu, trở thành việc làm thường xuyên của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và các cấp Công đoàn trong toàn tỉnh. Qua đó góp phần thực hiện tốt vấn đề tập hợp, phát huy sức mạnh của giai cấp công nhân trong tình hình mới.
Hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 là hoạt động được các cấp Công đoàn quan tâm thực hiện.
Hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 là hoạt động được các cấp Công đoàn quan tâm thực hiện
• ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO BÁC
Ông Hoàng Liên - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Lâm Đồng cho hay, LĐLĐ tỉnh xác định việc triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW gắn với Kế hoạch số 21-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Qua đó, các cấp Công đoàn cụ thể hóa thành kế hoạch với nội dung phù hợp tình hình thực tế ở địa phương, cơ quan, đơn vị và triển khai quán triệt đến 100% công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc, đoàn viên, CNVCLĐ thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc học tập và làm theo Bác được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức trong tổ chức Công đoàn thông qua thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Điển hình như: “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; Xây dựng người cán bộ công chức, viên chức “Trung thành - trách nhiệm - liêm chính - sáng tạo”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”; “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”; “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”…
Đặc biệt, Chương trình “Một triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động được đông đảo đoàn viên và CNVCLĐ tham gia với gần 20.000 sáng kiến, đạt gần 320%, đứng vị trí thứ tư toàn quốc. Nhiều CNVCLĐ có những sáng kiến, sáng tạo, giải pháp làm lợi cho đơn vị, doanh nghiệp hàng tỷ đồng mỗi năm; nhiều CNVCLĐ tiêu biểu được cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chính quyền và cấp ủy đảng ở địa phương biểu dương, khen thưởng về học tập và làm theo Bác.
• CHUYỂN BIẾN VỀ NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG
Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng, quá trình thực hiện Kết luận 01 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp Công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ, đưa việc học tập và làm theo Bác thành công việc tự giác, thường xuyên của mỗi cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ. Các cấp Công đoàn chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và bồi đắp bản lĩnh chính trị, tư tưởng trong đội ngũ CNVCLĐ.
LĐLĐ tỉnh đã xây dựng lực lượng tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở để kịp thời thông tin đến đoàn viên, người lao động những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình thời sự trong và ngoài nước, chú trọng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng hình thức phù hợp, hiệu quả. Phối hợp với Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng đăng tải, phát sóng định kỳ hàng tháng chuyên mục Lao động và Công đoàn để định hướng thông tin, tư tưởng trong CNVCLĐ; phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Giải báo chí viết về Phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn tỉnh thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động và phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh tham gia; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thi Tiếng hát công nhân lao động tỉnh Lâm Đồng lần thứ nhất. Đặc biệt, thiết thực kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và triển khai Tháng Công nhân năm 2023, LĐLĐ tỉnh đã phát động Phong trào Công nhân Lâm Đồng làm theo lời Bác, được đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động và chủ các doanh nghiệp hưởng ứng tham gia.
Các cấp Công đoàn thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi và chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Trong đó, dành nguồn lực của tổ chức Công đoàn, nguồn hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh và công tác xã hội hóa để chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo với số tiền hàng chục tỷ đồng… Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Trợ vốn CNVCLĐ và Quỹ Hỗ trợ CNVCLĐ khó khăn để hỗ trợ công nhân lao động cải thiện cuộc sống; mở rộng và nâng cao chất lượng Chương trình “Tết sum vầy”, hoạt động “Tháng Công nhân” hàng năm thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động…
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, thu hút công nhân lao động trong các thành phần kinh tế, nhất là trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; quan tâm đoàn kết, tập hợp công nhân lao động người dân tộc thiểu số, người có đạo bằng những hình thức phù hợp, thiết thực để người lao động tự nguyện tham gia, thành lập CĐCS. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh thành lập mới 69 CĐCS trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và kết nạp mới hơn 7.600 đoàn viên. Qua đó, xây dựng đội ngũ CNVCLĐ trong tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập.
(LĐ online)