HÓA THÂN VÀO NHỮNG CHIẾC GÙI In trang
04/03/2016 12:00 SA

Đang thưởng thức ly cà phê sáng cuối tuần thì bỗng giật mình bởi âm thanh từ trong quán, bài hát Hoa Lang Biang của nhạc sĩ  Đình Nghĩ được cất lên bởi giọng hát ngọt ngào của nữ ca sĩ Bonneur Trinh "em lên nương mang gùi trên vai như hoa trên đồi Lang biang. Sông Krông Nô xanh màu mắt em quê hương buôn làng...". Chỉ từ hình ảnh chiếc gùi quen thuộc ấy mà nó gợi cho tôi nhớ lại lần gặp gỡ thú vị với một người từng là cha đẻ của "vật bất ly thân" đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ông chính là già làng Ya Hiêng, thôn Pré, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng.

Đồng bào thôn Pré, xã Phú Hội ví già làng Ya Hiêng như một pho sử sống về nghệ thuật chắc hẳn không có gì là sai. Bởi ông ngoài tài nghệ đánh chiêng, thiết kế nhà sàn thì việc đan gùi, thổi hồn cho những chiếc gùi đã thành một công việc đạt đến trình độ tinh xảo. Trong căn nhà khang trang kiên cố ông và vợ là bà Ma Bin đã gắn bó đời mình với nghề đan gùi hơn 50 năm nay. Trò chuyện với chúng tôi, già làng Ya Hiêng nói rằng cùng với những chiếc nhà sàn, thì cái gùi là vật dụng gần gũi và hết sức quen thuộc đối với tộc người Chu Ru của ông. Nó là biểu tượng văn hóa, là bản sắc của cộng đồng dân tộc nơi ông Ya Hiêng sinh sống. "Ngày nay chiếc gùi không chỉ là vật dụng lên nương lên rẫy cùng bà con mình nữa mà con vươn xa tại các lễ hội, các sự kiện văn hóa và xa hơn là kỷ vật lưu niệm cho khách du lịch khi đến với Tây Nguyên. Tuy nhiên khi kinh tế- xã hội ngày càng phát triển thì ít người muốn giữ lại giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, ít người biết đan gùi nên mình cố giữ nghề này với mong muốn bảo tồn cho con cháu mình". Ông Ya Hiêng nói trong nghẹn ngào. Hóa ra mấy mươi năm vợ chồng ông gắn bó với công việc đan gùi mục đích chính không phải làm để bán, không phải để làm cho cuộc sống đủ đầy, cho mâm cơm gia đình vơi đi vị mặn của muối trắng, rau rừng mà là vì cộng đồng, vì sợ mất đi giá trị văn hóa của tổ tiên.

Đan gùi bằng cả tâm huyết.

60 mùa rẫy sống cùng bà con dân tộc Chu Ru thì ông Ya Hiêng có hơn 50 năm làm gùi. Cơ duyên đến với nghề đan gùi ngay từ khi ông là đứa trẻ mới lên 8. "Ngày đó ba tôi cũng là người chuyên đan gùi, mỗi lần vào rừng chặt tre là ông cho tôi đi cùng. Mình được học nhiều kinh nghiệm để chọn tre lồ ô, vót tre sao cho đẹp từ bố mình ngày xưa". Cứ như vậy mà ký ức về cái nghề đan gùi được ông kể như một giai thoại sinh động nên giờ đây việc đan gùi được ông Ya Hiêng tiến hành thông thạo, rành mạch. Theo ông, để có chiếc gùi đẹp ông phải kỹ càng từ khâu chọn tre. Những cây tre dùng để đan gùi không được quá già cũng không phải quá non, phải vào rừng sâu mới có. Sau khi tìm được những cây tre lồ ô ưng ý, việc kế tiếp là phải cưa thành từng khúc, vót thật mỏng và láng. Để có được chiếc gùi đẹp hay không thì quá trình vót tre phải tỉ mẩn và chi li. Khi vót tre người đan gùi chú ý nhiều lắm đến việc bỏ những phần non và chỉ lấy phần cứng của thân tre. Nếu không thận trọng trong quá trình vót tre thì khi đan gùi sẽ bị xơ xước mất giá trị thẩm mỹ. Sau khi vót xong tre đem phơi tre ngoài trời nắng để chống sâu mọt. Cứ như thế câu chuyện về chiếc gùi được ông Ya Hiêng kể cho chúng tôi nghe một cách say sưa đến nỗi quên mất những cơn mưa rừng bất chợt đến bất chợt đi khi nào không hay.

Với người đồng bào Tây Nguyên chiếc gùi trở thành những “linh hồn” đối với họ đặc biệt là người phụ nữ. Chính vì vậy mà trong câu chuyện của già làng Ya Hiêng kể cho chúng tôi nghe về những công đoạn làm gùi thì vẫn có một người đàn bà nữa lặng lẽ vừa đan gùi vừa nghe không thiếu một chữ nào – đó là bà Ma Bin, vợ ông Ya Hiêng. Là con nhà nòi nên việc đan gùi với ông Ya Hiêng dễ như trở bàn tay. Vậy mà khi vào công đoạn đan Ya Hiêng luôn muốn "một nửa của mình" làm cùng. Vậy mới biết được cái tình, cái tâm mà đôi vợ chồng già dành cho nhau đáng quý đến nhường nào. Phải hơn một tháng làm miệt mài thì Ya Hiêng và vợ mình mới đan xong một cái gùi. Nhấp chén trà đắng bà Ma Bin tiếp lời của chồng mình: "Đan gùi phải mang tính thẩm mỹ. Chạy theo số lượng thì không được đâu nó sẽ bị lỗi và mất đi vẻ đẹp rất nhiều". Để có chiếc gùi vừa đẹp vừa chắc thì những người như ông bà đã phải ngồi hàng mấy tiếng đồng hồ trong một ngày để rồi giờ đây hệ quả của những tháng ngày “hóa thân” cho những chiếc gùi đó đã làm đôi chân của họ bị tê nhức khi trái gió trở trời.

Theo như lời bà Ma Bin cho biết thì sau khi hoàn thành việc đan gùi ông Ya Hiêng thường tham khảo ý kiến của bà về cách trang trí điểm tô hoa văn và quai gùi sao cho mang tính thẫm mỹ bởi theo ông "vợ tôi khi nào cũng có những ý tưởng mới để làm cho chiếc gùi đẹp và bắt mắt hơn". Thế là sau một hồi làm “quân sư” cho chồng chiếc gùi xinh xắn đã được hoàn thiện với những hoa văn, đường nét tinh xảo đồng thời những chiếc hoa bằng vải, len được đính lên xung quanh miệng gùi làm nổi bật sự duyên dáng mềm mại cho vật dụng này.

Sợ ngày mai...

Trong câu chuyện giữa chúng tôi và vợ chồng ông Ya Hiêng về chiếc gùi thi thoảng tôi lại gặp ánh mắt thẫn thờ đôi lúc đượm buồn. Buồn không vì cuộc sống chưa được đủ đầy mà vì lo cho cái nghề của đan gùi của mình, lo cho một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình bị mai một. Sợ rằng ngày mai đây khi cuộc sống hiện đại hóa "phổ cập" buôn làng nơi ông sinh sống thì những người gắn bó với nghề đan gùi như ông liệu có còn hay không. Bao nỗi lo âu sợ cho ngày mai ấy mà già làng không ngần ngại truyền nghề đan gùi cho nhiều người trong buôn của mình. "Vừa rồi chính quyền có mở lớp học đan gùi. Mình được mời làm thầy hướng dẫn cho học viên trong làng. Biết được kỹ năng gì mình truyền hết cho anh em, không giấu cái gì hết." - Ông Ya Hiêng kể cho chúng tôi về lớp học bằng giọng hồ hởi mà một “nghệ nhân chân  đất” như ông vinh dự được gọi bằng tiếng thầy thân thương. Để hiện thực hóa việc bảo tồn nghề đan gùi ngoài việc truyền bá cho những người trong làng ông bà Ya Hiêng, Ma Bin còn chỉ dạy nhiệt tình cho con cháu của mình. Hiện các con của ông bà ai cũng biết đan gùi, vót tre, bện dây và trang trí...

Tâm huyết và việc làm của ông Ya Hiêng đã được  người dân và địa phương ghi nhận: “Công việc của ông đã góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của cộng đồng người Chu Ru nơi đây. Chúng tôi cũng đã động viên ông cố gắng truyền nghề lại cho con cháu mai sau" - Ông Đào Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hội, huyện Đức Trọng đã dành những tình cảm trân trọng khi nói về  già làng Ya Hiêng như thế.

ĐÔNG HÀ

Lượt xem: 1.836
Văn bản mới
  • Số 206-HD/BTGTU 23/12/2024 Hướng dẫn học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2025 “Học tập và ...
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004376099
  •  Đang online: 147
  •  Trong tuần: 31.763
  •  Trong tháng: 166.790
  •  Trong năm: 2.077.140