TÂM ĐIỂM DƯ LUẬN THÁNG 12 2016 In trang
11/01/2017 12:00 SA

1. Thông tin dư luận trong tỉnh

- Lật tẩy chiêu trò làm phân "dỏm"

Liên quan tới bài viết “Lật tẩy chiêu trò làm phân “dỏm”, Báo Lâm Đồng phản ánh số ra ngày 4/11, ngay sáng ngày 5/11, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh kiểm tra đột xuất doanh nghiệp tư nhân Yên Tâm. Kết quả phát hiện doanh nghiệp có nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Doanh nghiệp tư nhân Yên Tâm hai năm gần đây đã nhiều lần bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt và yêu cầu đình chỉ sản xuất vì chưa đủ giấy phép sản xuất phân. Trong đó, năm 2015 Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã từng kiểm tra, lập biên bản đình chỉ sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không chấp hành, vẫn tiếp tục hoạt động trong thời gian dài.

Dư luận trong tỉnh hoan nghênh với việc các cơ quan chức năng đã nhanh tay vào cuộc, xử lý công ty vi phạm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, vì sao công ty này đã bị kiểm tra hai năm liền trước đó, đã bị lập biên bản xử phạt và đình chỉ sản xuất nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động? Sự xem thường pháp luật của doanh nghiệp này thì đã rõ nhưng còn trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm quản lý thì sao? Vì vậy, dư luận mong muốn ngoài việc xử lý vi phạm, cấp có thẩm quyền cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý và xử lý nghiêm. Không thể cứ để tái diễn tình trạng “phạt rồi lơ”, làm thiệt hại kinh tế cho người tiêu thụ, ảnh hưởng đến môi trường sản xuất nông nghiệp như trong thời gian vừa qua.

-  Trang trại bò sữa Organic đầu tiên tại Lâm Ðồng đạt tiêu chuẩn châu Âu

Chiều 10/11, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết: Tổ chức Control Union đã đánh giá và cấp chứng nhận trang trại Organic đạt tiêu chuẩn châu Âu (theo hệ tiêu chuẩn EU Organic EC 834/2007 và 889/2008) cho Trang trại bò sữa Organic được Vinamilk đầu tư và xây dựng tại tỉnh Lâm Đồng.

Đây cũng là trang trại bò sữa đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận trang trại bò sữa Organic theo tiêu chuẩn châu Âu. Theo đó, các sản phẩm từ đồng cỏ đến trang trại bò sữa và nhà máy chế biến thuộc Trang trại bò sữa Organic nói trên của Vinamilk được chứng nhận là các sản phẩm organic. Trang trại được Vinamilk đầu tư xây dựng tại tỉnh Lâm Đồng với quy mô ban đầu là 500 con bò sữa hữu cơ, được chăn thả tự nhiên trong điều kiện thời tiết và môi trường được đánh giá tương đồng với châu Âu.

Dư luận trong tỉnh cho rằng, việc Vinamilk đạt chứng nhận trang trại Organic đạt tiêu chuẩn châu Âu là bước tiến lớn của ngành chăn nuôi nói chung và ngành chăn nuôi bò sữa tại Lâm Đồng nói riêng. Nhiều chuyên gia cho rằng, từ đây, Vinamilk có thể xã  hội hóa hình thức trang trại đạt chuẩn Organic cho người dân, từ đó nâng cao chất lượng nguồn sữa, cũng như nâng cao thu nhập cho người dân đang nuôi bò sữa theo phương pháp truyền thống.

- Dư luận xung quanh việc Vinastas đưa tin sai sự thật về nước mắm

Dư luận hoan nghênh việc ngày 08/11/2016, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra hoạt động Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) trong việc thông tin khảo sát nước mắm và cho rằng việc khảo sát nước mắm của Vinastas là không đảm bảo tính độc lập, tin cậy và minh bạch. Như vậy Thông cáo báo chí ngày 17/10/2016 của Vinastas đã đồng nhất khái niệm Arsen nêu tại Quy chuẩn Việt Nam QCVN 8-2:2011/BYT với “thạch tín”, một chất cực độc, đồng thời khẳng định “95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá là hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định” là không đúng, không có cơ sở khoa học và pháp lý, gây nhầm lẫn, hoang mang cho người tiêu dùng, thậm chí gây hoảng loạn và bức xúc trong xã hội. Bên cạnh đó, theo thông tin do chính Vinastas cung cấp, hoạt động khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ từ tổ chức bên ngoài… Bộ Công Thương đã báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Vinastas cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm…

Dư luận xã hội trong tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng phải khẩn trương xác minh, làm rõ tư cách pháp lý của Vinastas trong việc tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các tồn tại trong quá trình hoạt động của Vinastas và xem xét xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm của Vinastas theo quy định pháp luật và nhanh chóng thông tin để dư luận biết.

2. Thông tin dư luận trong nước

- Thủ tướng phát động xây dựng văn hóa doanh nghiệp VN

Đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong cả nước quan tâm đến việc, tối 7/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ công bố Ngày văn hóa doanh nghiệp VN - 10/11 và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ, trong đó tập trung một số nội dung sau:

“Người ta thường nói để cạnh tranh thành công trên thương trường thì sự khác biệt là rất quan trọng. Hai doanh nghiệp có thể cùng sản xuất ra một loại sản phẩm, có công nghệ giống hệt nhau nhưng khách hàng sẽ chọn mua sản phẩm từ doanh nghiệp này mà không mua của doanh nghiệp kia. Bởi lẽ họ tin vào cách ứng xử, các nguyên tắc kinh doanh, tính cam kết và tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp này hơn doanh nghiệp kia. Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Mọi quốc gia đều ra sức bảo vệ những thương hiệu của mình...”

Dư luận cho rằng xây dựng văn hóa doanh nghiệp là vấn đề cấp thiết khi nước ta đang trên đường hội nhập sâu rộng với quốc tế. Văn hóa doanh nghiệp đi liền với chất lượng sản phẩm, đây cũng là điều mà người tiêu dùng Việt Nam mong đợi để họ thực hiện tốt nhất cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt.

- Khai mạc hội thảo Biển Đông tại Khánh Hòa

Khoảng 250 đại biểu trong và ngoài nước hôm 14/11/2016 tham dự hội thảo kéo dài hai ngày, cùng thảo luận các vấn đề liên quan đến Biển Đông tại Khánh Hoà. Hội thảo Biển Đông quốc tế lần thứ 8 tại Việt Nam có chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực" kéo dài đến hết ngày 15/11/2016.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết vẫn có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng trên Biển Đông sẽ diễn biến khó lường. Bầu cử Tổng thống Mỹ cho thấy sẽ có nhiều yếu tố bất ngờ, trong khi đó các nước có cách nhìn nhận khác nhau về tương lai tự do hàng hải và luật quốc tế. Do đó, việc thảo luận và nghiên cứu về tình hình cần sự phối hợp của các nước. Các chuyên gia tham dự đến từ nhiều nước như Mỹ, Pháp, Na Uy, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Hội thảo do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức.

Các đại biểu cùng trao đổi 7 phiên, trong đó có các chủ đề Nguồn gốc của tranh chấp Biển Đông: Khía cạnh lịch sử; Căng thẳng Biển Đông sẽ đi đến đâu; Luật pháp quốc tế và Biển Đông; Kinh tế chính trị của Biển Đông: Vấn đề và Triển vọng; An ninh, Chính trị và Ngoại giao; Tương tác và phối hợp trên biển và Cơ chế quản lý căng thẳng ở Biển Đông.

Dư luận trong nước cho rằng, Hội thảo là dịp để các học giả khẳng định một sự thật hiển nhiên đó là: “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”. Dư luận trong nước mong muốn và hy vọng sau hội thảo, các nước tham dự sẽ nêu cao tinh thần quốc tế về sự chấp hành nghiêm Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) vì một nền hòa bình ổn định tại Biển Đông và khu vực.

- Việt Nam phản đối Indonesia bắn ngư dân Việt

Việt Nam phản đối việc hải quân Indonesia dùng vũ lực với ngư dân Việt và yêu cầu cơ quan chức năng Indonesia xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm.

"Việt Nam phản đối mạnh mẽ hành vi sử dụng vũ lực của lực lượng chức năng Indonesia đối với tàu cá và ngư dân Việt Nam. Hành động này của lực lượng chức năng Indonesia không phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và nguyên tắc đối xử nhân đạo với ngư dân", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 10/11 trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước vụ ngư dân Việt bị hải quân Indonesia bắn ngày 21/10.

Hai tàu cá Việt mang số hiệu BV 92658TS và BV 92659TS cùng 13 ngư dân ngày 21/10 bị tàu hải quân Indonesia truy đuổi và bắn trong khi khai thác hải sản tại vùng chồng lấn trong khu vực đặc quyền kinh tế đang phân định giữa hai nước. Ba ngư dân bị thương, trong đó một ngư dân đã qua đời vì bị thương nặng.

"Việt Nam yêu cầu các cơ quan chức năng Indonesia nhanh chóng điều tra vụ việc, xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm đồng thời bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam", người phát ngôn nói thêm.

Dư luận trong nước bức xúc cho rằng, việc Indonesia bắn ngư dân Việt Nam là hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, dư luận trong nước mong muốn chính phủ Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ, không để tái diễn các vụ việc tương tự trong thời gian tới.

- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi bên lề QH về việc chính quyền thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh điều một số nữ giáo viên đi tiếp khách tại nhà hàng.

Theo Bộ trưởng, khi địa phương cử giáo viên đi tiếp khách thì việc tiếp khách cần làm rõ thế nào, vì ngành giáo dục cũng có những mối quan hệ với phụ huynh, địa phương. "Nếu tiếp khách về chuyên môn, trao đổi với phụ huynh về chính sách giáo dục, động viên các cháu đến trường... thì đó là lành mạnh, còn đi tiếp khách vì mục đích không trong sáng thì không được". Bộ trưởng nhấn mạnh: Việc cử giáo viên đi tiếp khách rồi uống rượu là không được. Bởi theo quy định, công chức, viên chức không được uống rượu trong giờ hành chính. Còn ngoài giờ thì giáo viên cũng là một con người, có thể tiếp khách là bạn bè, người thân.

Trước ý kiến của Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cho rằng, việc điều động giáo viên làm lễ tân, tiếp khách là nét lịch sự, là vinh dự, Bộ trưởng nói đó là quan điểm của vị lãnh đạo này. "Đi tiếp khách, lắng nghe nhân dân để từ đó chỉnh sửa, vận động các cháu đến trường là tốt, còn ngoài mục đích đó là không được", Bộ trưởng GD-ĐT cũng cho biết, Bộ đã có chỉ đạo về vấn đề này, bởi đây không phải chỉ dừng lại ở một địa phương.

Dư luận trong nước cho rằng việc chính quyền thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cử nữ giáo viên làm “lễ tân” trong các sự kiện quan trọng không có gì phải phê phán, nhưng dư luận hoàn toàn không đồng tình việc buộc các nữ giáo viên trẻ tuổi này phải làm luôn việc tiếp bia, rượu, hát hò cùng các quan khách. Dư luận cũng bất bình cho rằng việc các quan khách choàng vai, bá cổ các nữ giáo viên trẻ tuổi là hành vi thiếu lịch sự cần phải chấn chỉnh.

3. Thông tin dư luận quốc tế

- Việt Nam chờ đợi gì từ Tổng thống đắc cử D. Trump?

Đài Sputnik có bài viết cho rằng có thể có những thái độ khác nhau đối với chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, như sự ngạc nhiên, nỗi buồn hay niềm vui. Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, Việt Nam và cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể chờ đợi gì từ Tổng thống đắc cử của Mỹ.

Quan sát viên của Sputnik Piotr Tsvetov nhận xét việc này không dễ dàng. Trong các bài phát biểu của mình, ông Donald Trump không nói nhiều về chính sách ngoại giao, đặc biệt không thể tìm kiếm những câu nói có liên quan trực tiếp đến Việt Nam.

Ông Murray Hiebert, một trong những chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, chuyên nghiên cứu về Việt Nam, nhận định rằng Donald Trump là một nhân vật khó đoán định.

Theo chuyên gia Murray Hiebert, các bài phát biểu của ông Trump trong cuộc vận động tranh cử có thể rút ra kết luận rằng, Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ chôn vùi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông đã không chỉ một lần tuyên bố rằng, TPP là một dự án không có lợi cho người Mỹ. Vì vậy, chắc là trong nhiệm kỳ Tổng thống của D. Trump, Quốc hội sẽ không phê chuẩn hiệp định này, nếu vậy, dự án này không thể đi vào hoạt động.

Hiện chưa thể đánh giá quyết định như vậy là tốt hay xấu cho Việt Nam. Có những người cho rằng sự tham gia vào TPP sẽ thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam đã ký kết hơn 10 hiệp định khu vực thương mại tự do với các nước, nên có thể dự đoán rằng sự sụp đổ của TPP, một dự án của Tổng thống Obama, sẽ không tác động mạnh đến Việt Nam.

Những lời hứa của Trump không áp đặt nền dân chủ ở các nước khác, như ông Obama đã làm, cũng gieo thêm hy vọng. Có lẽ bây giờ, các nhà bảo vệ nhân quyền của Mỹ chấm dứt vì bất kỳ lý do nào đổ lỗi cho những người Cộng sản Việt Nam trong việc vi phạm nhân quyền.

Trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ông Trump muốn để các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng để giảm bớt gánh nặng của Mỹ. Song, điều đó có thể sẽ không tác động đến tình hình ở Biển Đông và các vùng biển liền kề. Các nước ASEAN đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, và Washington sẽ  không từ chối điều đó.

Về các thỏa thuận cụ thể giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, chắc là hai bên không có ý định xem xét lại các văn kiện đó. Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng ông D.Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ. Tác giả Piotr Tsvetov cho rằng ông D. Trump sẽ không phản đối điều đó.

Dư luận quốc tế cũng đồng tình với Piotr Tsvetov về Tân Tổng thống Mỹ Trump là người rất khó đoán định. Đồng thời ông Trump vốn là một người kinh doanh, nên các chuyên gia cho rằng, các chính sách ngoại giao của ông Trump có thể sẽ tập trung chủ yếu vào kinh tế, còn các vấn đề về chính trị, ngoại giao, đặc biệt là vấn đề Biển Đông sẽ ít được chú trọng. Tuy nhiên, vì là mẫu người khó đoán định lại xuất thân từ một doanh nhân, mục tiêu tối thượng là kinh tế nên dư luận cũng tỏ ra lo ngại rằng D.Trump sẽ chơi nước cờ của các nước lớn như kiểu nói của TBT Tập Cận Bình nhưng với điều kiện ở đó lợi ích Mỹ được phần nhiều hơn.

- Dư luận Nga về việc Việt Nam dừng Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Vài ngày qua, một thông tin gây sự cộng hưởng rộng rãi trong các phương tiện truyền thông Nga và Việt Nam nói rằng dường như Chính phủ Việt Nam từ bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân chung với Nga và Nhật Bản.

Trả lời phỏng vấn độc quyền của Sputnik, chuyên gia Nga nói rõ rằng hiện nay, nguồn lực kinh phí trong nước trở nên ít hơn và đó cũng có thể là một trở ngại trên con đường xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, bởi điện hạt nhân tương đối không đắt giá trong quá trình vận hành, nhưng các khoản đầu tư vốn vào việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân lại là khá cao. Thứ hai, mặc dù vạch kế hoạch khá dài hơi về xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam còn chưa tạo được cơ sở hạ tầng hạt nhân cần thiết cũng như nền tảng pháp lý để đảm bảo hoạt động chức năng của các chủ thể điện hạt nhân. Tại những nước mới bắt đầu, quá trình này luôn không giản đơn và kéo dài, và trong một số trường hợp, còn có thể bị trì hoãn đâu đó do đặc thù của khu vực. Bởi để đánh giá đúng đắn sự lựa chọn địa bàn chính xác, tuân thủ tất cả các đòi hỏi cần thiết, trong nước cần lập ra được nhà điều tiết hạt nhân của mình, cần chuẩn bị đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Tất cả những điều này hiện tại chưa có ở Việt Nam. Nhưng như vậy cũng không phải là sẽ không bao giờ có. Tôi cho rằng xuất phát từ đánh giá đúng sự hấp dẫn của điện hạt nhân không chỉ về quy mô sản lượng điện năng, giá thành không cao, mà còn cả từ nhãn quan môi trường-sinh thái, các dự án về xây dựng nhà máy điện hạt nhân có thể tạm hoãn, chứ không bị hủy bỏ”.

Như vậy, dư luận quốc tế đã hiểu sai về việc dừng dự án điện hạt nhân của Việt Nam. Lý do để Việt Nam dừng dự án điện hạt nhân theo ông Lê Hồng Tịnh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là: Hiện nay công nghệ tiết kiệm điện phát triển đã hạn chế tiêu tốn năng lượng. Từ nay tới năm 2021, cung điện đáp ứng tốt nhu cầu trong nước. Ngoài ra, năng lượng tái tạo bắt đầu phát triển, giá thành thấp chỉ trên dưới 5 cent/kWh, nước ta đang có nhiều vùng để phát triển điện gió ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu… Với dự báo giá dầu khó vượt 50 USD một thùng nên nguồn thay thế là khí LPG sẽ có giá thành hợp lý, đây cũng là nguồn nguyên liệu sạch chúng ta có thể nhập để phát điện. Trong câu chuyện điện hạt nhân thì vấn đề giải quyết chất thải khi triển khai dự án cũng cần bàn, nhất là sau sự cố môi trường biển miền Trung vừa qua. Một lý do nữa nên dừng triển khai dự án điện hạt nhân ở thời điểm hiện nay là nợ công đã sát trần. Nếu tiếp tục đầu tư một dự án lớn, nợ công có nguy cơ tăng nữa. Tất nhiên không đầu tư điện hạt nhân thì chúng ta có thể đầu tư vào phát triển các dự án điện khác để đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu điện của đất nước. Hạ tầng trước đây đã làm ở Ninh Thuận có thể dùng những việc khác, ví dụ giải phóng mặt bằng làm điện mặt trời, năng lượng tái tạo, khu công nghiệp...

Lượt xem: 1.527
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001042450
  • Đang online: 33
  • Trong tuần: 33
  • Trong tháng: 24.016
  • Trong năm: 360.491