Chiều 5/9, Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy phát biểu kết luận Hội nghị.
Các đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy và Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đơn Dương; đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; Ban Pháp chế HĐND tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đình Văn thông qua Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Tại Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đình Văn đã thông qua Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đề nghị thông qua Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, đến nay, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Lâm Đồng; HĐND, UBND các huyện, xã đã hoàn thành các quy trình, thủ tục theo đúng quy định; hoàn thành Đề án với các nội dung cơ bản như sau:
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham dự Hội nghị.
Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên để thành lập huyện mới, lấy tên là huyện Đạ Huoai (Diện tích tự nhiên: 1.448,48 km2 (đạt 170,40% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số: 146.064 người (đạt 182,58% so với tiêu chuẩn); số dân là người dân tộc thiểu số: 32.217 người; chiếm tỷ lệ 22,06%; 23 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 18 xã và 5 thị trấn.
Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đoàn Kết và xã Đạ P’loa để thành lập xã mới, lấy tên là xã Bà Gia thuộc huyện Đạ Huoai mới (diện tích tự nhiên: 131,51 km2 (đạt 263,02% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số: 6.500 người (đạt 130% so với tiêu chuẩn); số dân là người dân tộc thiểu số: 3.211 người; chiếm tỷ lệ 49,4%).
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham dự Hội nghị.
Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hà Lâm và xã Phước Lộc để thành lập xã mới, lấy tên là xã Hà Lâm thuộc huyện Đạ Huoai mới (diện tích tự nhiên: 124,21 km2 (đạt 248,42% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số: 7.743 người (đạt 154,86% so với tiêu chuẩn); số dân là người dân tộc thiểu số: 2.962 người; chiếm tỷ lệ 38,25%).
Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đạ Tồn và xã Đạ Oai để thành lập xã mới, lấy tên là xã Đạ Oai thuộc huyện Đạ Huoai mới (diện tích tự nhiên: 68,39 km2 (đạt 136,78% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số: 5.908 người (đạt 118,16% so với tiêu chuẩn); số dân là người dân tộc thiểu số: 826 người; chiếm tỷ lệ 13,98%).
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Triệu Hải và xã Quảng Trị để thành lập xã mới, lấy tên là xã Quảng Trị thuộc huyện Đạ Huoai mới (diện tích tự nhiên: 86,51 km2 (đạt 173,02% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số: 6.380 người (đạt 127,60% so với tiêu chuẩn); Số dân là người dân tộc thiểu số: 163 người; chiếm tỷ lệ 2,55%).
Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Quảng Lập và xã Pró để thành lập xã mới, lấy tên là xã Quảng Lập thuộc huyện Đơn Dương (diện tích tự nhiên: 97,63 km2 (đạt 195,26% so với tiêu chuẩn); quy mô dân số: 14.177 người (đạt 283,54% so với tiêu chuẩn); số dân là người dân tộc thiểu số: 4.998 người; chiếm tỷ lệ 35,25%).
Biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết Đề án.
Sau khi xem xét nội dung Tờ trình, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, cho ý kiến đối với Đề án. Các ý kiến đều thể hiện sự thống nhất đối với các nội dung trong Đề án.
Đồng chí Trần Đình Văn cũng thông qua Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Hội nghị tiến hành biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết Đề án với sự đồng ý của 100% đại biểu.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh sẽ đặt ra nhiều khó khăn. Do đó, để Đề án được triển khai đảm bảo tiến độ, các đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao trong triển khai thực hiện.
Quang cảnh Hội nghị.
Bên cạnh đó, Quyền Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các đơn vị cần soát xét lại những công việc cần làm, từ công tác nhân sự; cơ sở vật chất phục vụ cho việc sáp nhập; các điều kiện để đảm bảo bộ máy sau sáp nhập sẽ bắt tay vào làm việc ngay, không để bị gián đoạn. Đồng thời bám sát vào lộ trình trong Đề án để chuẩn bị cho quá trình triển khai thực hiện sáp nhập.
Đồng chí Nguyễn Thái Học cũng giao nhiệm vụ cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ gởi Trung ương, thể hiện sự nghiêm túc trong xây dựng Đề án; đảm bảo chất lượng, yêu cầu, tiến độ đặt ra.
(LĐ online)