Bài 3: Dự án hồ Ta Hoét: Khẩn trương tái định canh, ổn định sản xuất và đời sống Nhân dân In trang
06/08/2024 03:00 CH

Hiện nay, cùng với việc thi công nhiều hạng mục quan trọng của Dự án hồ chứa nước Ta Hoét (huyện Đức Trọng), Dự án khu tái định canh cho các hộ dân thuộc diện thu hồi đất cũng đang được các đơn vị chức năng khẩn trương hoàn thành các hạng mục nhằm phục vụ việc giao đất tái định canh, ổn định sản xuất và đời sống cho Nhân dân.

Hiện còn 109 hộ/190 hộ chưa chấp thuận nhận tiền đền bù và đất tái định canh để bàn giao đất triển khai dự án.
Hiện còn 109 hộ/190 hộ chưa chấp thuận nhận tiền đền bù và đất tái định canh để bàn giao đất triển khai dự án.

• Ý KIẾN CỦA NGƯỜI DÂN

Cuối tháng 7/2024, phóng viên Báo Lâm Đồng đã trực tiếp gặp nhiều hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án tại thôn K'Rèn để nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng liên quan tới quyền lợi của các hộ dân. Theo ghi nhận, vẫn còn nhiều hộ dân chưa hiểu đúng, hiểu đủ về các thông tin liên quan đến dự án, đặc biệt là khâu bồi thường về đất, hay còn gọi là bố trí đất tái định canh.

Ý kiến mà người dân phản ánh nhiều nhất là mong muốn được bố trí đất tái định canh tương đương với diện tích đất bị thu hồi để thực hiện Dự án hồ chứa nước Ta Hoét.

Ngay tại mảnh đất nông nghiệp đang trồng lúa và bắp rộng hơn 2 ha của gia đình tại thôn K'Rèn, ông Đa Gout Jú, một trong 109 hộ dân chưa nhận tiền đền bù để bàn giao đất làm dự án, cho biết ông nghe Nhà nước làm dự án hồ chứa nước phục vụ lợi ích cho bà con nhân dân địa phương và bản thân ông ủng hộ việc này.

Tuy nhiên, theo ông Gout Jú, quyền lợi của bà con ngay tại khu vực dự án triển khai phải được đảm bảo trước tiên nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ. “Tại sao bà con và tôi không đồng ý. Như tôi bị thu hồi hơn 3 sào đất nhưng chỉ được tái định canh dưới kia (khu vực tái định canh tại thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An - PV) có 1 sào. Nhà nước muốn làm dự án phải tái định canh bằng hoặc hơn diện tích đất thu hồi của bà con, lấy bao nhiêu thì phải đền bù bấy nhiêu chứ. Nếu không, chúng tôi không còn đất để sản xuất nếu bàn giao đất cho Nhà nước” - ông Gout Jú nói và đặt thêm câu hỏi tại sao chính quyền địa phương không bố trí đất tái định canh gần thôn K'Rèn cho người dân gần nơi canh tác cũ và có nguồn nước dồi dào như hiện nay?

Chị K'Hiều, một trong 109 hộ dân chưa chấp thuận nhận tiền và đất tái định canh, cho rằng gia đình đã quá quen với việc trồng lúa nước nên không muốn nhận đất đền bù ở nơi khác.
Chị K'Hiều, một trong 109 hộ dân chưa chấp thuận nhận tiền và đất tái định canh, cho rằng gia đình đã quá quen với việc trồng lúa nước nên không muốn nhận đất đền bù ở nơi khác.

Tương tự như ông Đa Gout Jú, ngay tại thửa ruộng trồng lúa của gia đình nằm trong khu vực lòng hồ thuộc Dự án, chị K’Hiều cho biết chị sẵn sàng di dời và nhận đất tái định canh để ổn định cuộc sống nhưng mong muốn được nhận đất trồng lúa để không gây xáo trộn về tập quán canh tác cũng như đời sống.

 “Chúng tôi mấy chục năm nay đã trồng lúa bên dòng suối lớn. Canh tác trên đất ruộng quen rồi giờ qua khu đất trên đồi tận thôn Trung Hiệp khô khan, sỏi đá thì chúng tôi biết trồng cây gì. Nếu nhận tiền đền bù thì xài rồi cũng hết, còn đất mình lại không còn thì làm gì nuôi gia đình? Nên mong muốn của tôi và bà con là nếu không nhận được đất đền bù tương đương thì được giữ lại đất như bây giờ”- chị K’Hiều bày tỏ.

Thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan tới Dự án Ta Hoét, các phương án đo đạc, lấy ý kiến Nhân dân... đều được triển khai đảm bảo đúng quy định.
Thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan tới Dự án Ta Hoét, các phương án đo đạc, lấy ý kiến Nhân dân... đều được triển khai đảm bảo đúng quy định.

• ĐẢM BẢO LỢI ÍCH HỢP PHÁP, CHÍNH ĐÁNG CHO NGƯỜI DÂN

Lãnh đạo UBND huyện Đức Trọng cho biết những nguyện vọng, phản ánh của các hộ chưa nhận tiền và đất tái định canh đều đã được địa phương ghi nhận và đã nhiều lần giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, có một số mong muốn của bà con không thể đáp ứng, vì không đúng quy định pháp luật.

Đối với những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân đều được xem xét, giải quyết thấu tình đạt lý, như nguyện vọng được bố trí đất tái định canh để tiếp tục sản xuất nông nghiệp của các hộ dân, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, từ phương án ban đầu là chỉ chi trả bồi thường bằng tiền theo quy định của pháp luật về đất đai, đến nay, dự án đã thực hiện thêm phương án bố trí quỹ đất tái định canh cho các hộ dân có đất thuộc diện thu hồi; trong đó, ưu tiên cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất.

Đây được xem là phương án áp dụng chính sách linh hoạt nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng và đảm bảo quyền lợi của đa số các hộ dân có đất thuộc diện thu hồi.

Theo Quyết định số 1988/QĐ-UBND ngày 16/10/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Dự án xây dựng hạ tầng khu tái định canh cho các hộ có đất bị thu hồi thuộc Dự án hồ chứa nước Ta Hoét, quy mô đầu tư hạ tầng khu tái định canh gồm: Hệ thống cấp nước, đường giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp điện, cải tạo phục hóa đất, hạng mục phụ trợ, định vị cắm mốc phân lô. Tổng diện tích bố trí tái định canh tại khu vực đồi thôn Trung Hiệp và đất công 5% xã Hiệp An là 28,918 ha với tổng mức đầu tư xây dựng dự án là 30 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2023 - 2024.

Tuy nhiên, do quỹ đất không đủ, nên diện tích để bố trí tái định canh cho các hộ dân không thể ngang bằng với diện tích đất thu hồi. Do đó, ngoài nhận đền bù bằng đất tái định canh, thì người dân nhận đền bù bằng tiền đối với diện tích đất thu hồi còn lại.

Và một lần nữa khẳng định, dù không bố trí đủ diện tích đất tái định canh bằng với diện tích đất thu hồi, nhưng đa số các hộ dân đều có đủ đất sản xuất để ổn định cuộc sống tại 2 vị trí là tại khu tái định canh và tại khu sản xuất cũ đối với diện tích không thuộc diện thu hồi.

Như trường hợp ông Đa Gout Jú, theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đức Trọng, qua kiểm kê, gia đình ông có tổng diện tích đất 20.121,7 m2, sau khi thu hồi 3.676,4 m2 để thực hiện Dự án thì phần diện tích còn lại mà gia đình ông vẫn sản xuất ổn định là 16.445,3 m2. Trong khi đó, căn cứ theo phương án tái định canh thì gia đình ông Gout Jú được bố trí 1.000 m2 tái định canh khu vực 1 và bồi thường bằng tiền tương ứng với diện tích còn lại là 2.676,4 m2. 

Đối với trường hợp chị K’Hiều, theo đo đạc, gia đình có tổng diện tích là 3.002,5 m2 đất nông nghiệp, diện tích thu hồi thực hiện dự án là 2.757,5 m2, diện tích còn lại là 245 m2. Với phương án tái định canh, ổn định cuộc sống cho người dân, chị K’Hiều sẽ được bố trí tái định canh khu vực 1 là 1.000 m2, khu vực 2 là 1.500 m2, còn lại 257,5 m2 sẽ nhận đền bù bằng tiền.

Khu tái định canh Dự án hồ Ta Hoét bằng phẳng, giáp đường bê tông nội đồng, cách Quốc lộ 20 từ 200 tới 400m và giá đất theo giá thị trường khoảng 2,5 tới 3 tỷ đồng/1.000 m2
Khu tái định canh Dự án hồ Ta Hoét bằng phẳng, giáp đường bê tông nội đồng, cách Quốc lộ 20 từ 200 tới 400m và giá đất theo giá thị trường khoảng 2,5 tới 3 tỷ đồng/1.000 m2

• VỊ TRÍ TÁI ĐỊNH CANH LÀ KHU VỰC "ĐẮC ĐỊA"

Ông Hồ Hữu Hiếu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hiệp An, huyện Đức Trọng khẳng định: Xã cùng với các phòng, ban của huyện đã rà soát các quỹ đất công để tham mưu UBND huyện trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt khu đất tái định canh với tiêu chí phải có vị trí thuận lợi, có diện tích tương đối để bố trí cho các hộ dân có đất thuộc diện thu hồi làm Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét.

Theo Chủ tịch UBND xã Hiệp An, kiến nghị của bà con về việc được bố trí đất tái định canh ngay thôn K'Rèn hoặc khu vực xung quanh dự án là chính đáng. Tuy nhiên, qua nhiều lần họp dân đều không khả thi vì số đông hộ dân có đất khai phá, chồng lấn với đất lâm nghiệp, đất chưa có sổ... không đồng ý để Nhà nước thu hồi, đền bù với giá theo quy định để tái định canh tại chỗ. Nhiều lần họp nội dung trên, phần lớn bà con thuộc diện thu hồi đất đều bỏ ra về.

“Đối với khu đất tái định canh tại thôn Trung Hiệp, bà con hoàn toàn có thể an tâm vì khu vực này là khu đất công bằng phẳng, đường Quốc lộ 20 và có giá trị cao, có thể nói là đẹp nhất của xã. Người dân có thể canh tác hầu hết tất cả các loại rau màu ngắn ngày” - ông Hiếu cho biết.

Có mặt tại khu đất tái định canh tại thôn Trung Hiệp những ngày đầu tháng 7/2024, chúng tôi ghi nhận hơn 20 hộ dân đã nhận tiền đền bù, nhận đất tái định canh đã trồng các loại rau xà lách, hành và bắp tại đây từ nhiều tháng qua. Một số hộ đã thu hoạch xong và đang tiếp tục chuẩn bị sản xuất đợt hoa màu mới.

Khu vực đất giáp ranh với khu tái định canh, bà con thôn Trung Hiệp trồng luân phiên nhiều loại rau màu như xà lách, cà chua, hành, hoa các loại... cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa tại khu vực Dự án hồ Ta Hoét.
Khu vực đất giáp ranh với khu tái định canh, bà con thôn Trung Hiệp trồng luân phiên nhiều loại rau màu như xà lách, cà chua, hành, hoa các loại... cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa tại khu vực Dự án hồ Ta Hoét.

Ông Trần Văn Quyết (65 tuổi, ngụ thôn Trung Hiệp), hộ dân có nhà và đất giáp ranh với khu tái định canh, đã từng canh tác nông nghiệp hơn 30 năm tại đây cho biết: Ngoài lợi thế đất bằng phẳng thì chất đất khá tốt, gần như có thể trồng luân phiên các cây hoa màu như ngô, xà lách, đậu... trong nhà kính hoặc ngoài trời đều thuận lợi.

Theo ông Quyết, bất lợi tại khu vực này là không có nguồn nước sẵn có vì không có sông, suối tự nhiên. Người dân trồng rau màu phải đào giếng khoan với chi phí khoảng 100 triệu đồng thì mới có đủ nguồn nước phục vụ sản xuất rau màu quanh năm.

“Bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn K'Rèn quen canh tác lúa nước nên họ ngại thay đổi tư duy làm nông nghiệp thôi. Còn đất khu vực này rất tốt, mỗi sào đất trồng rau màu cho thu nhập trung bình mỗi năm từ 70 tới 100 triệu đồng. Đó là chưa nói giá trị đất theo giá thị trường tại đây cao hơn rất nhiều. Hiện, những khu đất có đường đi, có sổ rõ ràng đang có giá từ khoảng 2,5 tỷ tới 3 tỷ đồng/ 1.000 m2” - ông Quyết chia sẻ.

Ông K’Hình, 1 trong 23 hộ dân nhận đất tái định canh và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang trồng hành trên diện tích 1.000m2 đất đã nhận. Ông cho biết ngoài cây lúa nước ra thì khu vực này có thể trồng gần như tất cả các loại rau, màu, hoa,..
Ông K’Hình, 1 trong 23 hộ dân nhận đất tái định canh và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang trồng hành trên diện tích 1.000m2 đất đã nhận. Ông cho biết ngoài cây lúa nước ra thì khu vực này có thể trồng gần như tất cả các loại rau, màu, hoa,..

• CÀNG SỚM NHẬN ĐẤT TÁI ĐỊNH CANH, CÀNG NHANH ỔN ĐỊNH SẢN XUẤT VÀ ĐỜI SỐNG

Theo UBND xã Hiệp An, đối chiếu về đối tượng, tiêu chí bố trí đất tái định canh của cơ quan chức năng thì có 110 hộ đủ điều kiện bồi thường bằng đất với tổng diện tích 18,35 ha; trong đó, 100 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số và 10 hộ người Kinh.

Tại khu đất tái định canh tại thôn Trung Hiệp, tới đầu tháng 7/2024, đã có 23 hộ dân thuộc diện thu hồi đất thực hiện Dự án hồ Ta Hoét nhận đất tái định canh đã nhanh chóng trồng các loại rau, hoa trên khu vực đất mới.

Ông K’Hình, một trong những hộ dân nhận đất tái định canh và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vui vẻ cho biết: Gia đình ông có 2.588 m2 đất thuộc diện thu hồi. Sau khi được Nhà nước tính toán đền bù tiền đất đối với diện tích 1.588 m2, ông được nhận 1.000 m2 đất tái định canh tại khu vực trung tâm của xã.

“Trước đây, đất ở thôn K'Rèn tôi chỉ trồng được lúa, bắp hai vụ mỗi năm vì mùa mưa suối dâng cao ngập rau màu hư hỏng thường xuyên. Khi Nhà nước thu hồi đất và bố trí tái định canh, tôi trồng thử được 1 vụ hành phát triển rất tốt. Ngoài chất đất có thể canh tác nhiều loại rau, hoa thì giá trị đất cao hơn hẳn so với đất bị thu hồi do bằng phẳng lại nằm ngay đường bê tông khu vực trung tâm xã” - ông K’Hình chia sẻ.

• SẴN SÀNG ĐỂ NGƯỜI DÂN NHẬN ĐẤT, ỔN ĐỊNH SẢN XUẤT

Đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục về hạ tầng để sẵn sàng bàn giao đất tái định canh cho các hộ dân về canh tác thuận lợi, ổn định cuộc sống
Đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục về hạ tầng để sẵn sàng bàn giao đất tái định canh cho các hộ dân về canh tác thuận lợi, ổn định cuộc sống

Ngay sau khi tiếp nhận mặt bằng khu tái định canh phục vụ Dự án hồ chứa nước Ta Hoét tại khoảnh 6 (tiểu khu 277A, thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An), chủ đầu tư cùng đơn vị thi công đã huy động tối đa nhân lực, tập trung máy móc, tranh thủ thời tiết để triển khai thi công các hạng mục công trình nhằm bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

Khu tái định canh phục vụ Dự án hồ chứa nước Ta Hoét có tổng diện tích khoảng 28 ha; trong đó, khu vực đất 5% tại thôn Trung Hiệp có diện tích 11 ha, gồm 10 lô diện tích 500 m2, 96 lô diện tích 1.000 m2; khu vực khoảnh 6, tiểu khu 277A có diện tích 17 ha, gồm 31 lô với diện tích 500 m2 và 136 lô diện tích 1.000 m2.

Để bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, phục vụ việc tái định canh cho người dân, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt nguồn kinh phí 30 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục công trình.

Khu tái định canh sẽ đảm bảo nguồn nước tưới cho người dân, không phải khoan giếng như các hộ dân khu vực lân cận
Khu tái định canh sẽ đảm bảo nguồn nước tưới cho người dân, không phải khoan giếng như các hộ dân khu vực lân cận

Lãnh đạo UBND xã Hiệp An nhấn mạnh: Một số hộ dân còn e ngại về nguồn nước phục vụ sản xuất khi đăng ký bốc thăm, nhận đất tái định canh tại đây. Tuy nhiên, bà con hoàn toàn có thể yên tâm vì các đơn vị chức năng đã xây dựng phương án, thực hiện các gói thầu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, người dân có thể thuận lợi canh tác nông nghiệp.

Trong đó, các hạng mục công trình quan trọng là tuyến ống dẫn nước từ đập dâng Darahoa về hồ chứa nước, tuyến ống cấp nước tự chảy trên 500m, cụm công trình đầu mối hồ chứa nước quy mô 1 ha, cụm đường giao thông và hệ thống điện.

Theo đó, người dân trồng rau màu, hoa các loại sẽ sử dụng nguồn nước hồ, không phải khoan giếng ngầm để sử dụng như các hộ dân giáp ranh dự án.

Đồng chí Trần Trung Hiếu - Bí thư Huyện ủy Đức Trọng cùng các đơn vị chức năng kiểm tra tiến độ thi công các hạng mục hạ tầng tại khu tái định canh phục vụ Dự án hồ chứa nước Ta Hoét. Ảnh: Võ Lan
Đồng chí Trần Trung Hiếu - Bí thư Huyện ủy Đức Trọng cùng các đơn vị chức năng kiểm tra tiến độ thi công các hạng mục hạ tầng tại khu tái định canh phục vụ Dự án hồ chứa nước Ta Hoét. Ảnh: Võ Lan

Bí thư Huyện uỷ Đức Trọng Trần Trung Hiếu khẳng định, cùng với các hạng mục khác, khu tái định canh Dự án hồ chứa nước Ta Hoét được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm sinh kế, ổn định cuộc sống cho người dân sau khi thu hồi đất tại Dự án hồ chứa nước Ta Hoét.

Do đó, lãnh đạo huyện Đức Trọng đã yêu cầu phòng, ban chức năng liên quan, đơn vị nhà thầu nỗ lực, khẩn trương triển khai bảo đảm tiến độ, với quyết tâm đến hết tháng 9/2024 sẽ hoàn thành cơ bản các hạng mục công trình về hạ tầng kỹ thuật. Mục tiêu trước mắt là phục vụ việc bàn giao đất tái định canh thuận lợi nhất cho các hộ dân đủ điều kiện được giao đất, từ đó giúp người dân yên tâm trong đầu tư sản xuất, thúc đẩy Dự án hồ Ta Hoét triển khai đảm bảo tiến độ.

ĐỐI TƯỢNG, HẠN MỨC TÁI ĐỊNH CANH (BỒI THƯỜNG BẰNG ĐẤT)

Đối tượng:

- Là các hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số có tên trong quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án hồ Ta Hoét, còn sức lao động, trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có hộ khẩu thường trú tại địa phương.

- Bị thu hồi trên 0,1 ha (1.000 m2) và diện tích đất sản xuất hợp pháp còn lại sau thu hồi tại huyện Đức Trọng dưới 0,4 ha (4.000 m2).

Hạn mức:

- Các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng hỗ trợ sẽ được bồi thường bằng đất một phần diện tích tại khu vực tái định canh để đủ diện tích đất sản xuất theo quy định là 0,4 ha.

- Diện tích tối thiểu bồi thường bằng đất là 1.000 m2.

- Tổng diện tích bồi thường bằng đất không vượt quá diện tích Nhà nước thu hồi.

 

(LĐ online)

Lượt xem: 1.017
Văn bản mới
  • Số 208-HD/BTGTU 03/01/2025 Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày ...
  • Số 207-HD/BTGTU 02/01/2025 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 01 năm 2025
  • Số 206-HD/BTGTU 23/12/2024 Hướng dẫn học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2025 “Học tập và ...
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005043058
  •  Đang online: 138
  •  Trong tuần: 4.460
  •  Trong tháng: 36.099
  •  Trong năm: 36.099