Thời gian qua, nhất là thời điểm diễn ra Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và tiếp đến là Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, các thế lực phản động, thù địch và những người thiếu thiện chí đã tập trung chống phá dữ dội công tác nhân sự của Đảng và Nhà nước. Những đối tượng này liên tục gieo rắc những thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc, bóp méo tình hình chính trị tại Việt Nam hòng gây tâm lý hoài nghi, chia rẽ nội bộ, làm lung lạc niềm tin của Nhân dân đối với công tác cán bộ của Đảng.
Đối với Đảng và Nhân dân ta, dù có thay đổi nhân sự ở cấp nào nhưng nguyên tắc hoạt động, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta luôn luôn nhất quán, bảo đảm tính kế thừa, không bị chi phối bởi bất cứ thế lực nào. Để làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước, Đảng ta luôn giữ vững quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ đức, đủ tài, kiên quyết giữ kỷ luật, kỷ cương của Đảng, xử lý nghiêm các sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Chưa bao giờ nhiều cán bộ, cả ở cấp chiến lược, bị kỷ luật, hoặc phải từ chức vì có sai phạm hay để cho cấp dưới sai phạm, thậm chí bị xử lý hình sự như thời gian gần đây. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, có khoảng 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật nghiêm minh.
Việc kiên quyết xử lý những trường hợp mắc khuyết điểm nghiêm trọng, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, được thực hiện đúng đắn theo tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đây cũng là cơ hội để nhìn nhận đánh giá lại toàn bộ nhiệm vụ then chốt này; là dịp để sàng lọc, củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ đức, đủ tài gánh vác trọng trách nặng nề, nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó. Có người đã ví von thật có lý rằng Đảng ta ngày càng phát huy cao độ tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm cắt bỏ “ung nhọt” trong cuộc đại phẫu chính mình để ngăn chặn “nọc xấu” di căn lây lan, do đó đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả nước.
Thực tế cho thấy không chỉ cán bộ, đảng viên mà đông đảo người dân đều dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác nhân sự của Đảng. Đây là một tín hiệu tốt bởi xuất phát từ tầm quan trọng của vấn đề này liên quan đối với việc duy trì chính trị-xã hội ổn định và thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, tùy theo động cơ và mức độ nắm thông tin, nên sự nhận thức của từng cá nhân không phải lúc nào cũng được thể hiện một cách đúng đắn, phù hợp. Trong khi đa số cán bộ, đảng viên, người dân thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, cũng như công tác cán bộ của Đảng, đánh giá cao sự kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh thì bên cạnh đó còn một bộ phận tỏ ra hoài nghi, thiếu tin tưởng, có thái độ chỉ trích cách điều hành, hoạt động của các tổ chức đảng cũng như của cả hệ thống chính trị. Đã xuất hiện một số cá nhân bày tỏ sự bất mãn trên mạng xã hội với cái nhìn cực đoan, méo mó, sai trái về công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước, cho rằng đó là vì “lợi ích nhóm chứ không vì lợi ích của đất nước”. Họ cho rằng khâu đào tạo, lựa chọn nhân sự của Đảng thời gian qua “thất bại” dẫn đến “khủng hoảng nhân sự lãnh đạo”. Đáng ra phải tìm hiểu các thông tin, sự việc được quan tâm từ các nguồn chính thống, tin cậy, các cá nhân này lại đưa ra những suy đoán vô căn cứ, hồ đồ, ác ý, thậm chí đưa ra những dự báo về những thay đổi nhân sự theo những phân tích mang màu sắc chủ quan, thiếu căn cứ, gây ra những hậu quả khôn lường.
Thực ra, các đối tượng đưa ra những ý kiến xuyên tạc đường lối của Đảng không phải sự vô tình mà cố tình lờ đi thực tế là việc chuẩn bị đội ngũ, lựa chọn, bố trí cán bộ là chức năng của Đảng cầm quyền và trở thành phương thức cầm quyền của Đảng. Nói Đảng giới thiệu, Quốc hội bầu là nói đến một cơ chế cần thiết và tối ưu trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, vừa bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quyền quyết định trực tiếp của Quốc hội, vừa khắc phục được những hạn chế phiến diện và sự chủ quan áp đặt, cuối cùng đi tới sự gặp nhau giữa ý Đảng và lòng Dân.
Như vậy, vấn đề chủ yếu đối với một đảng cộng sản cầm quyền là cầm quyền một cách khoa học, dân chủ và theo pháp luật trên cơ sở giữ vững sự trong sạch, vững mạnh của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên và gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền dân chủ Việt Nam ngày càng được củng cố, hoàn thiện và phát triển, nhất là giai đoạn hiện nay: Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân; Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân tham gia ý kiến; Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiến pháp năm 2013 (điểm 1, Điều 4) ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tin phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì đương nhiên đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội hay vấn đề nhân sự của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu để xây dựng chính quyền Nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu. Chính sự lãnh đạo đó sẽ giúp cho quá trình bầu cử tốt hơn, đúng Hiến pháp và pháp luật, phát huy được vai trò của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị.
Trước tình hình chống phá ác liệt của các thế lực thù địch đối với công tác nhân sự của Đảng, nhất là không gian mạng, yêu cầu đặt ra đối với cả hệ thống chính trị là phải tiếp tục xây dựng và giữ vững “thế trận lòng dân”, làm chủ trận địa thông tin, làm tốt công tác dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, kịp thời định hướng dư luận xã hội. Mọi người dân cần tỉnh táo, nâng cao sức đề kháng, không bị tiếp tay cho đối tượng xấu chống phá Đảng, Nhà nước./.
Hà Phúc Lâm