GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG – KẾT NỐI CON DÂN ĐẠI VIỆT In trang
17/04/2024 10:37 SA

Giỗ tổ Hùng Vương hay còn gọi là lễ hội Đền Hùng là dịp Lễ quốc gia nhằm tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn của con cháu Đại Việt trước công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Cứ vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch là người dân khắp nơi lại nô nức hướng về Đền Hùng để dâng lễ, thắp hương, bày tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ về cội nguồn dân tộc. Vậy mà thật buồn, lợi dụng ngày Quốc Lễ và kỷ niệm ngày Lễ chiến thắng 30/4, các thế lực thù địch trong và ngoài nước, các phần tử chống đối chính trị, bất mãn lại hậm hực nói xấu Đảng, Nhà nước; chúng sử dụng các chiêu trò cũ rích về "nhân quyền", "dân chủ", "tự do", nhất là tự do tín ngưỡng, tôn giáo; xuyên tạc những vấn đề do lịch sử để lại, những khó khăn trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số; thổi phồng những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện đường lối phát triển kinh tế, xã hội để đả kích, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta với mục đích đen tối là kích động hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một nguồn gốc tổ tiên - một ngày Giỗ Tổ như dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam luôn luôn tự hào có Đạo thờ cúng tổ tiên, có chung một miền Đất Tổ để nhớ, một đền thờ Tổ để tri ân. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, một nửa theo cha xuống biển, một nửa theo mẹ lên rừng như nhắc nhở ý thức về dòng máu “Lạc - Hồng”, nghĩa tình đồng bào, khối đại đoàn kết toàn dân tộc của những người được sinh ra trong một bọc trứng của mẹ Âu Cơ cùng cha Lạc Long Quân. Hai chữ “Đồng bào” cũng xuất phát từ đó! Đồng bào là khởi nguồn của sức mạnh đoàn kết, tình yêu thương, đùm bọc, san sẻ, nguồn cội của sức mạnh Việt Nam, vũ khí tinh thần bách chiến, bách thắng mọi kẻ thù xâm lược. Vì vậy, câu tục ngữ “Chim tìm tổ. Người tìm tông” đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người Việt Nam, để rồi dù ở bất cứ phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày Giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất nguồn cội, hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam - Đền Hùng vào ngày Quốc lễ hàng năm.

Ngược dòng lịch sử, từ thời Hậu Lê không có quốc lễ, việc thờ cúng các Vua Hùng do người dân địa phương tự thực hiện. Từ thời Hồng Đức đời Vua Lê Thánh Tông, hội Đền Hùng được đưa vào cấp quốc gia, được “gia ban quốc tế”, việc tế lễ từ đó có quan đầu trấn thay mặt triều đình chủ trì. Đến thời Nguyễn, Vua Minh Mạng cho rước bài vị các Vua Hùng ở Đền Hùng vào Huế thờ tại miếu Lịch đại đế vương, một mặt vẫn cấp sắc ở Đền Hùng cho dân sở tại thờ phụng. Thời Khải Định năm thứ hai (1917) chính thức lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch làm ngày lễ chính, có tổ chức tế lễ theo nghi thức trang trọng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 22/SL-CTN cho phép công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm để tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương. Đến năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được Ban Bí thư quy định là một trong những ngày lễ lớn trong năm, giao cho ngành văn hóa phối hợp với các ngành chức năng tổ chức Lễ hội Đền Hùng trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch). Ngày 2/4/2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10  tháng 3 âm lịch hằng năm một lần nữa được Nhà nước chính thức công nhận trở thành ngày Quốc lễ, mang đậm ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày 6/12/2012, UNESCO chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản này là một biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Cho dù các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam thì cũng không thể phủ nhận thực tế, nhờ truyền thống yêu nước và đoàn kết, đồng lòng mà 54 dân tộc anh em - cùng chung Quốc Tổ là Hùng Vương - đã vượt qua mọi gian lao, thử thách để chống chọi và chiến thắng được thiên tai, địch họa, dịch bệnh; không ngừng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây đắp non sông Việt Nam ngày càng giàu mạnh với cơ đồ, vị thế, uy tín vững chắc. Với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt tôn giáo, giai tầng, sau 49 năm “Non sông thu về một mối”, đại đa số “con Lạc cháu Hồng” đã và đang chung sức, đồng lòng vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, Nhân dân được sống trong ấm no, hạnh phúc. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn trân trọng lòng yêu nước chân chính, tinh thần đoàn kết và sự đóng góp về mọi mặt của mỗi người dân Việt Nam dù đang sinh sống ở trong hay ngoài nước. Song, cũng kiên quyết xử lý nghiêm khắc đúng theo Hiến pháp và pháp luật đối với những cá nhân, tổ chức có hành động chia rẽ, kích động hận thù, phá hoại chính sách hòa hợp dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây rối và cản trở quá trình phát triển của đất nước.  

Cần khẳng định một lần nữa, giá trị linh thiêng của ngày Quốc Giỗ chính là tinh thần đại đoàn kết toàn dân, là yếu tố tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong công cuộc dựng nước và giữ nước từ xưa đến nay. Chúng ta mãi mãi ghi tạc công lao của các Vua Hùng, từ việc dạy dân cày ruộng, đi săn, đến chinh phục thiên nhiên đắp đê trị thủy, đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Nhắc nhớ nhau rằng, con dân Đại Việt gắn kết với nhau qua hai chữ “đồng bào” với câu chuyện Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng nở trăm con, tình cảm “đồng bào” vì thế đã thành một giá trị thiêng liêng, sâu đậm. 54 dân tộc anh em, dù là người Kinh hay người Thượng, dù miền ngược hay miền xuôi, đều là con Lạc, cháu Hồng. Dù ở đâu, người Việt Nam vẫn luôn nhớ mình có chung ngày Giỗ Tổ, cùng đoàn kết, đồng lòng xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh và hạnh phúc. Vì thế, những chiêu trò bịa đặt, bôi đen, xuyên tạc để kích động lòng thù hận, sự cố chấp hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc đều là những hành động đi ngược lại khát vọng của Nhân dân, có tội với Tổ quốc và tương lai của dân tộc Việt Nam cần phải lên án và đấu tranh mạnh mẽ. 

 

 Hưng Vượng

Lượt xem: 391
Văn bản mới
  • Số 198-HD/BTGTU 01/11/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 11 năm 2024
  • Số 1423-CV/BTGTU 28/10/2024 Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024)
  • Số 1415-CV/BTGTU 23/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 ...
  • Số 9743-HD/BTGTW 16/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bô các cấp nhiệm kỳ 2025-2023 ...
  • Số 88-KH/BTGTU 15/10/2024 Kế hoạch điều tra dư luận xã hội “Tình hình triển khai và kết quả ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004117852
  •  Đang online: 136
  •  Trong tuần: 45.663
  •  Trong tháng: 121.312
  •  Trong năm: 1.818.893