Tối 5/11, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) đã diễn ra Lễ tổng kết và trao Giải Báo chí toàn quốc về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023.
Đây là một trong những sự kiện có ý nghĩa lớn nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2023).
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu tại lễ trao giải.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc về phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 - 2023.
đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao giải A cho các tác giải, nhóm tác giả
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao giải A cho các tác giải, nhóm tác giả.
Tham dự lễ trao Giải còn có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các bộ, ban, ngành Trung ương và TP Hà Nội; các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương, các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đạt giải.
Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư phát động 2 năm (2022 - 2023) do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Giải đã thu hút được sự quan tâm của xã hội và sự tham gia tích cực trên 121 cơ quan báo chí từ trung ương và địa phương gửi bài về dự thi. Ban Tổ chức giải đã nhận được 1.078 tác phẩm ở các loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình tham dự giải.
Ban tổ chức trao giải B cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải.
Từ 1.078 tác phẩm nói trên, với tinh thần dân chủ, khách quan, công tâm, trách nhiệm cao, các thành viên Hội đồng Chung khảo đã tiến hành xét chọn kỹ lưỡng, thống nhất tuyển chọn được 54 tác phẩm xuất sắc để trao 4 Giải A; 10 giải B; 12 giải C; 28 giải Khuyến khích cho các tác giải, nhóm tác giả.
Trong đó, Báo Lâm Đồng có một tác phẩm đạt giải C, đó là loạt bài 5 kỳ “Những góc khuất trong giao khoán, quản lý bảo vệ rừng tại Bảo Lâm” của Nguyễn Phúc Khánh (Bút danh – HẢI ĐƯỜNG). Tác phẩm đã lột tả những góc khuất, tồn tại, tiêu cực trong công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng tại huyện Bảo Lâm là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, tác phẩm đã chỉ rõ việc các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng các chính sách giao khoán, quản lý bảo vệ rừng của nhà nước để trục lợi bất chính. Hậu quả khiến rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm gây thiệt hại cho Nhà nước. Thông qua bài báo, đã hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Phóng viên Khánh Phúc (Báo Lâm Đồng - thứ 6 từ phải qua) nhận giải C, Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 - 2023.
Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, khẳng định: Các tác phẩm tham gia giải lần này có nội dung bám sát chủ đề và tiêu chí Thể lệ giải. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc của các nhà báo, phóng viên. Qua đó, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí từ địa phương đến trung ương.
Về hình thức, các tác phẩm được thực hiện công phu, đề tài khá phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại, phản ánh toàn diện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Sau 4 mùa tổ chức Giải cho thấy, báo chí ngày càng khẳng định vai trò xung kích trong việc phát hiện, phanh phui, quyết tâm đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Các tác phẩm dự giải là kết tinh thành quả lao động miệt mài của các nhà báo, vượt lên mọi khó khăn, áp lực, thậm chí nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp để có được các tác phẩm báo chí mang tính chiến đấu cao, tính nhân văn sâu sắc. Điểm mới của giải lần này là đã có thêm nhiều hơn các tác phẩm viết về đề tài phòng, chống tiêu cực được Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức giải đánh giá cao; đồng thời cũng có nhiều hơn các tác phẩm về đề tài biểu dương, cổ vũ các gương dũng cảm trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, có tác động lan tỏa trong xã hội…
Ban tổ chức trân trọng những bài báo điều tra công phu, tâm huyết đó, nhiều tuyến bài được thực hiện trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí cả năm trời để đi đến tận cùng của sự thật. Để từ đó có hàng ngàn tác phẩm báo chí chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với nhiều cách tiếp cận và phản ánh đa dạng, chính xác, góp phần cổ vũ, động viên các cơ quan pháp luật điều tra, xử lý có hiệu quả, tạo hiệu ứng dư luận xã hội tích cực, lan tỏa tới các tầng lớp Nhân dân đến mỗi tỉnh, thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
(LĐ online)