Đào tạo cần bám sát thực tiễn, theo kịp xu thế của truyền thông hiện đại In trang
20/10/2023 02:05 CH

Chiều 19/10, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác lý luận chính trị, báo chí, truyền thông.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn cho biết trong cơ cấu đào tạo và nghiên cứu của nhà trường, báo chí - truyền thông là ngành đào tạo trọng điểm, là lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu, phục vụ cộng đồng rộng rãi. Đến nay, lĩnh vực báo chính truyền thông đã được đào tạo tại ba hệ: Cử nhân, Thạc sỹ, Tiến sỹ, trường đã đào tạo hơn 1 vạn cử nhân, gần 1 vạn Thạc sỹ và Tiến sỹ vùng với nhiều khoá bồi dưỡng - tập huấn ngắn hạn cho đội ngũ nhà báo toàn quốc.

Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn báo cáo tại buổi làm việc.
Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn báo cáo tại buổi làm việc.

Đồng chí Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, Nhà trường chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo để bám sát nhu cầu của thực tiễn xã hội và yêu cầu về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được sắp xếp khoa học, hợp lý đáp ứng yêu cầu cụ thể của các chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo chí, truyền thông; chủ động cập nhật bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện theo hướng hiện đại, hệ thống, bảo đảm tính cân đối giữa lý luận với thực tiễn; giữa kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn với yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong báo chí truyền thông, qua đó góp phần định hình mô hình đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực báo chí, truyền thông của Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế.

Công tác tổ chức và quản lý quá trình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng chặt chẽ; tăng cường tính tích cực, chủ động của người học. Công tác kiểm định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng dần được khách quan hóa thông qua các cơ quan đánh giá độc lập; thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Nhà trường với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong, ngoài nước, cơ quan tuyển dụng nguồn nhân lực và cơ quản quản lý nguồn nhân lực lĩnh vực này. Việc kết hợp giữa học tập và nghiên cứu khoa học, sinh hoạt ngoại khóa nhằm rèn luyện kỹ năng, phẩm chất cho sinh viên được chú trọng đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Sinh viên khi tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp, đáp ứng và thích nghi với môi trường tác nghiệp báo chí, truyền thông hiện đại thể hiện rõ nét chất lượng đào tạo của nhà trường.

Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn báo cáo tại buổi làm việc.
Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn báo cáo tại buổi làm việc.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên ngày càng được củng cố, bổ sung, phát triển cả về số lượng và chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm tốt, có phẩm chất đạo đức trong sáng, uy tín cao.

Các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được đầu tư, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo chí, truyền thông trong cả nước trong bối cảnh mới.

Hơn 30 năm qua, việc đào tạo nghiên cứu của nhà trường trong lĩnh vực báo chí- truyền thông luôn xây dựng cho người học một nền tảng tri thức chuyên sâu và tổng hợp. Trang bị cho người học một hệ phương pháp vừa chuyên ngành vừa liên ngành và xuyên ngành. Qua đó, nhằm vun đắp cho người học một tư duy tích cực để sau khi ra trường có thể hoạt động được nhiều trong môi trường công tác khác nhau của lĩnh vực truyền thông. Song song đó, nhà trường luôn chú trọng đảm bảo các phẩm về chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo vừa “hồng” vừa “chuyên” cho người học tại trường.

Những ý kiến tại buổi làm việc kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo đánh giá tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí truyền thông. Ban hành văn bản chỉ đạo định hướng chiến lược cho lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong linh vực này. Cùng đó, có chỉ đạo sát sao hơn về quy hoạch tổng thể các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông, cũng như định hướng phát triển cho các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông công lập và ngoài công lập. Tạo cơ chế, chính sách để Hội đồng tư vấn chính sách của trường Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn được báo cáo trực tiếp, tham mưu, giúp cho Ban Tuyên giáo Trung ương trong công tác xây dựng chính trị, tư tưởng, đạo đức; chủ trương quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực lý luận chính trị, báo chí, truyền thông.

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chúc mừng những kết quả rất đáng tự hào trong công tác giáo dục, đào tạo khoa học xã hội và nhân văn nói chung, công tác đào tạo báo chí, truyền thông nói riêng của nhà trường trong thời gian qua. Cùng với các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông cả nước, nhà trường không ngừng nghiên cứu đổi mới, sáng tạo, cập nhật, áp dụng những kỹ năng, kiến thức mới, hiện đại trong đào tạo, bồi dưỡng phóng viên báo chí, truyền thông góp phần đáng kể vào sự phát triển, trưởng thành, vững vàng của đội ngũ báo chí, truyền thông của cả nước.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo. Báo chí, truyền thông là lĩnh vực đặc thù, là phương tiện, công cụ tuyên truyền quan trọng của Đảng, Nhà nước ta, là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng. Để thực hiện tốt chức năng, sứ mệnh cách mạng vẻ vang đó, việc chăm lo đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông giữ vai trò rất quan trọng, nếu không muốn nói yếu tố có tính quyết định. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu, cần phải “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Toàn cảnh buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.

Để Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới, nhất là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý một số nội dung như sau:

Trước hết, nhà trường phải ý thức rất rõ vai trò, vị trí một cơ sở đào tạo cán bộ khoa học xã hội nhân văn quan trọng, trong đó có đội ngũ cán bộ báo chí, truyền thông của cả nước. Phải là cơ sở đào tạo trọng yếu để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nguồn nhân lực báo chí, truyền thông, góp phần thiết thực xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại

Thứ hai, cần tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, bám sát thực tiễn, theo kịp xu thế của truyền thông hiện đại. Khuyến khích giảng viên, sinh viên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực tiễn phong phú, sôi động của lĩnh vực báo chí, truyền thông. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông trên cả nước; với các đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo chí, truyền thông. Phải có khung chương trình chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đòi hỏi thực tiễn, phù hợp với xu thế hiện đại chúng ta mới có được nguồn nhân lực tốt, ngang tầm nhiệm vụ. 

Thứ ba, tăng cường công tác tổ chức, quản lý đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại. Việc đào tạo phải phục vụ cho được mục tiêu sinh viên sau khi ra trường đáp ứng yêu cầu công việc và khả năng tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo. Chú trọng hơn việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực; khuyến khích giảng viên sử dụng các thiết bị, phương tiện giảng dạy hiện đại góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Đa dạng hóa các loại hình kiểm tra, đánh giá theo hướng bảo đảm tính chính xác, khách quan, tiếp cận với phương thức kiểm tra, đánh giá của các nước tiên tiến, tạo điều kiện cho sinh viên học tập, trao đổi với chuyên gia nước ngoài.

Thứ tư, để đáp ứng yêu cầu hoạt động báo chí, truyền thông trong điều kiện mới, nhà trường cần phải chủ động phối hợp với cơ quan liên quan, tập trung triển khai, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo chí, truyền thông; truyền thụ được phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào mỗi học sinh, sinh viên. Làm sao để mỗi sinh viên sau khi tốt nghiệp phải là một chiến sỹ thực thụ trên lĩnh vực tư tưởng của Đảng.

Thứ năm, trước xu thế phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, các thầy, cô giáo, sinh viên cần ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp dạy và học hiện đại, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật để đưa trường tiếp tục giữ vững thương hiệu, trở thành trường đào tạo trọng điểm về báo chí, truyền thông cả nước, là một trong những cơ sở giáo dục đào tạo có chất lượng trong khu vực.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng bày tỏ sự tin tưởng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, trực tiếp của Đại học Quốc gia Hà Nội, sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan, sự tin tưởng ủng hộ của các thế hệ sinh viên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khẳng định được uy tín, thương hiệu là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông trọng điểm của cả nước và trong khu vực.

Thu Hằng

Theo Tạp chí Tuyên giáo TW

Lượt xem: 330
Văn bản mới
  • Số 70-KH/BTGTU 26/04/2024 Kế hoạch khảo sát dư luận xã hội “Ý kiến đánh giá của người dân ...
  • Số 175-HD/BTGTU 26/04/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền tháng 5 năm 2024
  • Số 174-HD/BTGTU 26/04/2024 Hướng dân tuyên truyền và thực hiện Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11/01/2024 của Bộ ...
  • Số: 3255/BCĐ06 25/04/2024 V/v tăng cường tuyên truyền về Luật Căn cước
  • Số 117 -KH/TU 23/04/2024 Kế hoạch tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002846159
  •  Đang online: 38
  •  Trong tuần: 38
  •  Trong tháng: 145.110
  •  Trong năm: 547.200