Đảng ta đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức In trang
20/10/2023 01:55 CH

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định điều này tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề lý luận, thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới” diễn ra hôm nay, 13/10, tại Ninh Bình.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận hội thảo. (Ảnh: TA)
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận hội thảo. (Ảnh: TA)

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, công tác xây dựng Đảng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ then chốt, bảo đảm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, trong đó xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức giữ vai trò quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho mọi đường lối, chủ trương của Đảng được xây dựng và hoạch định một cách đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của thực tiễn, các xu thế, xu hướng tiến bộ của loài người.

Hiện nay, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức càng có tính cấp thiết, quan trọng để Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh, trọn vẹn tấm lòng thủy chung vì dân tộc, vì Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, “... hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc”.

Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: TA)
Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: TA)

Qua 81 bài tham luận được hợp trong kỷ yếu và 16 ý kiến phát biểu tại hội trường, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức đã được làm rõ, thống nhất, tựu chung ở một số nội dung chính sau đây:

Thứ nhất, trên phương diện lý luận, các đại biểu đã thảo luận, thống nhất về khái niệm, nội dung, vị trí, vai trò, tầm quan trọng, mối quan hệ biện chứng giữa công tác xây dựng Đảng về chính trị, xây dựng Đảng về tư tưởng, xây dựng Đảng về đạo đức.

Hội thảo thống nhất cao nhận thức: (1) Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng được Bộ Chính trị giao chức năng, nhiệm vụ: “là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức...”. Tuy nhiên, đây là công việc của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và nhân dân, trong đó, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo các cấp là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ nêu trên. (2) Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức được thể hiện trên mọi lĩnh vực chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Qua thực tiễn 40 năm đổi mới, Hội thảo đã khẳng định các yếu tố chính trị, tư tưởng, đạo đức đã trở thành nhân tố quyết định đối với từng lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; đồng thời, phân tích hậu quả của việc xa rời công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trên thực tiễn 40 năm đổi mới trong hoạt động của một số lĩnh vực.

Thứ hai, trên phương diện thực tiễn, các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận, phân tích, khái quát những thành tựu của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới.

Trên lĩnh vực xây dựng Đảng về chính trị, Đảng đã ban hành và tổ chức thực hiện cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết và nhiều chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định vừa mang tầm nhìn dài hạn, vừa xử lý những vấn đề trung hạn, ngắn hạn. Những vấn đề lý luận đặt ra từng bước được nhận thức rõ và thống nhất trong Đảng và xã hội như nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về đường lối đổi mới... Phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. Hệ thống chính trị ngày càng được hoàn thiện, nhất là phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa các thành tố, bảo đảm hoạt động đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Các lĩnh vực về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại có những nhận thức mới đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Nhiều nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ nét trên thực tế được cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng, ủng hộ. Dân chủ trong Đảng và xã hội từng bước được phát huy. Tính chiến đấu trong các tổ chức Đảng, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng cao.

Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng được coi trọng: Đảng đã xác định và kiên trì lấy chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng và thường xuyên nghiên cứu, bổ sung, vận dụng, phát triển sáng tạo trong thực tế. Công tác giáo dục, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên được đẩy mạnh; hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ngày càng được đổi mới, hoàn thiện về mô hình, chương trình, giáo trình từ Trung ương tới địa phương, cơ sở. Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng có nhiều đổi mới, sáng tạo, chất lượng được nâng lên.

Xây dựng Đảng về đạo đức được chú trọng, nhất là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng trở thành phong trào có sức lan tỏa, phát triển sâu rộng trong xã hội với nhiều tấm gương tiêu biểu, mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trên thực tế.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng thẳng thắn đánh giá những tồn tại, hạn chế, nhất là những hạn chế kéo dài, những điểm nghẽn, nút thắt cần tập trung giải quyết, tháo gỡ trong thời gian tới như: Học tập các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng còn có biểu hiện hình thức, học qua loa, học cho xong; vẫn còn tình trạng lười học, ngại học nghị quyết, hiểu nghị quyết chưa sâu, chưa chắc; tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng vẫn là khâu yếu; định hướng chính trị, tư tưởng, đạo đức trong phát triển kinh tế, xã hội, các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, các vấn đề xã hội chưa rõ nét; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nơi còn hình thức, làm theo Bác vẫn là khâu yếu...

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý cùng với việc tiếp tục triển khai phương hướng, nhiệm vụ đã nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương, thời gian tới, cần thực hiện tốt những giải pháp sau đây để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức sau:

Một là, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị với tinh thần kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn cách mạng. Đó là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng. Bốn kiên định này được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi “Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở đây là vững vàng, không dao động, không thay đổi lập trường, không nhụt chí, không nản lòng, vững tin có căn cứ, có cơ sở khoa học, thực tiễn. Do vậy, kiên định không phải là bảo thủ, trì trệ, cố chấp mà trên cơ sở hiểu biết đúng đắn về bản chất khoa học, cách mạng, linh hồn sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng kiên định mà không biết vận dụng, phát triển sáng tạo sẽ trở thành bảo thủ, cố chấp, trì trệ. Ngược lại, vận dụng, phát triển mà không dựa trên cơ sở kiên định sẽ dễ trở thành dao động, chệch hướng, đánh mất bản chất của Đảng, của chế độ. Cả hai xu hướng này đều là đúng, làm mất vai trò của lãnh đạo của Đảng.

Trong xây dựng Đảng về chính trị, một việc rất quan trọng cần làm tốt là không ngừng nâng cao bản lĩnh, năng lực nghiên cứu dự báo và tham mưu hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại. Kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khắc phục sự yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: TA)
Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: TA)

Hai là, coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng “... theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu cần tập trung thực hiện tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm sau đây: (1) Nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội. Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội; (2) Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách; (3) Thực hiện nghiêm Quy định dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị, tạo môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của các tổ chức và cá nhân. Chú trọng cập nhật kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; sớm kết luận những vấn đề lý luận đã chín, đã rõ để hoàn thiện, phát triển đường lối, chủ trương xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; (4) Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận. Từng bước đưa hoạt động trao đổi lý luận của Đảng ta với một số đảng cầm quyền, đảng tham chính ở một số nước đi vào chiều sâu, hiệu quả; (5) Đầu tư thích đáng cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luận; có chế độ, chính sách thỏa đáng nhằm thu hút, trọng dụng các chuyên gia đầu ngành; (6) Tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược vào nền nếp, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; (7) Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Ba là, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị”. Để thực hiện tốt nội dung này, cần thực hiện tốt ba biện pháp cụ thể: (1) Thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, trước hết là Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Mỗi đảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vai trò tiền phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa. Coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và nhân dân đối với việc thực hiện các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên; (2) Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng; (3) Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương, nhân rộng các gương sáng về thực hành đạo đức, tạo ảnh hưởng, sức lan tỏa sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội.

Tin, ảnh: Nhật Minh

Theo Tạp chí Tuyên giáo TW

Lượt xem: 642
Văn bản mới
  • Số 208-HD/BTGTU 03/01/2025 Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày ...
  • Số 207-HD/BTGTU 02/01/2025 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 01 năm 2025
  • Số 206-HD/BTGTU 23/12/2024 Hướng dẫn học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2025 “Học tập và ...
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005043204
  •  Đang online: 140
  •  Trong tuần: 4.606
  •  Trong tháng: 36.245
  •  Trong năm: 36.245