Sáng 18/7, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng nội dung thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.
Ông Vũ Thanh Mai - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc.
Các thành viên trong đoàn kiểm tra có đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế); Vụ Xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương; Cục Y tế - Bộ Công an; Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Vụ Khoa giáo Văn xã - Văn phòng Chính Phủ.
Tham dự buổi làm việc có ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống AIDS và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng.
Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, ông Trịnh Văn Quyết – Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng báo cáo kết quả 2 năm Lâm Đồng thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.
Ông Trịnh Văn Quyết – Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng báo cáo kết quả 2 năm Lâm Đồng thực hiện Chỉ thị số 07- CT/TW của Ban Bí thư.
Theo đó, hiện tại tỉnh Lâm Đồng có 1 khoa phòng, chống HIV/AIDS, 1 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, 1 phòng tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh; 3 cơ sở cấp phát thuốc tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc, Trung tâm Y tế Lâm Hà và Đạ Tẻh; 3 cơ sở điều trị ARV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Đức Trọng.
Từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1993, tính đến 30/4/2020, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV/AIDS được báo cáo trên toàn tỉnh là 1.801 trường hợp; trong đó, có 289 trường hợp đã chuyển thành bệnh nhân AIDS và 608 bệnh nhân tử vong do liên quan đến HIV/AIDS. Số tích lũy ca nhiễm HIV cao nhất tại TP Đà Lạt (585 ca) và thấp nhất tại huyện Lạc Dương (10 ca). Về địa bàn phân bố dịch, 12/12 huyện, thành phố và 122/142 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều đã có người nhiễm HIV.
Theo nhận định tình hình nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn đang ở giai đoạn tập trung trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt là trong nhóm nghiện chích ma túy (31%), quan hệ tình dục khác giới (9,39%), bắt đầu xuất hiện ở các nhóm đối tượng khác như: Nhóm quan hệ tình dục đồng giới (MSM 6,72%), nhóm phụ nữ có thai (4,94%), nhóm phụ nữ bán dâm (1,67%).
Đại tá Nguyễn Sỹ Thanh – Phó Cục trưởng Cục Y tế (Bộ Công an) phân tích nguy cơ, thánh thức trong công tác phòng chống HIV/AIDS từ ma túy tổng hợp hiện nay; trong đó, có TP Đà Lạt – Lâm Đồng.
Toàn tỉnh hiện có 125 cơ sở đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 109/2021/NĐ-CP; trong đó, tuyến tỉnh 4 cơ sở (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch); 12 Trung tâm Y tế huyện, thành phố; 109 Trạm Y tế xã, phường, Phòng khám đa khoa khu vực đã công bố trên cổng thông tin điện tử của ngành y tế theo quy định.
Qua 2 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đã tạo nên sự chuyển biến nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong việc tổ chức, triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy báo cáo về công tác tuyên truyền Chỉ thị số 07- CT/TW của Ban Bí thư tại địa phương.
Trong 2 năm qua, các sở, ban ngành, đoàn thể đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các chương trình hành động. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị y tế xây dựng kế hoạch chuyên môn cụ thể để khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh.
Công tác thông tin giáo dục truyền thông cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Ngành y tế chủ động trong công tác phối hợp với các ban ngành, đoàn thể để nâng cao chất lượng truyền thông tập trung vào hai chiến dịch lớn là Chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Lồng ghép với các chương trình y tế khác bằng nhiều hình thức như tập huấn, thảo luận nhóm, thăm hộ gia đình, phát tài liệu truyền thông, phát thông điệp trên các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp tỉnh, huyện, xã góp phần nâng cao nhận thức cho Nhân dân, nhất là các đối tượng có hành vi dễ làm lây nhiễm HIV.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện để kịp thời có hướng dẫn chỉ đạo nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS của địa phương tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030. Tăng cường phối hợp của các ban ngành, đoàn thể trong việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là ngành công an trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại Cơ sở điều trị Methadone và phối kết hợp triển khai các hoạt động chuyên môn liên quan đến công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
Lâm Đồng đã triển khai tốt các hoạt động can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; giám sát và xét nghiệm HIV; hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; thanh tra, kiểm tra, giám sát, phối hợp liên ngành tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương.
Trong thời gian tới, Lâm Đồng tập trung toàn lực để đẩy mạnh giải quyết toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng chống HIV/AIDS, phấn đấu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Lâm Đồng vào năm 2029.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 90% người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV, 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp.
Đến năm 2029 có 95% người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình, 95% người nhiễm HIV được điều trị ARV, 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp), nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2029.
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đạt các mục tiêu này, Lâm Đồng tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác thông tin, truyền thông; thực hiện cơ chế, chính sách về phòng, chống HIV/AIDS; giải pháp chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS và bồi dưỡng nguồn nhân lực để đáp ứng nhiệm vụ công tác phòng chống IHV/AIDS trong tình hình mới.
Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống AIDS và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng và các thành viên của đoàn kiểm tra Trung ương cùng thảo luận, trao đổi, phân tích về những kết quả đạt được và những thách thức mới trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại Lâm Đồng nói riêng và toàn quốc nói chung.
Từ thực tế tại địa phương qua 2 năm thực hiện Chỉ thị số 07- CT/TW của Ban Bí thư, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất, kiến nghị với đoàn kiểm tra Trung ương một số nội dung; trong đó, có việc tăng cường năng lực trong hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến, đảm bảo nguồn nhân lực và nguồn kinh phí cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiến tới chấm chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế -xã hội. Hỗ trợ kinh phí xét nghiệm tải lượng vi rút HIV cho bệnh nhân đang điều trị ARV tại các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội triển khai các dự án phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Lâm Đồng. Hỗ trợ trang thiết bị, vật tư cho các cơ sở điều trị Methadone; nâng cấp các cơ sở cấp phát thuốc (Trung tâm Y tế Đạ Tẻh, Lâm Hà và Bệnh viện Y học Cổ truyền Bảo Lộc) thành cơ sở điều trị thay thế Methadone và mở thêm các điểm cấp phát mới để nhiều bệnh nhân tham gia chương trình. Cần điều chỉnh tăng mức phụ cấp ưu đãi ngành lên cho bộ phận cấp phát thuốc, hành chính Methadone và tư vấn Methadone theo Nghị định 90/2016/NĐ-CP từ 30% lên 70%.
(LĐ online)