Lấy công chúng làm trung tâm trong phát triển báo chí hiện đại In trang
16/06/2023 03:52 CH

Trong bất cứ bối cảnh nào, mục đích quan trọng nhất của những người làm báo chí cách mạng vẫn phải là vì con người, vì công chúng. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, báo chí số - báo chí hiện đại lại càng phải thấm nhuần và thực hiện cho được mục đích lớn lao đó.

Quang cảnh Hội báo toàn quốc 2023.
Quang cảnh Hội báo toàn quốc 2023.

Quyết định số 348/QĐ-TTg, ngày 6/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định 348) được ban hành trong bối cảnh nền báo chí nước nhà đối mặt với những biến động không ngừng trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với tốc độ phát triển như vũ bão, khoa học - công nghệ đã chi phối và có sự ảnh hưởng rất lớn tới những hoạt động thực hành nghiệp vụ và sáng tạo các nội dung báo chí.

Quyết định 348 hướng tới mục tiêu chung là “xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp số nội dung”. Các mục tiêu cụ thể được hoạch định rõ ràng theo hai giai đoạn, gồm ngắn hạn (đến năm 2025) và dài hạn (đến năm 2030).

Để thực hiện được các mục tiêu này, phát triển sản phẩm báo chí số được xác định là một giải pháp quan trọng. Trong đó, “phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả” thể hiện tinh thần lấy công chúng làm trung tâm của báo chí số - báo chí hiện đại.

TỪ QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của người cầm bút. Người căn dặn phải chú ý “Viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào?”. Quan điểm của Người về hoạt động sáng tạo nội dung là minh triết soi đường cho nhận thức của các nhà báo nước nhà với tinh thần “lấy dân làm gốc”. Theo đó, viết báo và cung cấp thông tin báo chí, trước tiên cần xác định rõ đối tượng công chúng tiếp nhận. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng... Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình”.

Trở lại với quan điểm nêu trên của Hồ Chí Minh để khẳng định rằng, dù trong bất cứ bối cảnh, hoàn cảnh nào, thì mục đích quan trọng nhất trong sáng tạo nội dung tác phẩm báo chí của những nhà báo chân chính, cách mạng không phải là hoạt động vì cá nhân nhà báo, mà là hoạt động vì con người, vì công chúng. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, báo chí số - báo chí hiện đại lại càng phải thấm nhuần và thực hiện cho được mục đích lớn lao, quan trọng đó.

Chỉ khi nào, nội dung tác phẩm báo chí phù hợp, đáp ứng được các nhu cầu chính đáng, nhân văn của công chúng thì khi ấy báo chí mới xứng đáng được coi trọng, mới thực sự cách mạng và “vị nhân sinh”. Đây cũng là nhận thức quan trọng mà mỗi người làm báo cần xác định “nằm lòng” trước khi bắt tay vào sáng tạo tác phẩm.

TĂNG CƯỜNG TRẢI NGHIỆM CỦA CÔNG CHÚNG

Công chúng ngày nay có nhiều đặc điểm khác biệt so với các thế hệ trước. Nghiên cứu về công chúng dưới góc nhìn lấy người dùng làm trung tâm (user-centric) gợi ý cho đơn vị sản xuất những hướng phát triển mới, nhằm gia tăng trải nghiệm cho đối tượng tiếp nhận thông qua những nội dung hoặc phương thức thể hiện sản phẩm khác biệt. Điều này là cần thiết, không chỉ nhằm giữ chân người dùng trong bối cảnh bùng nổ thông tin, mà còn vì mục tiêu gia tăng tính hiệu quả trong việc chuyển tải các thông điệp. Ngày nay, công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo ra những trải nghiệm mới cho người dùng. Vai trò của khoa học - kĩ thuật và những sáng chế công nghệ đối với sự phát triển của truyền thông nói chung, truyền thông đại chúng nói riêng đã được minh chứng qua một lịch sử phát triển lâu dài, tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ hơn nữa trong thời đại số.

Năm 2003, vấn đề trải nghiệm người dùng với các sản phẩm kĩ thuật số lần đầu được báo chí thế giới nhắc tới. Một số trường đại học quốc tế đã triển khai các chương trình đào tạo đề cao việc gia tăng trải nghiệm cho người dùng ở nhiều chuyên ngành, chẳng hạn ngành thiết kế các sản phẩm cho môi trường số. Giai đoạn sau đó, các nhà nghiên cứu đề xuất đa dạng những tiêu chí để đánh giá các sản phẩm nội dung lấy trải nghiệm người dùng làm tiêu chuẩn. Năm 2010, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đề xuất định nghĩa về trải nghiệm người dùng như sau: “Nhận thức và phản ứng của một người là kết quả của việc sử dụng hoặc dự kiến sử dụng một sản phẩm, hệ thống hoặc dịch vụ”.

Hiện nay, vấn đề nâng cao trải nghiệm của người dùng ngày càng được chú trọng và quan tâm, không chỉ đối với các đơn vị báo chí mà còn lan rộng khắp ngành công nghiệp nội dung trên phạm vi toàn cầu. Internet và nền tảng dữ liệu lớn (big data), siêu dữ liệu (meta data) tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho quá trình thu thập, xử lý, phân tích, so sánh dữ liệu người dùng - cơ sở cần thiết cho việc trải nghiệm người dùng được triển khai hiệu quả hơn. Có thể thấy, môi trường hoạt động của báo chí truyền thông trong thời đại số đã khác trước hoàn toàn, do vậy, định hướng chuyển đổi số báo chí là xu thế phát triển không thể đảo ngược và phù hợp với các điều kiện thực tiễn.

PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM BÁO CHÍ HIỆN ĐẠI PHÙ HỢP VỚI TỪNG NHÓM CÔNG CHÚNG

Tùy từng điều kiện và bối cảnh đặc thù của mỗi quốc gia - dân tộc, việc phát triển sản phẩm báo chí phù hợp với từng nhóm đối tượng công chúng được tiếp cận theo nhiều góc độ. Có thể hoạch định các yếu tố tác động tới phát triển sản phẩm của báo chí thành hai nhóm: 1) Các yếu tố chủ quan; 2) Các yếu tố khách quan.

Về chủ quan, một số yếu tố cơ bản cần được xem xét như: tiềm lực con người, cơ sở vật chất kĩ thuật, định hướng phát triển nội dung của đơn vị báo chí.

Yếu tố con người luôn là điều kiện chủ quan gây ảnh hưởng lớn tới năng lực phát triển sản phẩm nội dung của các đơn vị báo chí. Đội ngũ nhân lực cần đáp ứng các kỹ năng tác nghiệp báo chí trong môi trường số, bởi trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học - kỹ thuật, lao động hoạt động trong lĩnh vực báo chí truyền thông ngày nay cần liên tục cập nhật các kiến thức mới để theo kịp những tiến bộ của công nghệ và không bị bỏ lại phía sau. Khả năng hiểu biết và sử dụng các công cụ làm việc hiện đại của nhà báo chi phối đáng kể tới việc phát triển các sản phẩm nội dung sáng tạo.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc là yếu tố vật chất không thể không tính tới bởi nó tạo tiền đề cho các hoạt động sáng tạo. Cơ sở vật chất và trang thiết bị máy móc cấu thành môi trường tác nghiệp cho nhà báo, tạo điều kiện cho họ sáng tạo nội dung thuận lợi và đầy đủ.

2
2

Ngoài ra, định hướng phát triển nội dung của đơn vị báo chí cũng chi phối đáng kể tới hoạt động sáng tạo. Trong tiến trình chuyển đổi số, các đơn vị báo chí cần hiểu rõ các khía cạnh như: 1) Sự chi phối của các thiết bị công nghệ đang ngày một được cải tiến tốt hơn với người dùng; 2) Sự thay đổi của công chúng hiện đại - để xác định hướng phát triển nội dung phù hợp. Ở khía cạnh thứ nhất, tòa soạn báo chí hiện đại cần định hướng phát triển nội dung tùy biến cho đa màn hình, bởi công chúng ngày nay đang bị phân mảnh do sử dụng đa dạng các thiết bị đầu cuối. Thêm vào đó, các thiết bị này đang liên tục được cải tiến theo hướng gia tăng tiện ích, tích hợp đa chức năng, vì vậy đã cung cấp cho công chúng cơ hội để tương tác nhiều hơn với các sản phẩm nội dung. Ở khía cạnh thứ hai, do có sự phân hóa công chúng rõ nét (phản ánh rõ rệt trong cơ sở dữ liệu người dùng dựa trên các đặc tính nhân khẩu học, thói quen tiêu thụ thông tin, nhu cầu và sở thích mang tính cá thể của đối tượng tiếp nhận), hoạt động sáng tạo sản phẩm báo chí cần sự thích ứng linh hoạt phù hợp. Công chúng trẻ ngày nay đang ngày càng năng động hơn, di động nhiều hơn, đồng thời ưa thích và chủ động hơn trong sự trải nghiệm. Vì thế, việc tạo điều kiện thuận lợi để công chúng được tự do khám phá sản phẩm báo chí theo cách riêng của họ là định hướng phát triển nội dung phù hợp với thời đại.

Về khách quan, một số yếu tố cơ bản gồm: quan điểm chính trị, bản sắc văn hóa và đặc thù ngôn ngữ thể hiện.

 “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”(1) là định hướng cơ bản, quan trọng cho sự phát triển của báo chí nước nhà, từ truyền thống đến hiện đại. Việc quảng bá, truyền tải những thông tin thiết yếu tới công chúng trong bối cảnh mới, thông qua các sản phẩm báo chí sáng tạo, hấp dẫn với những phương thức tiện ích, sẽ giúp công chúng tiếp nhận thông tin dễ dàng và thú vị hơn.

Tiếp cận ở góc độ văn hóa, các sản phẩm báo chí hiện đại không thể bỏ qua bản sắc và những yếu tố văn hóa dân tộc trong cả hình thức và nội dung truyền tải. Đi cùng với đó, ở môi trường internet, các sản phẩm báo chí sáng tạo phải được tích hợp những yếu tố đa phương tiện như hình ảnh động, đồ họa 3D, audio, video và những tính năng tương tác... nhằm giúp công chúng gia tăng các trải nghiệm với nội dung thông tin. Chẳng hạn, để minh họa các họa tiết đa dạng trên trang phục của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong một nội dung báo chí chuyên đề, có thể sử dụng đồ họa tương tác (interactive infographic) để hỗ trợ công chúng thay đổi các hoa văn trên quần áo của nhân vật mẫu. Điều này giúp công chúng dễ dàng hình dung những đặc trưng thú vị và sự phong phú trong trang phục truyền thống của các dân tộc trên dải đất hình chữ S.

Với vai trò là một trong những kênh thông tin quan quan trọng, báo chí Việt Nam trong môi trường số phải đảm nhiệm trọng trách bảo tồn và gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Trong bối cảnh mới, việc tận dụng ưu thế kĩ thuật và công nghệ sẽ giúp phát huy hữu hiệu hơn việc quảng bá ngôn ngữ tiếng Việt tới bạn bè quốc tế thông qua các sản phẩm nội dung báo chí. Công chúng báo chí hiện đại rất đa dạng về nhu cầu và sở thích, một trong những trọng trách quan trọng của báo chí số là phải luôn “định hướng”, gìn giữ, bảo tồn sự chuẩn mực trong ngôn ngữ.

Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, tiếng Việt liên tục vận động và phát triển, làm nảy sinh không ít thay đổi ở các khía cạnh từ vựng, ngữ âm và ngữ pháp. Vì thế, nền báo chí cách mạng, cùng với những mục tiêu, định hướng lớn “dĩ bất biến”, trong quá trình chuyển đổi “ứng vạn biến” với xu thế báo chí hiện đại, vẫn phải đảm bảo được trách nhiệm gìn giữ sự chuẩn mực về ngôn ngữ. Theo đó, quá trình phát triển sản phẩm báo chí nhằm nâng cao hiệu quả trải nghiệm của công chúng, xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng không phải là chạy theo thị hiếu hay “nuông chiều” độc giả bằng mọi giá. Trước thực tế xuất hiện một lớp độc giả dễ dãi, thậm chí là cẩu thả trong sử dụng “tiếng mẹ đẻ”, báo chí hiện đại, thông qua các sản phẩm nội dung, nếu không góp phần định hướng và giữ gìn chuẩn mực ngôn ngữ sẽ làm giảm vai trò và đánh mất bản chất của một nền báo chí cách mạng./.

TS. LÊ VŨ ĐIỆP

Học viện Bưu chính Viễn thông

 

(Theo Tạp chí Tuyên giáo Trung ương)

Lượt xem: 578
Văn bản mới
  • Số 198-HD/BTGTU 01/11/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 11 năm 2024
  • Số 1423-CV/BTGTU 28/10/2024 Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024)
  • Số 1415-CV/BTGTU 23/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 ...
  • Số 9743-HD/BTGTW 16/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bô các cấp nhiệm kỳ 2025-2023 ...
  • Số 88-KH/BTGTU 15/10/2024 Kế hoạch điều tra dư luận xã hội “Tình hình triển khai và kết quả ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004121587
  •  Đang online: 118
  •  Trong tuần: 118
  •  Trong tháng: 125.047
  •  Trong năm: 1.822.628