Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam In trang
26/12/2022 04:21 CH

Văn học, nghệ thuật (VHNT) từ xa xưa đã có sứ mệnh thiêng liêng “tải đạo”, truyền bá tư tưởng, hướng con người đến giá trị chân, thiện, mỹ. Trải qua các thời kỳ phát triển, VHNT Việt Nam luôn thực hiện tốt chức năng cao cả: giáo dục, bồi đắp những giá trị tốt đẹp trong nhân cách con người, giúp mỗi người tự hoàn thiện bản thân và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của VHNT đối với quá trình xây dựng nhân cách con người, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng đề cấp đến văn hóa, VHNT. Đặc biệt gần đây nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã đề ra mục tiêu cụ thể đầu tiên của việc xây dựng văn hóa là “hoàn thiện các chuẩn mục giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách…”, và từ “nhân cách” đã được nhắc lại tới tám lần trong Nghị quyết.

Chúng ta biết rằng, giáo dục là một chức năng cơ bản của VHNT. Xưa cũng như nay, trong lịch sử văn hóa nhân loại cũng như lịch sử văn hóa Việt Nam, việc xây dựng nhân cách con người, xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp, đấu tranh chống lại cái giả dối, cái ác, cái thấp hèn, xấu xa trong đời sống xã hội, thường xuyên là bản chất truyền thống của VHNT. Người xưa từng nói “ở đâu trên đất nước này, nơi nào có cuộc sống, ở đó có Nguyễn Du. Từ những trí thức đến người lao động bình thường, không ai không thuộc hoặc không đọc, không nghe một vài câu Kiều của Nguyễn Du. Người ta đọc Kiều, người ta lẩy Kiều, người ta bói Kiều, người ta ru con bằng những câu Kiều. Và, nhiều cô bé, cậu bé nằm nôi lớn lên từ những lời ru đó không thể sống ác được, không thể không thương người, không thương mình trong những bước truân chuyên của cuộc đời”. Qua đó, càng thấm thía rằng, từ ngàn xưa, ông cha ta đã khẳng định sứ mệnh cao quý của VHNT trong việc xây dựng nhân cách, đạo lý, lẽ sống con người, nền tảng tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của công cuộc dựng nước và giữ nước. Vì vậy, luận đề “Văn dĩ tải đạo” (văn để chở đạo) luôn luôn là ý thức thường trực của các văn nghệ sĩ chân chính. Những tác phẩm văn nghệ lớn, có giá trị trường tồn đều là những tác phẩm gắn với vận mệnh nhân loại, vận mệnh dân tộc, vận mệnh con người với giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc.

Lịch sử phát triển của VHNT Việt Nam cho thấy, chính dòng VHNT nhân văn sâu sắc từ bao đời cha ông truyền lại đã làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước, truyền thống nhân văn, ý thức tự lực, tự cường, lao động cần cù, tinh thần đoàn kết, nhân ái, lối sống nghĩa tình và biết bao phẩm chất tốt đẹp khác của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam đã trở thành cội nguồn sáng tạo đầy trách nhiệm của VHNT và cũng chính những tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao tác động trở lại rất tích cực, mạnh mẽ, vun đắp phẩm chất, nhân cách con người Việt Nam, góp phần có hiệu quả trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

VHNT là sản phẩm của tư duy sáng tạo theo quy luật của nhận thức: nhận thức về tự nhiên, về xã hội, về con người và về ngay chính bản thân mình. Ngay ở chức năng nhận thức xã hội này, chức năng quan trọng nhất của VHNT đã chứa đựng đầy đủ sứ mệnh cao quý của VHNT, đó là nhận thức về chân, thiện, mỹ thông qua hình tượng nghệ thuật để biến thành động lực, hành động của con người nhằm kiến tạo một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cùng với chức năng nhận thức, chức năng giáo dục của VHNT cũng nhằm giáo dục thẩm mỹ, nâng cao năng lực thẩm mỹ của con người. Về nhiệm vụ giáo dục, Bác Hồ đã viết: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Người căn dặn chúng ta: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Như vậy, vai trò, chức năng của VHNT là hun đúc nên trí tuệ, tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam; giáo dục, bồi dưỡng, vun đắp, xây dựng nhân cách con người để đảm bảo phát triển bền vững đất nước, thành tố rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ.

Trong những năm qua, VHNT Lâm Đồng đã đóng góp trực tiếp và rất quan trọng tạo sự chuyển biến ngày càng tích cực, rõ nét về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người. Sáng tác VHNT của văn nghệ sĩ Lâm Đồng nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc; đã cố gắng phát hiện, khẳng định các nhân tố mới trong đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của Nhân dân, tham gia đấu tranh, lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội để nhằm hoàn thiện nhân cách con người, lành mạnh hóa xã hội. Hội Văn học-Nghệ thuật Lâm Đồng đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần giữ vững định hướng chính trị, tập hợp, đoàn kết đội ngũ; tạo niềm tin, tạo môi trường sáng tác cho văn nghệ sĩ. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển đa dạng, phong phú. Đội ngũ văn nghệ sĩ Lâm Đồng khá đông đảo và đa dạng với 275 hội viên, được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo khác nhau, đa số có tâm huyết với nghề, có lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển tỉnh Lâm Đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”, những năm qua, tỉnh Lâm Đồng luôn đặc biệt quan tâm phát triển VHNT. Xác định đầu tư cho VHNT là đầu tư cho phát triển. Hàng năm, tỉnh tổ chức gặp mặt đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ để tiếp xúc, trao đổi, trân trọng lắng nghe, tiếp nhận, tiếp thu những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ, bởi giá trị tinh thần của các tác phẩm VHNT đem lại không chỉ tô đậm thêm phẩm chất nhân văn của dân tộc, mà còn trở thành sức mạnh, động lực để nuôi dưỡng khát vọng, biến khát vọng thành hiện thực cuộc sống. Tạo môi trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất để văn nghệ sĩ tiếp cận, thâm nhập, cảm nhận được và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo từ hoạt động lao động sản xuất, giúp nhau vượt khó, bảo vệ chủ quyền đất nước của Nhân dân; bằng tài năng, tâm huyết của mình sáng tạo VHNT với những khám phá, phản ánh hiện thực có chiều sâu từ trong bản chất, cảm xúc với những hình tượng nghệ thuật hấp dẫn, có sức truyền cảm để phục vụ Nhân dân.

 

Kiều Ninh

Lượt xem: 1.164
Văn bản mới
  • Số 70-KH/BTGTU 26/04/2024 Kế hoạch khảo sát dư luận xã hội “Ý kiến đánh giá của người dân ...
  • Số 175-HD/BTGTU 26/04/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền tháng 5 năm 2024
  • Số 174-HD/BTGTU 26/04/2024 Hướng dân tuyên truyền và thực hiện Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11/01/2024 của Bộ ...
  • Số: 3255/BCĐ06 25/04/2024 V/v tăng cường tuyên truyền về Luật Căn cước
  • Số 117 -KH/TU 23/04/2024 Kế hoạch tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002842169
  •  Đang online: 77
  •  Trong tuần: 31.894
  •  Trong tháng: 141.120
  •  Trong năm: 543.210