Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn quan tâm đến đồng bào tôn giáo, tôn trọng quyền tự do tôn giáo của các giáo dân và thực hiện đoàn kết tôn giáo. Trong tư tưởng của Người, xây dựng, củng cố và phát huy nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó đoàn kết với đồng bào thiên chúa giáo luôn là vấn đề sống còn, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng, quyết định sự tồn vong của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào Công giáo.
Ngay từ những ngày đầu lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm đến Thiên chúa giáo, đến các giáo dân; động viên họ góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng. Vì vậy, ngay sau thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám 1945, cùng với việc tuyên bố Việt Nam độc lập, khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã thực hiện một trong 6 nhiệm vụ cấp bách, đó là tuyên bố: “TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương Giáo đoàn kết”.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhằm ngăn chặn âm mưu của các thế lực phản động, lợi dụng tôn giáo hòng chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến vấn đề tôn giáo. Tấm lòng, sự quan tâm của Bác Hồ thể hiện trong nhiều bức thư, nhiều bài viết. Trong đó, Người động viên các giáo dân hãy sống tốt đời đẹp đạo, hãy “sống theo Đảng chết theo Chúa”, vì trong tư tưởng của Người, lòng yêu quê hương đất nước, yêu chủ nghĩa xã hội không đối lập, và dù là Lương hay Giáo thì mỗi người dân “con Rồng, cháu Lạc” đều có thể vừa là công dân tốt, vừa là tín đồ chân chính.
Đặc biệt, mỗi dịp Noel, dù bận rất nhiều công việc nhưng Bác đều dành thời gian viết thư gửi cho đồng bào công giáo cả nước. Trong thư gửi các linh mục và đồng bào công giáo ngày Noel đầu tiên sau cách mạng thành công (1946) Bác Hồ viết: “Trong lịch sử Việt Nam lần này là lần đầu tiên đồng bào công giáo ta làm lễ Thiên chúa giáng sinh một cách hoàn toàn vui vẻ trong một nước Việt Nam độc lập.
Tôi chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các vị giáo mục Việt Nam, đồng bào công giáo sẽ cùng tòan thể đồng bào trong nước cương quyết chiến đấu để giữ vững quyền tự do, độc lập cho Tổ quốc”.
Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh dường như bao la, nhân ái hơn khi hoà đồng, kết hợp tâm hồn, đạo đức và cốt cách của con người Việt Nam với tư tưởng “cứu thế, độ dân, hy sinh cho tự do” của Đức Chúa GiêSu, để không chỉ giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, thực hiện sự tôn trọng tự do tôn giáo, mà còn luôn thực hiện đoàn kết với đồng bào Thiên chúa giáo trong hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.
Có thể nói tình cảm và sự quan tâm của Bác Hồ đối với những người có đạo nói chung, đồng bào công giáo nói riêng rất to lớn. Đó cũng là sự thể hiện cụ thể, nhất quán chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay.
Đối với Lâm Đồng, là một tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, với 47 dân tộc anh em cùng chung sống; cộng đồng người công giáo hiện có trên 410 nghìn giáo dân, chiếm 31% dân số toàn tỉnh, với 7 Giáo hạt, 124 Giáo xứ, 20 Giáo sở biệt lập, 68 hội dòng, tu hội, 190 Cộng đoàn dòng tu nam, nữ hiện diện.
Trong những năm qua, cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp luôn tạo điều kiện, hỗ trợ cho các sinh hoạt tôn giáo. Nhiều giáo xứ xây dựng thánh đường mới cũng như tu sửa, tôn tạo cơ sở vật chất khang trang hơn. Đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, luôn thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; xây dựng lối sống lành mạnh, văn hóa; sát cánh cùng Nhân dân trong tỉnh hăng hái thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp. Nhiều gia đình, doanh nhân người công giáo đã trở thành nhân tố tích cực trong đổi mới tư duy phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao; tỷ lệ hộ công giáo giàu và khá chiếm 30%; hộ trung bình 69%; hộ nghèo còn dưới 1%.
Bên cạnh đó, bà con giáo dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh - sống tốt đời đẹp đạo”, “Toàn dân tham gia bảo vệ Môi trường”, “giáo xứ yên bình”; tiêu biểu như giáo xứ Tân Phú; giáo xứ Kim Phát (Đức Trọng); giáo xứ Lạc Viên (Đơn Dương), giáo xứ Phước Lộc (Đạ Huoai), giáo xứ Thánh Mẫu (Đà Lạt). Điển hình là trong phong trào “Thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, đồng bào công giáo đã phát huy, khai thác được tiềm năng, thế mạnh vào quá trình phát triển kinh tế chung của đất nước, luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường phát triển kinh tế…, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong sự nghiệp giáo dục, toàn tỉnh hiện có 90 cơ sở giáo dục mầm non tư thục do các hội dòng nữ tu thành lập và quản lý với hàng chục ngàn cháu; các trường mầm non có quy mô lớn được đánh giá hoạt động tốt. Các trường dạy nghề do dòng La San, dòng Don Bosco đang tổ chức dạy nghề cho các em rất có hiệu quả; các dòng tu mở lưu xá, các nhà nội trú tình thương, lớp học tình thương giúp trẻ em dân tộc thiểu số nghèo, trẻ mồ côi, khiếm thị, thiểu năng có điều kiện học hành.
Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, đồng bào công giáo tỉnh luôn nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, tích cực đồng hành cùng địa phương trong phòng, chống dịch, tham gia ủng hộ với số tiền hàng tỷ đồng. Ngoài ra, các dòng tu và bà con giáo dân chia sẻ và vận chuyển hàng ngàn tấn rau, củ, quả... đến người dân TP HCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây…, phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân thực hiện cách ly phòng dịch.
Ôn lại tình cảm, sự quan tâm của Bác Hồ đối với đồng bào công giáo trong dịp Lễ Thiên chúa giáng sinh năm nay, là thêm một lần thiết thực đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - đạo đức nhân văn và bao dung vì hạnh phúc con người .
Thúy Ngà