“Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không 1972” - thắng lợi của bản lĩnh Việt Nam In trang
06/12/2022 04:20 CH

Cách đây 50 năm, vào cuối tháng 12/1972, quân và dân miền Bắc, mà nòng cốt là Bộ đội Phòng không- Không quân đã có cuộc đụng đầu lịch sử với Không quân Mỹ trong Chiến dịch tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận. Khi đó, Tổng thống Mỹ Nixon từng tin tưởng chắc chắn rằng “Hà Nội sẽ là một khu vực chết”. Vậy nhưng, bằng ý chí, sức mạnh và nghệ thuật quân sự Việt Nam, quân và dân miền Bắc đã làm nên một trận Điện Biên Phủ trên không chói lọi ngay trên bầu trời Hà Nội...

Xác máy bay B-52 bị bắn rơi ngày 21-12-1972.
Xác máy bay B-52 bị bắn rơi ngày 21-12-1972.

Trước thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, đặc biệt ở Quảng Trị, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ năm 1972 đã làm cho chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ có nguy cơ bị phá sản hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, Mỹ đã vội vã thực hiện chủ trương “Mỹ hóa trở lại” cuộc chiến tranh, bằng cách đưa lực lượng không quân và hải quân tăng cường đánh phá miền Bắc và chi viện cho quân Ngụy trên chiến trường miền Nam, tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ 2 đối với miền Bắc.

Cuộc chiến tranh lần thứ 2 này được Mỹ thực hiện từ tháng 4/1972 với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt hơn, tàn bạo hơn, sử dụng nhiều loại máy bay, tàu chiến và các phương tiện hiện đại hơn, đặc biệt lần này chúng đã đưa máy bay B-52 vào đánh phá các trọng điểm. Ngay từ những ngày đầu tháng 4/1972, Mỹ đã sử dụng máy bay B-52 đánh phá các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Phòng. Mặt khác, nhằm xoa dịu dư luận phản đối chiến tranh của của Nhân dân Mỹ; tranh thủ sự ủng hộ của cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/1972. Tại phiên họp thứ 19, từ ngày 8-10/10, Mỹ chấp nhận bản dự thảo Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Theo lộ trình: Ngày 22/10/1972, sẽ ký tắt bản Hiệp định tại Hà Nội; ngày 31/10/1972, sẽ ký chính thức tại Paris; đến cuối tháng 3/1973, Mỹ sẽ phải rút hết quân về nước. Với kết quả dự kiến đó, Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger đã lừa bịp Nhân dân Mỹ bằng tuyên bố “Hòa bình đã ở trong tầm tay”, “Con em Mỹ sắp được trở về”, “Hãy bỏ phiếu cho Nixon”…

Với thái độ tráo trở và lật lọng, sau khi trúng cử Tổng thống, Nixon đã dây dưa không thực hiện kế hoạch đã định, đòi sửa đổi nhiều điều trong Hiệp định, đồng thời cùng Lầu năm góc bí mật, khẩn trương chuẩn bị một kế hoạch tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác. Ngày 14/12, Nixon họp với Kissinger và một số nhân vật khác để nghiên cứu phương hướng hành động; ra lệnh phong tỏa cảng Hải Phòng, tiến hành trinh sát toàn miền Bắc nước ta và phê chuẩn kế hoạch Linebacker II (Người tiền vệ cứu bóng trước khung thành) dùng B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng bắt đầu từ 18/12/1972 (giờ Hà Nội).

Về phía ta, từ cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự định đúng khả năng đế quốc Mỹ sử dụng B-52 đánh phá Hà Nội. Người đã chỉ đạo Quân ủy Trung ương xây dựng chiến lược chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ và giao cho Quân ủy Trung ương khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng vũ trang, mà trực tiếp là Quân chủng Phòng không-Không quân, xây dựng kế hoạch tác chiến phòng không chống địch tập kích bằng B.52 vào Hà Nội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, ta đã huy động, tập trung lực lượng phòng không cho chiến dịch, bao gồm 5 trung đoàn tên lửa, 6 trung đoàn cao xạ, 4 trung đoàn không quân, trong đó có 2 trung đoàn Míc 21, 4 trung đoàn ra đa. Ngoài ra, còn có 346 đội (1.316 khẩu pháo) phòng không các loại của dân quân, tự vệ. Toàn bộ lực lượng này được bố trí thành thế trận vững chắc, hiểm hóc tại các địa bàn trọng yếu ở trong và các vùng lân cận Hà Nội, Hải Phòng.

Trong chiến dịch “Linebacker II”, đế quốc Mỹ đã thực hiện 663 lần xuất kích B-52. Ngoài việc huy động 193 máy bay ném bom chiến lược B-52, Mỹ còn huy động tới 453 máy bay chiến đấu chiến thuật. Tuy nhiên, với sự chỉ huy, phối hợp hiệp đồng tác chiến nhịp nhàng giữa 3 lực lượng chủ lực thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân (bộ đội tên lửa, bộ đội pháo phòng không và không quân), không quân Mỹ đã thua tan tác trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. 81 máy bay bị bắn rơi, trong đó có 34 siêu pháo đài bay B-52. Trong số máy bay B-52 bị bắn rơi tại chỗ, có 2 chiếc rất đặc biệt, gồm: Chiếc thứ nhất, rơi tại cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội), đây là chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi tại chỗ đầu tiên, vào ngay đêm đầu tiên (đêm 18/12/1972) của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không lịch sử; chiếc thứ 2, rơi tại hồ Hữu Tiệp, làng hoa Ngọc Hà, thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình (Hà Nội) vào đêm 27/12/1972, đây là chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi tại chỗ duy nhất chưa kịp thả bom. Sau khi quân đội ta bắn rơi chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 thứ 34 vào đêm 29/12/1972, đến 7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Chính phủ Mỹ (đứng đầu là Tổng thống Nixon) buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ Bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp lại đại biểu Chính phủ ta tại Paris để bàn việc ký kết Hiệp định. Đến ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết chính thức.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của bản lĩnh, đường lối chiến tranh Nhân dân của Đảng, của “thế trận phòng không Nhân dân” bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Chiến thắng cuộc tập kích chiến lược đường không năm 1972 đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu về tầm nhìn chiến lược, sự chỉ đạo kịp thời, xây dựng quyết tâm, phát huy sức mạnh tổng hợp và vận dụng những kinh nghiệm đó trong công cuộc đổi mới và phát triển, sự nghiệp xây dựng lực lượng và thế trận chiến tranh Nhân dân, nền quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

                                                                                                             Lê Vân

Lượt xem: 795
Văn bản mới
  • Số 198-HD/BTGTU 01/11/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 11 năm 2024
  • Số 1423-CV/BTGTU 28/10/2024 Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024)
  • Số 1415-CV/BTGTU 23/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 ...
  • Số 9743-HD/BTGTW 16/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bô các cấp nhiệm kỳ 2025-2023 ...
  • Số 88-KH/BTGTU 15/10/2024 Kế hoạch điều tra dư luận xã hội “Tình hình triển khai và kết quả ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004123055
  •  Đang online: 110
  •  Trong tuần: 110
  •  Trong tháng: 126.515
  •  Trong năm: 1.824.096