Ảnh internet
Hiện nay, các thế lực thù địch và bọn phản động lưu vong ở nước ngoài vẫn thường xuyên cấu kết, móc nối với số cực đoan trong tôn giáo và số đối tượng cơ hội chính trị trong nước cố tình xuyên tạc vấn đề dân tộc, tôn giáo ở nước ta. Chúng ra sức cho rằng: Đảng và Nhà nước ta thực hiện chính sách “độc tài cai trị”, “đàn áp tôn giáo”, “đàn áp dân tộc”, đưa ra chiêu bài đòi “tự do tôn giáo”, đòi “quyền tự trị cho từng dân tộc”, … để vu cáo “Việt Nam không có tự do tôn giáo”, làm cho chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo hoài nghi về chính sách của Nhà nước ta, hòng kích động, chia rẽ các tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của ta. Do đó, chúng ta cần nhận diện rõ một số âm mưu, thủ đoạn chủ yếu sau:
Một là, các thế lực thù địch lợi dụng xu thế toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập quốc tế cũng như thông qua hoạt động tài trợ kinh tế, từ thiện, các tổ chức phản động ngoài nước đã chuyển tài liệu tôn giáo có nội dung phản động vào trong nước với mục đích xuyên tạc bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa, vu khống về chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước nhằm tạo cớ can thiệp sâu vào công việc nội bộ nước ta.
Hai là, chúng âm mưu thúc đẩy sự liên kết hoạt động giữa các tôn giáo (liên tôn); phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phản động, cơ hội chính trị trong nước để tạo dựng ngọn cờ, hình thành lực lượng đối lập, làm “đối trọng” với Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam; đẩy mạnh phát triển các hội đoàn tôn giáo, làm sầm uất xứ đạo, khuyếch trương thanh thế, kết hợp với tăng cường truyền đạo trái phép, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ để tập hợp lực lượng và dẫn dắt đồng bào thực hiện mưu đồ chính trị phản động của chúng.
Ba là, bằng nhiều thủ đoạn và chiêu trò thâm hiểm, xảo quyệt, chúng từng bước xúc tiến việc nắm quyền điều khiển các tổ chức tôn giáo để biến những tổ chức này thành các tổ chức chính trị, đảng chính trị để làm chỗ dựa, “núp bóng” cho các hoạt động phá hoại và mưu đồ phản động. Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chúng đòi tôn giáo phải độc lập, không chịu sự quản lý của Nhà nước; tâng bốc, ca ngợi “tự do tôn giáo” ở các nước tư bản; yêu cầu Nhà nước ta “công nhận” hoạt động của các tổ chức tôn giáo giả hiệu như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Tin lành Đềga; đồng thời đòi thả các “tù nhân tôn giáo” - những kẻ đội lốt tôn giáo vi phạm pháp luật; kêu gọi Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào “danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo”, ...
Bốn là, lợi dụng những vấn đề phức tạp trong xã hội như: thu hồi đất đai, đền bù, giải tỏa; vấn đề ô nhiễm môi trường; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phòng, chống dịch Covid-19… để dụ dỗ, lôi kéo những người đi khiếu kiện kích động tham gia tuần hành, mang theo các băng rôn, khẩu hiệu phê phán chính quyền. Với những chiêu thức thể hiện rất đơn sơ, rất bình thường, tạo nhóm, lập trang web, chia sẻ trên internet và các trang mạng để trao đổi thông tin, bình luận kích động, cổ suý lan toả nhiều người sử dụng mạng xã hội… với mục tiêu làm cho người dân, đặc biệt là một bộ phận tín đồ “ngoan đạo”, “cuồng đạo” hoang mang, dao động, không rõ thực hư, bình luận, chia sẻ không rõ bản chất vụ việc, do thiếu thông tin nên đã tạo ra lượng lớn tín đồ quần chúng tham gia, khuếch tán, lan tỏa các hoạt động kích động chống phá của thế lực xấu và tin tưởng vào số chức sắc cực đoan, điều này thực sự nguy hiểm và gây phức tạp trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta.
Vì vậy, mỗi người dân chúng ta cần nhận diện và đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn hoạt động này là yêu cầu hết sức cần thiết. Để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để chống phá của các thế lực thù địch; giữ vững môi trường an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công cuộc phát triển đất nước trong tình hình hiện nay, công tác tôn giáo của Đảng và Nhà nước cần tiếp tục tập trung làm tốt một số nội dung, giải pháp:
Trước hết, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác tôn giáo; thực hiện tốt chức năng Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật về tôn giáo cũng như hướng dẫn về thực hiện công tác tôn giáo đối với từng địa bàn cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội đối với công tác tôn giáo trong tình hình mới.
Thứ hai, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo để thống nhất nhận thức trong cả hệ thống chính trị, trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta đến các chức sắc, chức việc cũng như đến mỗi tín đồ các tôn giáo. Vận động chức sắc, chức việc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo” thực hiện đúng quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, nảy sinh trong công tác tôn giáo như: vấn đề đất đai, cơ sở thờ tự, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật và mọi hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động, chia rẽ tôn giáo, dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia; góp phần đảm bảo an ninh chính trị ở địa phương.
Thứ ba, tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác tôn giáo của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng vũ trang (Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân) trong tuyên truyền, vận động và làm nòng cốt cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào tín đồ các tôn giáo nhận diện và tố giác âm mưu cùng các hành vi, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo phá hoại sự nghiệp cách mạng của đất nước ta.
Đức Anh