Đó là chia sẻ của Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, giai đoạn 2019-2022 vừa được tổ chức tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa).
Điều này cho thấy ý nghĩa to lớn của chương trình, góp phần giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sự đồng hành của Bộ đội Hải quân là động lực lớn
Chúng tôi gặp ông Bùi Văn Toàn, thuyền trưởng tàu cá BTh 97478 TS, ngụ tại TP Phan Thiết (Bình Thuận) trong một sáng sớm cuối tháng 7-2022, tại Quân cảng Cam Ranh, khi ông cùng các thuyền viên sống sót kỳ diệu trở về sau vụ tai nạn chìm tàu. Mọi người được tàu của Vùng 4 Hải quân đưa về bờ an toàn trong sự vui mừng, cảm động của người thân. Từng hai lần gặp nạn trên biển, nhưng khi được hỏi về việc trở lại với biển, ông Bùi Văn Toàn vẫn khảng khái: “Tôi sẽ nghỉ ngơi một thời gian để bản thân cũng như anh em ổn định sức khỏe, tâm lý, sau đó sẽ tiếp tục bám biển. Với tôi, nghề đi biển không chỉ đơn thuần là một nghề kiếm sống mà mỗi ngư dân chúng tôi còn là một “chiến sĩ” bám ngư trường để khẳng định chủ quyền quốc gia...”.
Không chỉ ông Toàn mà những người chúng tôi gặp đều có chung suy nghĩ như vậy. Với thâm niên hơn 20 năm đi biển, ngư dân Nguyễn Văn Phương trú tại xã Cà Ná (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) cho biết, ông luôn nhận được sự giúp đỡ của Bộ đội Hải quân từ lương thực, thực phẩm hay khi gặp sự cố hư hỏng tàu, ngoài ra còn được tuyên truyền những kiến thức về pháp luật, quy định khi khai thác thủy, hải sản. Ngư dân Nguyễn Văn Phương tâm tình: “Chúng tôi luôn tin tưởng và mong muốn lực lượng Hải quân tiếp tục giúp đỡ bà con yên tâm khai thác, bám biển giữ vững chủ quyền của dân tộc”.
Mỗi ngư dân theo thuyền ra khơi đều mong muốn khi trở về tôm, cá đầy khoang, song không phải lúc nào cũng thuận lợi bởi tác động của điều kiện thời tiết, sự cố về máy móc, sức khỏe... Vì vậy, sự giúp đỡ của lực lượng Hải quân là động lực to lớn để họ vượt qua mọi khó khăn. Theo Thượng tá Trần Văn Hùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), nơi đây là địa điểm nhiều lần hỗ trợ ngư dân gặp nạn, cũng như là nơi tiếp nhận khá nhiều tàu, thuyền của ngư dân gặp sự cố khi khai thác hải sản ở ngư trường khu vực quần đảo Trường Sa. Mỗi lần như vậy, cán bộ, chiến sĩ ở đảo đều dành thời gian, tâm huyết hỗ trợ ngư dân. Mới vài ngày trước, Bệnh xá đảo Song Tử Tây tiếp nhận và cấp cứu ngư dân Bùi Quang Khải (20 tuổi, ở phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) bị tai nạn lao động trên biển. Qua thăm khám, các y, bác sĩ Bệnh xá đảo Song Tử Tây chẩn đoán bệnh nhân có vết thương thấu vùng mạn sườn phải, chưa loại trừ tổn thương tạng rỗng. Các thầy thuốc tiến hành vệ sinh, sát trùng, khâu vết thương. Hiện tại, sức khỏe của ngư dân Bùi Quang Khải đã ổn định và tiếp tục trở lại làm việc trên tàu cá BĐ 96729 TS.
Lãnh đạo Quân chủng Hải quân tặng cờ, động viên ngư dân tại quần đảo Trường Sa.
Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển
Quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của trên, nhất là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Quân chủng Hải quân đã chủ động phối hợp với 28 tỉnh, thành phố ven biển triển khai Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, đạt được nhiều kết quả nổi bật trong giai đoạn 2019-2022.
Theo Chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn chủ động làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, ý thức chấp hành pháp luật trong đánh bắt hải sản, góp phần củng cố niềm tin cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân đã chỉ đạo các trung tâm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật nghề cá trên biển, các âu tàu, làng chài trên quần đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên các đảo, nhà giàn DK1 thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân. Các đơn vị trong Quân chủng Hải quân cũng kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền với tuyên truyền, xua đuổi tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam, bảo vệ ngư trường hợp pháp, bảo vệ tài sản, tính mạng của ngư dân trên biển.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Gia Khánh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng cho rằng: “Thời gian qua, lực lượng Hải quân luôn đồng hành với ngư dân, địa phương, song Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển được triển khai từ năm 2019 đã tạo sự lan tỏa, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển. Vì vậy, cần tiếp tục duy trì và phát huy tốt hiệu quả của chương trình, chú trọng việc phối hợp tuyên truyền vận động ngư dân nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối, chính sách, luật pháp của Nhà nước, về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cần vận dụng linh hoạt nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với đặc điểm từng địa phương để nâng cao chất lượng chương trình”.
Với phương châm “Lo cho dân như người thân của mình”, “Giúp đỡ ngư dân là mệnh lệnh của trái tim”, cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn sẵn sàng có mặt mọi lúc, mọi nơi, trên khắp các vùng biển cả nước để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân. Theo thống kê của Quân chủng Hải quân, từ năm 2019 đến nay, các đơn vị đã tổ chức 567 đợt hoạt động, điều động 365 lượt tàu, 16 lượt máy bay, 58 lượt xuồng, 50 lượt xe ô tô cùng hơn 12.500 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; kịp thời cứu kéo 340 lượt tàu (với 4.742 lượt người) mắc cạn, hỏng máy trôi dạt trên biển; chữa và cứu 1.244 người bị bệnh, bị nạn trên các vùng biển, đảo; giúp ngư dân sửa chữa, khắc phục sự cố tàu thuyền trên biển với hơn 1.400 ngày công.
Để tiếp tục giúp đỡ, bảo vệ ngư dân trên các vùng biển xa bờ đạt hiệu quả, Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân khẳng định: “Cần phối hợp lãnh đạo giữa Quân chủng Hải quân, các đơn vị trong quân chủng với lãnh đạo các địa phương, cùng các lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư chặt chẽ hơn nữa. Thường xuyên thông tin cho nhau, nắm tình hình, tuyên truyền kịp thời đến ngư dân. Cán bộ, chiến sĩ trong toàn Quân chủng Hải quân nhận thức đầy đủ việc hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ ngư dân là mệnh lệnh, là yêu cầu, trách nhiệm của Bộ đội Hải quân. Đồng thời, luôn ý thức được ngư dân cũng là những “cột mốc sống” để bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Làm tốt được điều này, chúng ta sẽ xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển”.
Từ năm 2019 đến 2022, các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển; các âu tàu, làng chài ở huyện đảo Trường Sa và cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên các đảo, nhà giàn đã hỗ trợ ngư dân 25.000m3 nước ngọt, 272 tấn lương thực, thực phẩm với tổng giá trị hơn 4,5 tỷ đồng; cung cấp các dịch vụ thu mua hải sản, bán nhiên liệu bằng với giá ở đất liền; hướng dẫn, sắp xếp cho các tàu cá vào bổ sung lượng dự trữ nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, tránh trú bão, khắc phục sự cố tàu thuyền, khám, chữa bệnh... đạt hiệu quả tốt.
VŨ DUY HIỂN
(Theo Báo Quân đội Nhân dân)