Thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái In trang
20/10/2022 10:54 SA

Nhiều thập kỷ qua, công cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ. Phụ nữ có rất nhiều cơ hội để khẳng định bản thân, được tham gia vào nhiều vị trí lãnh đạo, có những đóng góp to lớn trong chính trị, kinh tế, xã hội, gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng "trọng nam, khinh nữ" vẫn còn nặng nề, khiến cho nhận thức về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới còn hạn chế.

Các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Các nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV. (Ảnh minh họa: TTXVN)

NỖ LỰC THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI

Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh" do Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đinh (Bộ Y tế) Phạm Vũ Hoàng cho biết, vấn đề bình đẳng giới, cũng như vấn đề giải phóng phụ nữ đã và đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước cũng như các ban, ngành và toàn xã hội trong những năm qua.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xướng, ủng hộ bình đẳng giới. Hiện nay, bình đẳng giới đang là mục tiêu lớn của Chính phủ Việt Nam. Ngày 29/7/1980, Việt Nam ký kết tham gia Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và được Quốc hội phê chuẩn ngày 27/11/1981. Nguyên tắc bình đẳng nam nữ đã được thể hiện nhất quán, liên tục trong các bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam, kể cả trước và sau khi tham gia công ước CEDAW.

Theo ông Phạm Vũ Hoàng, trên cơ sở Hiến pháp, nhiều bộ Luật, Luật trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, y tế, hôn nhân gia đình và pháp luật hình sự được ban hành, cũng thực hiện nhất quán bình đẳng giới. Ngoài những quy định chung áp dụng một cách bình đẳng đối với nam - nữ còn có những chính sách điều chỉnh pháp luật riêng phù hợp với những đặc thù về giới tính của phụ nữ, trẻ em gái.

Trong đó, sự ra đời của Luật Bình đẳng giới là sự khẳng định rõ ràng nhất, tập trung nhất nỗ lực và bước tiến không ngừng của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng nam nữ, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, đưa ra những biện pháp thiết thực có tính đến những đặc thù về giới tính của phụ nữ; đồng thời là minh chứng sinh động nhất quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm bình đẳng giới.

Khoản 3, Điều 5, Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định rõ: "Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó".

Bên cạnh việc ban hành, thực thi các quy định của pháp luật, Chính phủ, các bộ, ban, ngành đã ban hành các Nghị định, Thông tư, Chiến lược quốc gia… và thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ thông qua việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án liên quan tới bình đẳng giới. Chính phủ đã ưu tiên tăng cường sự tham gia của phụ nữ tại nơi làm việc.

Nhờ những nỗ lực cụ thể, chỉ số bình đẳng giới tại Việt Nam không ngừng được cải thiện. Năm 2020, Việt Nam xếp vị trí 87 trên tổng số 153 quốc gia được khảo sát trên thế giới về thu hẹp khoảng cách giới.

QUÁ TRÌNH THU HẸP KHOẢNG CÁCH GIỚI DIỄN RA DIỄN RA VẪN CHẬM

Theo TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện khoảng cách giới. Trên thực tế, khoảng cách giới đã được thu hẹp trên một số khía cạnh. Tuy nhiên, quá trình thu hẹp khoảng cách giới diễn ra vẫn chậm. Tỷ lệ nữ trong lĩnh vực chính trị như đại biểu Quốc hội, vị trí lãnh đạo mặc dù có tăng nhưng khoảng cách về giới vẫn còn khá xa. Xét theo vị trí việc làm ở vai trò lãnh đạo, nam giới vẫn chiếm tỷ lệ rất cao.

Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt còn khiêm tốn. Ở một số tỉnh, cán bộ, công chức nữ chiếm tỷ lệ trên 50%, nhưng tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo cấp tỉnh còn chưa tương xứng với lực lượng cán bộ công chức nữ; tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo chủ chốt UBND các cấp còn thấp.

TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh cũng cho rằng phân hóa giới trong một số ngành nghề và lĩnh vực lao động vẫn rất rõ. Cho đến thời điểm này, một số ngành nghề như: Xây dựng, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, giao thông vẫn chiếm tỷ lệ nam giới áp đảo. Một số ngành nghề khác như trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn tỷ lệ nữ giới lại cao hơn.

Trong lĩnh vực lao động việc làm, các báo cáo nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ lao động nữ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 cao hơn nam giới, số giờ làm việc của phụ nữ cũng cao hơn, thu nhập bị giảm hơn, trong khi gánh nặng về vai trò vừa chăm sóc gia đình vừa làm kinh tế vẫn phải đảm bảo… Tỷ lệ bạo lực gia đình theo giới cũng gia tăng trong khoảng thời gian dịch COVID-19 diễn ra, Tiến sỹ Tuyết chia sẻ.

TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng, thực chất, bất bình đẳng giới để lại hệ lụy cho cả nam giới, nữ giới và LGBT như với định kiến giới, nỗi ám ảnh về vai trò trụ cột, về thành công. Do vậy, nó tạo ra niềm tin giới hạn với nữ giới. Khi vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội còn thấp, phụ nữ ít có cơ hội để phát triển bản thân, phụ nữ sẽ không có cơ hội để độc lập trong công việc, kinh tế, nghề nghiệp… Do vậy, vai trò, tiếng nói của phụ nữ trong gia đình, xã hội sẽ không được cao.

KHẮC PHỤC TƯ TƯỞNG "TRỌNG NAM KHINH NỮ", HƯỚNG TỚI XÃ HỘI BÌNH ĐẲNG

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Phạm Vũ Hoàng, thực tế cho thấy, mặc dù người phụ nữ có những đóng góp to lớn trong chính trị, kinh tế, xã hội, gia đình và cộng đồng nhưng nhận thức về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới hiện vẫn còn hạn chế. Tại nhiều đại phương trong cả nước, tình trạng "trọng nam khinh nữ" vẫn còn nặng nề; phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chịu nhiều thiệt thòi hơn trẻ em trai, cũng như so với trẻ em gái ở khu vực thành thị về cơ hội học tập, tiếp cận thông tin. Đây thực sự là rào cản lớn đối với việc nâng cao vị thế của trẻ em gái trong hiện tại và tương lai.

Giáo dục là một quyền cơ bản của con người, mọi trẻ em, cả bé gái và bé trai đều có quyền đi học, học hỏi và phát triển. Việc trẻ em gái ở vùng núi, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không được đi học không chỉ làm giảm tiềm năng cá nhân, tạo rào cản lớn đối với việc nâng cao vị thế của các em trong hiện tại và tương lai, còn làm tăng các chu kỳ nghèo đói và bất lợi của mọi thế hệ và cả quốc gia. Trẻ em không được đi học, không tiếp cận được nền giáo dục" đồng nghĩa với việc tước đoạt một nguồn tăng trưởng tiềm năng của đất nước", ông Phạm Vũ Hoàng nhấn mạnh.

Theo ThS. Phạm Thị Hồng (chuyên gia tâm lý Hồng Hương), Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam, tư tưởng "Trọng nam khinh nữ" ảnh hưởng vô cùng tiêu cực tới đời sống tinh thần, thể xác của phụ nữ, trẻ em gái và củng cố thêm việc phân biệt giới tính đối với những người cố thủ với những hủ tục, tư tưởng đã cũ, không còn phù hợp. Chẳng hạn, khi một người phụ nữ đã sinh bé gái trước mà chưa có bé trai thì lần mang thai sau họ sẽ bị áp lực. Người con gái của người mẹ đó, khi nghe như vậy, vô tình tự trẻ hình thành "định nghĩa giới" rằng mình là phụ nữ, mình là con gái và mình không có giá trị bằng con trai.

ThS. Phạm Thị Hồng chia sẻ, qua thực tế triển khai các dự án, có những trường hợp vì định nghĩa giới này đã gây nên hiện tượng "LGBT dưới dạng tâm lý" (LGBT ngoại sinh). Có những bé gái muốn trở thành con trai và có những hành vi giống con trai để bố mẹ vui lòng, đạt kỳ vọng của bố mẹ. Vô hình chung điều này ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống và tương lai của trẻ khi trẻ không nhận ra đâu là giới tính thật của mình.

ThS. Phạm Thị Hồng cho rằng, hội chứng sợ kết hôn đang gia tăng ở Việt Nam có thể có nguyên nhân sâu xa từ những tư tưởng bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ chọn làm mẹ đơn thân không hẳn vì muốn phát triển sự nghiệp, mà sâu xa họ nhìn thấy áp lực sinh ra từ việc bất bình đẳng giới.

Để hướng tới một xã hội bình đẳng, nơi phụ nữ và trẻ em gái được đối xử công bằng và được trao quyền, cơ hội phát triển như nam giới, các chuyên gia cho rằng cần nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới; chú trọng đẩy mạnh giáo dục khoa học giới trong hệ thống nhà trường để giúp cho thanh, thiếu niên nhận thức được những vần đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản, có hệ thống; giúp các em ý thức được trách nhiệm trong xây dựng gia đình sau này.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các chính sách và củng cố hệ thống nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao địa vị phụ nữ trong xã hội, từng bước khắc phục tư tưởng "trọng nam khinh nữ"; xây dựng và ban hành các hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi kinh tế có sự ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em gái.

Để thực hiện được bình đẳng giới cần tiến hành thu hẹp khoảng cách về giới trong mọi khía cạnh của đời sống; xem việc thực hiện bình đẳng giới là một công việc lâu dài và cần sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội./.

 

Minh Huệ (TTXVN)

Lượt xem: 1.319
Văn bản mới
  • Số 1504-CV/BTGTU 10/01/2025 Tăng cường công tác tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại ...
  • Số 16-CTr/BTGTU 08/01/2025 Chương trình Công tác Tuyên giáo năm 2025
  • Số 36 - NQ/TU 07/01/2025 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - ...
  • Số 208-HD/BTGTU 03/01/2025 Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày ...
  • Số 207-HD/BTGTU 02/01/2025 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 01 năm 2025
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005069934
  •  Đang online: 102
  •  Trong tuần: 31.336
  •  Trong tháng: 62.975
  •  Trong năm: 62.975