Tái hiện đời sống người dân Tây Nguyên xưa In trang
22/09/2022 02:54 CH

Trong Festival Hoa Đà Lạt 2022, Không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên” (từ ngày 11/11/2022) cùng 2 show trình diễn thời trang là “Thời trang tơ lụa - con đường di sản” (ngày 18/12/2022) và “Thời trang thổ cẩm” (ngày 12/11/2022) là một trong 10 chương trình chính và là chương trình do các nhà sưu tầm dân tộc học, nhà thiết kế thời trang, các nghệ sĩ... dày công chuẩn bị. Trong đó, Không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên” sẽ là không gian tái hiện toàn diện đời sống của người dân Tây Nguyên trước đây, chắc chắn sẽ mang đến sự ngạc nhiên, thích thú và vô cùng trân quý của người dân và du khách!

Hình ảnh quảng bá Không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên”
Hình ảnh quảng bá Không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên”

Chủ đạo trong Không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên” là hàng ngàn hiện vật được chọn lọc từ hơn 30.000 hiện vật về đời sống văn hoá, tâm linh, sinh hoạt, lao động, săn bắt, nuôi trồng... của người dân các dân tộc khu vực Tây Nguyên của nhà sưu tầm dân tộc học Đặng Minh Tâm (64 tuổi, nguyên cán bộ Công an tỉnh Lâm Đồng). Ông Đặng Minh Tâm sớm có cơ duyên được tiếp cận văn hóa của người dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên từ năm 1978, do điều kiện công tác phải di chuyển nhiều, rồi luôn cùng ăn, cùng ở, làm việc, học tiếng dân tộc và gắn bó với đồng bào Tây Nguyên...

Những món cổ vật bây giờ, lúc ấy một phần do đồng bào quý mến tặng ông những vật dụng của gia đình, hay những món đồ sinh hoạt hoặc văn hóa của dân tộc họ. Dần dần, từ việc trân trọng những món quà được tặng, ông yêu thích và đam mê; dày công sưu tầm, giữ gìn và bảo tồn hơn 40 năm qua cùng với việc tìm hiểu về văn hóa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ông tâm sự: "Trong thời gian sống cùng người bản địa Tây Nguyên, tôi đã rất thích và để ý tìm hiểu về văn hóa, phong tục của người dân. Khi chuyển về làm việc tại Công an tỉnh Lâm Đồng, lúc rảnh, tôi thường trở lại những nơi đã chiến đấu, công tác, thăm bạn bè... Chính các đồng đội năm xưa là những người đã hướng dẫn, giúp đỡ tôi sưu tầm thêm những món đồ khác. Đi cùng với mỗi món đồ là câu chuyện về công dụng, ý nghĩa và mối duyên sưu tầm... không bao giờ quên được”.

Một góc “kho tàng” dân tộc học của ông Tâm với các nhạc cụ dân tộc được diễn viên trình diễn
Một góc “kho tàng” dân tộc học của ông Tâm với các nhạc cụ dân tộc được diễn viên trình diễn

Bộ sưu tập dân tộc học của ông Đặng Minh Tâm như một “kho tàng cổ vật” đặc sắc, được chia thành nhiều nhóm, như: nhạc cụ, công cụ phục vụ sản xuất và đời sống, dụng cụ săn bắn, văn hoá lễ hội, trang sức, thổ cẩm... Trong đó, nhiều nhất có lẽ là các hiện vật về công cụ sản xuất và đời sống, gồm hàng ngàn món đồ; sử dụng trên nương rẫy như: dao, cuốc, cày, bừa, xà gạt, rìu... bằng sắt; hoặc các món đồ bằng nan tre, gỗ... để đánh bắt hay thu hoạch mùa màng, như: gùi, nong, nia, cối, chày, quả bầu khô, chụp mối, nơm bắt cá, ống bắt lươn, quay sợi, se bông...; đồ gốm nấu bếp, đựng rượu: chum, ché, nồi, ấm...

Trang phục truyền thống thổ cẩm của 17 dân tộc bản địa lớn ở Tây Nguyên đều có mặt trong bộ sưu tập của ông Tâm, với các hoa văn, hoạ tiết, màu sắc riêng của từng dân tộc. Ví dụ, trang phục K’Ho có màu chủ đạo xanh đậm phối các chỉ viền màu sáng (trắng, vàng, đỏ...); trang phục của người Mạ chủ đạo là màu trắng, với hoa văn là các màu sặc sỡ; trang phục của người Êđê lại chủ đạo là màu đen có hoa văn đỏ, xanh, vàng...

Ông Tâm và các nghệ nhân dân tộc ở xã Lát (Lạc Dương)
Ông Tâm và các nghệ nhân dân tộc ở xã Lát (Lạc Dương)

Các loại dụng cụ phục vụ cho việc săn bắn và thuần hóa thú, ông Tâm có từ những chiếc cung, ná (nỏ), lao, giáo, mác... đến các loại bẫy thú rừng. Trong đó, những chiếc nỏ là một loại công cụ săn bắn rất lợi hại được tất cả các dân tộc cư trú tại Tây Nguyên sử dụng rộng rãi. Đặc biệt, trong bộ sưu tập của ông Tâm có bộ dụng cụ săn bắt và thuần hóa voi rừng độc đáo. Đó là cùm chữ V được làm từ 2 cây gỗ có gai được buộc lại bằng dây mây. Khi săn được một con voi, những người thợ săn sẽ tiến hành tra cái cùm này vào cổ chúng. Con voi càng chống trả thì cùm sẽ siết chặt lại khiến những chiếc gai sẽ đâm vào làm con voi đau để chúng ngoan ngoãn nghe lời, nhanh được thuần hóa, và lành tính đi. Ông Tâm còn sưu tầm được một chiếc ghế được làm từ nguyên một bộ xương voi, có thể nói là độc nhất vô nhị tại thời điểm này, là vật dụng trước đây để tôn vinh và chỉ người săn được nhiều voi nhất mới được ngồi...

Những bộ nhạc cụ dân tộc truyền thống Tây Nguyên trong “kho tàng” của ông Tâm - không kể những bộ chiêng, là những bộ đàn đá, cồng đá, đàn Klông Put, đàn Goong, đàn K ní, đàn K ni, đàn Pưng pêt...; cho đến các loại trống, như: trống da voi, trống da trâu, trống da nai, trống da ngựa, trong da bò, trống da dê, trống da trăn; có cả trống đồng Đông Sơn đào tại Tây Nguyên... đến những chiếc khèn, tù và, đàn Tơ rưng... đều được ông Tâm biết cách sử dụng và thành thạo...

Các loại trang sức truyền thống của người Tây Nguyên do ông Tâm sưu tầm được là vòng đeo tay, vòng đeo chân, các chuỗi hạt cườm đeo cổ, nhẫn, hoa tai... Trong đó, chiếc vòng đồng là hiện vật quan trọng, được sử dụng như vật hứa hôn của các đôi trai gái khi nên vợ thành chồng; còn những chiếc vòng căng tai bằng ngà voi được phụ nữ các dân tộc bản địa như Brâu, Êđê, Bana, M’nông... sử dụng để căng lỗ tai từ nhỏ đến to dần...

Thú vị nhất có lẽ là những món đồ về văn hoá tín ngưỡng, nghi thức và lễ hội, như: cồng chiêng, cây nêu, tượng nhà mồ... với những sắc thái huyền bí nhưng mang đậm dấu ấn của núi rừng Tây Nguyên, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, mang giá trị tâm linh và hướng về nguồn cội thông qua các nghi lễ, như: lễ về nhà mới, lễ mừng lúa mới, lễ cầu mưa, lễ cưới hỏi, lễ tang, lễ bỏ mả,... Ông Tâm cũng đang cố gắng chuẩn bị cho việc phục dựng lại lễ bỏ mả với hy vọng có thể thực hiện trong dịp Festival, bởi đây là một lễ hội mang dấu ấn tâm linh và huyền bí bậc nhất, nhưng cũng cầu kỳ, gần gũi, vô cùng ý nghĩa và nhân văn về việc sửa soạn nơi ở mới cho người quá cố...

 

(LĐ online)

Lượt xem: 1.275
Văn bản mới
  • Số 1504-CV/BTGTU 10/01/2025 Tăng cường công tác tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại ...
  • Số 16-CTr/BTGTU 08/01/2025 Chương trình Công tác Tuyên giáo năm 2025
  • Số 36 - NQ/TU 07/01/2025 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - ...
  • Số 208-HD/BTGTU 03/01/2025 Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày ...
  • Số 207-HD/BTGTU 02/01/2025 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 01 năm 2025
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005069841
  •  Đang online: 121
  •  Trong tuần: 31.243
  •  Trong tháng: 62.882
  •  Trong năm: 62.882