Di tích quốc gia đặc biệt khảo cổ Cát Tiên In trang
31/08/2022 08:49 SA

Di tích khảo cổ Cát Tiên là niềm tự hào của các nhà khảo cổ học Việt Nam, do các nhà khoa học Việt Nam phát hiện, khai quật và nghiên cứu. Trung tâm của Di tích này nằm trọn trong bồn địa nhỏ, bao bọc bởi dãy núi hình cánh cung ở phía bắc và dòng sông Đồng Nai phía nam. Theo tìm hiểu, tính đến thời điểm hiện tại Di tích khảo cổ Cát Tiên đã trải qua nhiều cuộc khai quật, xuất lộ một quần thể phế tích kiến trúc gạch và đá trải dài bờ bắc sông Đồng Nai tập trung dày đặc tại thôn 1, xã Quảng Ngãi thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Mỗi cụm kiến trúc gồm: đền thờ, nhà dài, tường bao, tháp cổng và lối vào ở phía đông. Vật liệu chính xây dựng nên kiến trúc chủ yếu là gạch và đá. Các viên gạch liên kết với nhau bằng một loại chất kết dính đặc biệt đến nay vẫn chưa rõ thành phần. Hình dáng của mỗi đền thờ là hình chân chuông tạo nên thế đứng vững trãi cho kiến trúc.

Hiện di tích này có 8 gò, nhưng có lẽ du khách tham quan nhiều nhất là gò 1A nằm trên một ngọn đồi có vị trí cao nhất so với toàn khu di tích. Từ cổng chính đi vào theo hướng đông nam, sau khi đi khoảng 200m sẽ đến cầu thang dẫn đến gò 1A với gần 170 bậc. Gò 1A là nơi thờ tự bộ Ngẫu tượng Linga - Yony, được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại. Linga có kích thước 2,1m. Bệ Yoni, mỗi cạnh dài 2,26m. Vòi của Yoni quay về hướng Bắc. Theo thuyết vũ trũ luận của Ấn Độ thì hướng bắc là phương trấn trị của thần Kubera (thần của cải, tài lộc). Đây là vị thần tài lộc chuyên ban phát của cải cho con người. Dòng nước chảy ra từ vòi Yoni mang ý nghĩa phúc lành và tài lộc mà con người nhận được khi tới đây hành lễ. Chính vì vậy, mà có rất nhiều du khách đã đến đây tham quan và cầu nguyện.

Ngoài gò 1A, du khách còn có thể ghé thăm Nhà trưng bày Di tích khảo cổ Cát Tiên tọa lạc dưới chân đồi thấp và bao quanh là mảng xanh của rừng hỗn hợp. Tại đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng các bộ sưu tập quý, hiếm và mang tính độc bản. Ấn tượng đầu tiên là bộ ngẫu tượng Linga - Yony với nhiều chất liệu và kích thước khác nhau như sa thạch, vàng và trong đó ấn tượng hơn cả là Linga bằng đá thạch anh (đá bán quý) được tạo dáng hình trụ tròn, đáy cắt phẳng, đầu vê tròn. Theo giám định của Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thì Linga có trọng lượng 3,435kg; độ cứng nhóm 7 thuộc nhóm đá bán quý nằm giữa nhóm thạch anh và Topaz, là một trong những hiện vật độc đáo tại di tích khảo cổ Cát Tiên. Ấn tượng sâu sắc nhất trong rất nhiều bộ sưu tập phải kể đến bộ sưu tập hiện vật vàng vô cùng giá trị. Sau khi khai quật các nhà khoa học thu được lượng lớn hiện vật, các hiện vật tiêu biểu này được trưng bày ở hai nơi: Nhà trưng bày Di tích khảo cổ Cát Tiên và tại không gian trưng hiện vật Cát Tiên tại Bảo tàng Lâm Đồng.

Với những giá trị hiện có, di tích khảo cổ Cát Tiên luôn được sự quan tâm của các cấp chính quyền và của các nhà khoa học. Năm 2013, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích khảo cổ Cát Tiên, Dự án đã thực hiện xong các gói đầu tư như: Nhà trưng bày; hạ tầng kỹ thuật đường tham quan dẫn đến các điểm di tích, điện chiếu sáng; cấc hạng mục bảo tồn các phế tích kiến trúc số 2A, 2B, 6A, 6B… Hiện các hạng mục của của dự án đã được đưa vào sử dụng. 

Hiện nay, Di tích khảo cổ Cát Tiên miễn phí vé tham quan cho tất cả các du khách, mở cửa các ngày trong tuần và các ngày lễ tết để đón khách tham quan. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, lượng khách đến với di tích luôn tăng trưởng ổn định. Nhưng từ năm 2019, khi đại dịch bùng phát khách đến với di tích sụt giảm rất nhiều, đến năm 2022 tình hình đã ổn định trở lại; lượng khách tham quan trong năm 2021 đạt trên 2.500 khách.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, phụ trách Di tích Quốc gia đặc biệt khảo cổ Cát Tiên mong muốn sớm được trao đổi, chuyển một số hiện vật ở Bảo tàng Lâm Đồng về nhà trưng bày khảo cổ Cát Tiên để phục vụ khách tham quan. Đồng thời mong muốn chính quyền sớm triển khai đầu tư giai đoạn 2 để bảo tồn, tôn tạo di tích chống xuống cấp… Ngoài ra, vấn đề tuyển thêm biên chế làm việc nhằm phục vụ tốt nhất du khách đến tham quan như đổi mới công tác thuyết minh, cập nhật kiến thức về nền văn hóa độc đáo này và quảng bá giá trị di tích thông qua các nền tảng mạng xã hội cũng cần quan tâm.

Với việc được Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, Khu di tích khảo cổ Cát Tiên sẽ tiếp tục được đầu tư nghiên cứu nhằm làm rõ những điều còn “bí ẩn” nơi đây. Là nơi thu hút đông đảo khách du lịch, sinh viên đến thực tập, tìm hiểu và là “địa chỉ đỏ” của các nhà khoa học, nhằm làm rõ đây là dấu tích của một nền văn hoá ở khu vực miền Đông Nam bộ.

Thu Dung

Lượt xem: 1.160
Văn bản mới
  • Số 198-HD/BTGTU 01/11/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 11 năm 2024
  • Số 1423-CV/BTGTU 28/10/2024 Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024)
  • Số 1415-CV/BTGTU 23/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 ...
  • Số 9743-HD/BTGTW 16/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bô các cấp nhiệm kỳ 2025-2023 ...
  • Số 88-KH/BTGTU 15/10/2024 Kế hoạch điều tra dư luận xã hội “Tình hình triển khai và kết quả ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004117649
  •  Đang online: 175
  •  Trong tuần: 45.460
  •  Trong tháng: 121.109
  •  Trong năm: 1.818.690