Thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc Việt Nam, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng luôn xác định công tác chăm sóc người có công với cách mạng, hi sinh vì tổ quốc không chỉ là trách nhiệm lớn lao mà còn thể hiện tình cảm sâu sắc với những người đã cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phút tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng đều có Nghĩa trang và nơi tượng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh cho Tổ quốc, thực hiện tốt việc chăm sóc, quản lý, di dời mộ đúng quy định; tổ chức tốt việc viếng Nghĩa trang liệt sĩ nhân các ngày lễ lớn như: Tết cổ truyền dân tộc, ngày 30/4, 27/7, 2/9, 22/12; tổ chức đêm thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ ở các Nghĩa trang liệt sĩ vào đêm 27/7; tổ chức đêm “Hoa hồng đồng đội” vào đêm 22/12; triển khai thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho thân nhân lập thủ tục di dời hài cốt liệt sĩ về quê an táng…
Lâm Đồng hiện nay có trên 40 nghìn đối tượng người có công cách mạng, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công theo quy định tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH 14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIX về ưu đãi người có công với cách mạng: Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH ngày 20/10/2012 về sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa VIII; Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm chỉ đạo kịp thời, làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công cách mạng, đến nay 100% đối tượng người có công có mức sống từ trung bình trở lên so với địa bàn cư trú, 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công cách mạng. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa được trên 3.3 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa 1.003 căn nhà tình nghĩa. Thường xuyên chỉ đạo Trung tâm Điều dưỡng người có công, tổ chức điều dưỡng cho đối tượng người có công trong và ngoài tỉnh đạt kết quả tốt. Xác minh lập hồ sơ truy tặng danh hiệu cho 39 bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Trong đó hoạt động tuyên truyền, phổ biến truyền thống các Anh hùng, Liệt sĩ, công tác đền ơn đáp nghĩa đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác chăm sóc người có công với cách mạng, nơi an nghỉ của các anh hùng, liệt sĩ, làm khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm tăng thêm lòng tin trong Nhân dân và đối tượng chính sách đối với Đảng, Nhà nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây”. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta... Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hi sinh dũng cảm của các liệt sĩ cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ để vượt tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta.
Ngày 16/2/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.
Để Nhân dân cả nước có dịp bày tỏ lòng biết ơn tới các thương binh và gia đình liệt sĩ, tháng 6/1947, từ Phủ Chủ tịch ở “Thủ đô gió ngàn” (đồi Khau Tý, ATK Định Hóa), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” toàn quốc.
Ban Vận động tổ chức “Ngày Thương binh” họp vào khoảng 7 giờ tối một ngày đầu tháng 7/1947, khoảng 20 người trong Ban họp tại Phú Minh, xã Phú Thịnh (Đại Từ) do đồng chí Lê Tất Đắc, Cục phó Cục Chính trị chủ trì, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7 làm “Ngày Thương binh” toàn quốc.
Đất nước đã lùi xa chiến tranh thế nhưng hiện tại vẫn có những người lính, người chiến sỹ Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, … khi lên đường nhận nhiệm vụ, họ đã ra đi mãi mãi chẳng trở về. Để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ đồng bào, máu và tính mạng của những người lính Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân,… lại tiếp tục đổ xuống và hi sinh với hàng trăm liệt sĩ, hàng nghìn thương binh.
Ngày 27/7 hằng năm, Ngày Thương binh - Liệt sĩ Việt Nam là dịp để toàn dân cả nước ôn lại những câu chuyện phi thường, dũng cảm của những chiến sĩ tử trận, bồi dưỡng truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của các thương binh, liệt sĩ và người có công. Cũng là dịp để mỗi người Việt Nam được sống trong hòa bình tri ân hàng triệu con người đã hi sinh, đã để lại nơi chiến trường một phần xương máu và một phần cuộc sống của mình vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc, bình yên của Nhân dân.
Năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022); đẩy mạnh phong trào thi đua “đền ơn đáp nghĩa” với các hình thức phong phú thiết thực; vận động xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” các cấp; tổ chức Hội nghị gặp mặt đại biểu người có công tiêu biểu và các xã phường làm tốt công tác Thương binh – Liệt sĩ; thăm, tặng quà cho người có công tiêu biểu; chăm sóc tôn tạo cảnh quan nghĩa trang Liệt sĩ; Tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ và thắp nến tri ân,...
Hoàng Khôi