''Các đại biểu Quốc hội là nhà khoa học đóng vai trò rất quan trọng'' In trang
14/06/2022 10:31 SA

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các nhà khoa học là đại biểu Quốc hội cần quan tâm, đóng góp ý tưởng, sáng kiến của mình với Quốc hội, Chính phủ nhiều hơn nữa để xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đại diện cho các đại biểu Quốc hội khoá XV là nhà khoa học tặng hoa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đại diện cho các đại biểu Quốc hội khoá XV là nhà khoa học tặng hoa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 13/6, tại Nhà Quốc hội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt các đại biểu Quốc hội khóa XV là nhà khoa học.

Tham dự cuộc gặp mặt có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải…

Đại diện các đại biểu Quốc hội là nhà khoa học, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phát biểu nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất coi trọng vai trò của khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục phát huy vai trò cầu nối của VUSTA.

Nhấn mạnh trong bối cảnh khoa học và công nghệ trên thế giới đang ở tầm cao chưa từng có, Tiến sỹ Phan Xuân Dũng cho rằng chúng ta cần nhận thức sâu sắc, làm rõ về mặt lý luận khoa học và công nghệ, trong đó có khái niệm về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Trước đây, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học xã hội độc lập với nhau, tách bạch môi trường thực và môi trường ảo.

Hiện nay, tất cả hòa quyện với nhau tạo nên hệ sinh thái mới, theo đó hệ thống pháp luật rất cần có sự gắn kết, giao thoa, đan xen giữa các ngành, các lĩnh vực với nhau, không chỉ phụ thuộc vào nhau mà còn hỗ trợ, bổ trợ cho nhau, có tính đồng bộ trong hệ thống quản lý...

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đến nay và gần đây là tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã định hướng và chỉ đạo hết sức đúng đắn về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

“Chúng ta phải tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học, công nghệ cùng với giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế,” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cho biết để thực hiện chủ trương này, với vai trò là cơ quan lập pháp, nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội là tiếp tục hoàn thiện, đổi mới thể chế một cách mạnh mẽ, đồng bộ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo phát triển.

Hiện nay, khoa học và công nghệ thế giới đang phát triển hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi nhận thức, tư duy phát triển, phương thức sản xuất của nhiều quốc gia. Trong quá trình đó, nhiều cơ hội cũng đang mở ra đối với Việt Nam.

Thời gian vừa qua, các nhà khoa học nước nhà nói chung và các nhà khoa học là đại biểu Quốc hội nói riêng đã có rất nhiều đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.

Về mặt thể chế, các nhà khoa học là đại biểu Quốc hội đã cùng với Quốc hội tích cực đóng góp vào việc từng bước hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ.

Tại Kỳ họp thứ 3 này, Quốc hội đang thảo luận và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Các nhà khoa học, nhất là ở các trường đại học, viện nghiên cứu đang mong chờ đạo luật này khi được thông qua sẽ có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ việc thương mại hoá các kết quả nghiên cứu do Nhà nước đầu tư, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, bên cạnh những thuận lợi thì cũng còn không ít khó khăn. Qua ý kiến trao đổi của các đại biểu tại cuộc gặp mặt chúng ta nhận thấy vẫn còn nhiều thách thức trong ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong khoa học và công nghệ còn thiếu; việc huy động nguồn lực xã hội cho khoa học và công nghệ còn khiêm tốn; đời sống của các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn; việc triển khai, quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn có những sai sót; hiệu quả đầu tư cho khoa học và công nghệ chưa cao; thể chế khuyến khích sự ra đời và phát triển của những sản phẩm đổi mới, sáng tạo, mô hình kinh doanh mới chưa được ban hành kịp thời...

Để vượt qua những khó khăn, thách thức này, theo Chủ tịch Quốc hội, vai trò của các đại biểu Quốc hội vừa là nhà khoa học vừa là nhà lập pháp, có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Nhấn mạnh những quyết sách đều dựa trên cơ sở luận chứng khoa học, bản thân các hoạt động của Quốc hội đều dựa trên yêu cầu và bảo đảm về tính khoa học, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong Khóa XV, Quốc hội tiếp tục phát huy những kinh nghiệm của những khóa trước; lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định về sử dụng các chuyên gia, nhà khoa học trong tư vấn, quy định cơ chế tài chính để tăng cường sử dụng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu trong thời gian tới tiếp tục có những đóng góp mạnh mẽ vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của nước nhà, trong đó cần tập trung vào một số trọng tâm.

Theo đó, mỗi cá nhân các nhà khoa học cần tiếp tục phát huy tối đa khả năng của mình để cống hiến vào sự phát triển của nền khoa học và công nghệ nước nhà.

Trong thời điểm hiện nay, có rất nhiều vấn đề, nội dung mới, cấp thiết đang đặt ra đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, rất cần có nghiên cứu, luận giải kịp thời của các nhà khoa học như việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam; việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nghiên cứu, làm rõ về việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề phát triển nền kinh tế số, xã hội số; kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng, già hóa dân số.

Các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học là đại biểu Quốc hội cần quan tâm, đóng góp ý tưởng, sáng kiến của mình với Quốc hội, Chính phủ nhiều hơn nữa để xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Trong định hướng lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã được thông qua vào đầu nhiệm kỳ này có rất nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng liên quan đến khoa học và công nghệ như Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Giao dịch điện tử; Luật Công nghệ thông tin, quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Đây là những nhiệm vụ lập pháp có tính chuyên môn sâu, phải được soạn thảo và ban hành trên cơ sở những lập luận khoa học, tri thức chuyên ngành để phát huy tối đa tiềm lực của nền khoa học và công nghệ nước nhà, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh với vai trò là những người trực tiếp tham gia các hoạt động khoa học, vừa trực tiếp là người tham gia xây dựng thể chế, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến để hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm phát triển mạnh mẽ đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam; khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà khoa học Việt Nam phát huy sáng tạo, tài năng, trí tuệ của mình đóng góp cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ nước nhà.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội không chỉ hoàn thiện thể chế và giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ mà còn quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội của đất nước.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu Quốc hội là các nhà khoa học sẽ tiếp tục phát huy vai trò, tích cực tham gia để góp phần nâng cao hơn nữa hàm lượng khoa học trong các quyết sách của Quốc hội.

Quốc hội tạo thể chế cho sự phát triển khoa học và công nghệ, đồng thời bản thân Quốc hội cũng phải đổi mới để hoạt động khoa học hơn, hiệu quả hơn.

Để thực hiện được điều đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội là các nhà khoa học cần quan tâm hơn nữa, góp phần tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội mà trước hết là gia tăng tính khoa học trong việc thực hiện các chức năng của Quốc hội, thúc đẩy việc xây dựng, vận hành Quốc hội điện tử, Quốc hội số.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu Quốc hội là nhà khoa học dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, bằng trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, bằng trí tuệ, năng lực và kinh nghiệm của nhà khoa học, bằng ý chí, nghị lực khắc phục khó khăn của người Việt Nam, các đại biểu sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của nền khoa học và công nghệ nước nhà.

Tại Kỳ họp thứ 3 này, Quốc hội đang xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có những nội dung có hàm lượng khoa học, trí tuệ rất cao, đòi hỏi sự tham gia tích cực, sâu sắc của tập thể các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ hy vọng các đại biểu Quốc hội là nhà khoa học sẽ có những đóng góp thiết thực và ngày càng hiệu quả hơn nữa góp phần tạo nên thành công của Kỳ họp thứ 3, cũng như thành công của Quốc hội khóa XV.

 

(Theo Vietnam+)

Lượt xem: 656
Văn bản mới
  • Số 1504-CV/BTGTU 10/01/2025 Tăng cường công tác tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại ...
  • Số 16-CTr/BTGTU 08/01/2025 Chương trình Công tác Tuyên giáo năm 2025
  • Số 36 - NQ/TU 07/01/2025 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - ...
  • Số 208-HD/BTGTU 03/01/2025 Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày ...
  • Số 207-HD/BTGTU 02/01/2025 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 01 năm 2025
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005067577
  •  Đang online: 127
  •  Trong tuần: 28.979
  •  Trong tháng: 60.618
  •  Trong năm: 60.618