Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, năm 2003 anh Ngô Văn Khởi quê Hải Phòng về nhận công tác tại trường Trung học Cơ sở Phước Cát 2, xã Phước Cát, huyện Cát Tiên.
Anh Khởi (áo trắng) trao đổi về cách chăn nuôi bò của gia đình với lãnh đạo Hội Nông dân huyện Cát Tiên.
Mặc dù công việc giảng dạy của một giáo viên đã chiếm phần lớn thời gian nhưng với đức tính cần cù, chịu khó, anh luôn trăn trở tìm cách phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.
Trên cương vị là giáo viên, anh Khởi luôn tận tâm với nghề, hết lòng chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”; tham gia tích cực các phong trào “Dạy tốt học tốt”; “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”; “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng trường “Xanh-sạch-đẹp”; luôn phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong giảng dạy; thường xuyên học tập, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhiều năm liền, anh được nhà trường đánh giá là giáo viên dạy giỏi, hết lòng vì học sinh.
Không chỉ là một giáo viên tâm huyết với nghề, với tư cách là hội viên Hội Nông dân xã Phước Cát, huyện Cát Tiên, anh Khởi đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Nhận thấy gia đình có 4 nhân khẩu, 2 con còn nhỏ, chi phí sinh hoạt hàng ngày cùng tiền đóng học cho con vượt quá mức lương công chức của hai vợ chồng khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2009, Anh đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng, cộng với vay mượn người thân trong gia đình với số tiền 200 triệu đồng để phát triển trang trại chăn nuôi (gà, heo, heo rừng, dúi). Lúc khởi nghiệp, do khó khăn về vốn, thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi nên mô hình kinh tế của gia đình anh chưa mang lại hiệu quả.
Không nản chí, cộng với sở thích chăn nuôi, qua tìm hiểu, anh Khởi nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bò của một số địa phương nên quyết định nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi trên sách báo và internet, đi học tập các mô hình chăn nuôi ở trên địa bàn huyện và các vùng lân cận. Cuối cùng, Anh đã chọn mô hình nuôi bò sinh sản để phát triển kinh tế gia đình, đầu tư xây dựng chuồng trại theo đúng kỹ thuật.
Ban đầu, anh Khởi mua 05 con bò Brahman (cả bò đực giống và bò cái sinh sản) giống Ấn Độ tại Đồng Nai với số tiền 200 triệu đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí. Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình chăn nuôi bò sinh sản có chuồng nuôi nhốt đảm bảo vệ sinh đã hạn chế được các loại bệnh thông thường, quản lý được tổng đàn, con bê đẻ ra dễ chăm sóc. Đồng thời, áp dụng khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi như hun khói để xua đuổi ruồi muỗi, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát và luôn theo dõi sức khỏe, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ nên đàn bò của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh. Nhờ vậy, sau 6 năm, đàn bò sinh sản của gia đình anh đã lên đến 36 con với tổng giá trị khoảng 1 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm, anh xuất chuồng 6 con bò thịt, với giá khoảng 50 triệu đồng/con. Sau khi trừ các khoản chi phí, anh thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm từ chăn nuôi bò sinh sản.
Anh Khởi chia sẻ: “Bò Brahman là giống bò cao sản nuôi không khó bởi có sức đề kháng cao, phàm ăn nên sản lượng thịt rất cao, bò tăng trưởng nhanh. Quan trọng là quá trình chăn nuôi cần tiêm đủ hai loại vắcxin phòng bệnh là lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Chuồng trại không cần cầu kỳ quá nhưng phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông... Giống bò này nuôi 8 - 9 tháng tuổi là bắt đầu vỗ béo. Sau 1,5 năm, trọng lượng của bò có thể lên tới 700kg. Ngoài ra, tận dụng nguồn phân bò để xử lý làm phân vi sinh cung cấp cho việc trồng cỏ voi của gia đình và bà con trong xã”.
Để phục vụ thức ăn cho đàn bò, ngoài việc trồng 1,5ha cỏ voi, anh Khởi còn sử dụng thức ăn hỗn hợp để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bò trong từng giai đoạn phát triển. Tùy theo trọng lượng của bò mà anh cho ăn số kg thức ăn tương ứng bằng 1/7 trọng lượng của bò sinh sản. Trong đó, 20% là thức ăn khô, 10% là thức ăn tinh, 70% là thức ăn thô xanh. Đối với bò con, anh cho cai sữa sớm, để tăng năng suất bò sinh sản trong năm.
Theo anh Khởi, để có được kết quả như hiện nay, bản thân anh và gia đình đã tích cực hưởng ứng phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp, khai thác được lợi thế của địa phương và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của người dân, tham gia chuyên đề thi đua "Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi" do địa phương phát động. Thường xuyên tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do ngành Nông nghiệp tổ chức. Bản thân anh cũng tự nghiên cứu, tìm kiếm thông tin hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp trên báo, đài và đi tham quan các mô hình mới, cách làm hay trong và ngoài huyện để về áp dụng vào quá trình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi của gia đình.
“Thành công bước đầu từ mô hình chăn nuôi bò sinh sản, anh Khởi là một trong những tấm gương sáng về phát triển kinh tế trên địa bàn xã Phước Cát. Thành tích của anh Khởi không chỉ dừng lại ở sự tự nỗ lực phát triển mô hình kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng mà còn tạo sự lan tỏa tích cực tới bà con Nhân dân, giúp đỡ, hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình trong xã cùng phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần từng bước đổi thay đời sống kinh tế của người dân trong xã, cùng chung sức, đồng lòng góp phần tích cực vào xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”, anh Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết.
Vừa giỏi trong giảng dạy, vừa giỏi trong phát triển kinh tế gia đình, tấm gương cần cù, chịu khó vươn lên của anh Ngô Văn Khởi thật đáng trân trọng.
Thuý Ngà