Tự do báo chí trong thời kỳ hội nhập In trang
06/05/2022 04:16 CH

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề tự do báo chí, điều này được thể hiện xuyên suốt trong những bài báo cũng như cả cuộc đời làm báo của Người. Bản thân quyền tự do báo chí là một trong những quyền tự do cơ bản của nhân dân cần được củng cố và phát huy. Trong lời kêu gọi của Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930, Đảng ta cũng đã nhấn mạnh một trong những mục tiêu quan trọng nhất của cuộc cách mạng là chủ trương “Đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân”, trong đó có quyền tự do báo chí. Những giá trị về tư tưởng tự do báo chí mà Người để lại vẫn còn nguyên giá trị và cũng cần có sự thay đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, thể hiện ở sáu nhóm vấn đề sau:

Gặp mặt tỏa đàm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
Gặp mặt tỏa đàm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Thứ nhất, nhận thức mới về tự do báo chí

Với việc đất nước bước vào thời đại bùng nổ thông tin, hàng loạt phương tiện truyền thông, mạng xã hội ra đời, nhiều nguồn thông tin được tạo ra và lan truyền với tốc độ khủng khiếp đã mang đến khá nhiều bất lợi cho nền báo chí, khi mà sự cạnh tranh về tốc độ, phương thức chuyển tải thông tin ngày càng gia tăng… Thông tin và mạng xã hội ngày càng trở nên dày đặc, rất khó để Nhà nước và độc giả có thể kiểm soát được tính đúng-sai, thật-giả, tốt-xấu… Trong khi đó, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để bóp méo, xuyên tạc, vu khống chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực, đồng thời phủ nhận những thành tựu mà đất nước đã đạt được và được quốc tế thừa nhận. Tuy vậy, chính trong hoàn cảnh ấy, vai trò của báo chí lại càng quan trọng hơn trước nhiệm vụ định hướng thông tin cho dư luận bằng cách chuyển tải những thông tin chính xác, có ích, phục vụ cho lợi ích của số đông và thông tin đến người dân về những chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng… Để vạch trần những thông tin độc hại, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động có mục tiêu chống phá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bôi nhọ những lãnh đạo hiện nay và trong quá khứ của dân tộc, ngành báo chí cần có những sự tăng cường mạnh mẽ về chất lượng và cường độ hoạt động của mình. Điều tiên quyết, là cần tìm ra cách thức chuyển tải, phản ánh đúng sự thật khách quan về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới nhân dân. Mặt khác, báo chí cần tạo ra sự gần gũi, sâu sát tới đời sống của đông đảo người dân, khi đó mới tạo ra sức lay động và lan tỏa quần chúng, việc định hướng dư luận cũng mới hiệu quả, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng mới từ đó được củng cố.

Báo chí trong thời đại này cũng phải tạo được sự đồng thuận trong lòng dân, tạo ra năng lượng mới để bảo vệ đất nước trong tình hình mới và phải tránh việc đưa tin một cách vội vã, không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, tránh trường hợp bị mạng xã hội dẫn dắt… Muốn giúp cho nhân dân có được sự hiểu biết và nhận thức đúng đắn để tránh được những luận điệu tiêu xuyên tạc, bôi nhọ của thế lực thù địch thì báo chí trước hết phải thực sự xứng đáng trở thành tiếng nói của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, hoạt động trên tiêu chí chuẩn xác, khách quan, chân thật, trên tinh thần phục vụ nhân dân. Thông tin mà báo chí đưa ra phải là những thứ có lợi cho cái chung, cho sự nghiệp cao cả của dân tộc, chứ không phải là những thông tin bị bóp mép, sai lệch để phục vụ cho một nhóm lợi ích nhỏ, những thông tin đó cũng phải đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu, tâm lý của người dân, từ đó mới có quy tụ và thống nhất về tư tưởng và hành động của cộng đồng, mang lại lợi ích chính đáng cho mỗi người.Tự do báo chí không phải là tự do nói và viết theo ý mình, mà phải hướng đến việc phản ánh đời sống xã hội, các tác phẩm ra đời phải có sự giàu có về chất liệu xã hội, căn cứ xã hội.

Thứ hai, kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc và lợi dụng tự do báo chí

Khi quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng và hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc vào đất nước ta, thì những âm mưu phá hoại Đảng và Nhà nước ta của các thế lực thù địch thường xuyên xuất hiện dưới lớp ngụy trang mới, nguy hiểm và khó nhận dạng hơn. Một trong số đó là việc các thế lực thù địch sử dụng trực tiếp các chiêu bài như “tự do báo chí” để làm vũ khí đánh trực tiếp vào mặt trận tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta, tạo ra một lập luận “tự do báo chí mù mờ” nhằm xuyên tạc đến tính chính đáng trong sự lãnh đạo toàn dân tộc của Đảng ta. Sự thật là, những thế lực kia đã cố tình đánh tráo khái niệm về “tự do báo chí” bằng cách cố gắng định nghĩa “tự do báo chí” theo hướng là sự thoát ly khỏi mọi hạn chế, mọi sự cấm đoán đối với báo chí - đây hoàn toàn là luận điệu sai lầm và không có căn cứ.

Thâm độc hơn, có những phần tử lại lợi dụng yếu tố tự do ngôn luận mà Đảng ta luôn coi trọng, nhằm kích động, kêu gọi bạo động, làm mất trật tự, ổn định trong nước để trục lợi, tiếp đó là vu khống, bịa đặt trắng trợn về những vấn đề tự do ngôn luận và nhân quyền ở Việt Nam, gây hoang mang dư luận. Khi mà Luật An ninh mạng ra đời (năm 2018) nhằm bảo đảm tự do cho người này nhưng không làm phương hại đến người khác, thì các thế lực thù địch lại rêu rao rằng luật này chống lại loài người và chống lại các giá trị dân chủ... Điều này rõ ràng thể hiện ý đồ bêu xấu Đảng và Nhà nước ta, vì chính các thế lực thù địch không tự hiểu rằng: Luật pháp không phải là những biện pháp để chống lại tự do, mà là để đưa ra những tiêu chuẩn chung nhằm giữ gìn sự an toàn, giá trị, lợi ích không thể xâm phạm của mỗi người. Để đánh tan những luận điệu giả dối, bôi nhọ hình ảnh của Đảng và Nhà nước, cách làm tốt nhất mà ngành báo chí có thể thực hiện chính là công bố những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, được cộng đồng thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Đồng thời, phải luôn khẳng định rằng, tự do trong thời đại mới cũng phải được hiểu là không phát ngôn vô lối, xuyên tạc, kích động gây rối, có những hành vi đáng lên án và trừng phạt khác. Tự do báo chí là biểu hiện của trình độ nhận thức và khả năng tự chủ của bản thân, chứ không phải là khả năng “muốn làm gì thì làm” của bất cứ cá nhân nào, và thước đo đích thực của tự do báo chí chính là những hoạt động đúng đắn, đi đúng với lợi ích của quốc gia, dân tộc.

 Thứ ba, tiếp tục nâng cao năng lực và tính chiến đấu của báo chí

Khi có những mưu đồ sử dụng giá trị tự do báo chí để thực hiện việc xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh của Đảng, Nhà nước, thì báo chí Việt Nam cũng phải luôn chuẩn bị tinh thần sẵn sàng xông pha, chiến đấu. Để làm được điều đó, trước hết, cần phải không ngừng nâng cao chất lượng nội dung bài viết, vì mỗi bài báo được viết ra đều sẽ có những tác động nhất định đến dư luận trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, người làm báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tri thức phong phú, nhận thức đầy đủ và đúng đắn, có tinh thần trách nhiệm, cẩn thận cả về nội dung và hình thức khi thực hiện quá trình làm báo. Bởi vì, chỉ một sự cẩu thả thôi cũng có thể làm tổn hại đến lợi ích, đến hình ảnh của quốc gia, dân tộc. Khi mà trình độ người dân ngày càng được nâng cao, thì báo chí cũng phải tự chuyển mình lên một tầng tri thức mới, mẫu mực về mọi mặt để phản ánh nhanh chóng, kịp thời những vấn đề của đất nước, đồng thời luôn trong trạng thái sẵn sàng bẻ cong mọi luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực phản động, chống nhà nước, chống lại lợi ích của nhân dân.

Thứ tứ, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với báo chí

Một nền báo chí được xem là có tự do khi nền báo chí ấy có thể làm tốt những sứ mệnh cao cả đó là: phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 1/8/2007 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới  cũng đã nhấn mạnh: “Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí”. Khi báo chí được dẫn dắt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì hoạt động báo chí mới có thể đảm bảo được tính cách mạng, dân chủ, khoa học, nhân văn, phục vụ đại đa số nhân dân, đất nước. Để thể hiện vai trò lịch sử của mình, nhất là trong thời đại mà âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa đang diễn ra ngày càng phức tạp, báo chí phải trở thành lực lượng tiên phong và chủ chốt trong sự nghiệp đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để giữ vững mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội. Đảng và Nhà nước ta luôn đảm bảo quyền tự do báo chí nhưng phải dựa trên cơ sở của những thông tin chính xác, trung thực; phù hợp với mục tiêu phát triển chung của đất nước, cộng đồng, dân tộc, đồng thời phù hợp với văn hóa, truyền thống, lịch sử của nước nhà… nhưng trên tất cả thì phải nằm trong khuôn khổ pháp luật.

Thứ năm, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng của báo chí

Một nền báo chí được tự do là một nền báo chí được phản ánh đời sống xã hội, một nhà báo tự do là người được viết về bản chất của cuộc sống ở mỗi thời kỳ lịch sử, là người có nhận thức đầy đủ về các hiện tượng đang xảy ra xung quanh đời sống xã hội và nỗ lực tìm ra các phương pháp để giải quyết các hiện tượng đó. Báo chí hiện nay là phải tìm tòi, phân tích để mang lại sự nhận thức và phản ánh đúng hình ảnh của đời sống xã hội, gắn bó sâu sắc với xã hội, nhân dân. Thời đại chúng ta là thời kỳ xây dựng đất nước lên xã hội chủ nghĩa, thì báo chí phải góp phần phục vụ cho mục tiêu lý tưởng chung của chủ nghĩa cộng sản, khi đấy thì chính sự tự do của báo chí mới đạt đến những giá trị cao đẹp, đúng đắn nhất. Khi báo chí sử dụng được sự tự do của mình để làm tốt việc bày tỏ và giải thích những vấn đề quan trọng, đồng thời thuyết phục được người nghe để họ có thể trở thành những cá nhân có đóng góp tích cực vào việc giải quyết những vấn đề của xã hội, đất nước và dân tộc, thì khi đó báo chí đã hoàn thành sứ mệnh mà thời đại giao cho mình.

Thứ sáu, nền báo chí Việt Nam phải tiến hành quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, tức là quán triệt ý thức trách nhiệm chính trị xã hội của báo chí. Khi đã có nhận thức ngang tầm nhiệm vụ thiêng liêng của nghề báo, cũng là khi mỗi nhà báo đạt đến được sự tự do đúng nghĩa nhất, sự tự do thoát ly khỏi những tính toán vụ lợi, ích kỷ, thoát khỏi những ảnh hưởng từ nhiều phía, để tạo ra một nhân cách cao đẹp, sẵn sàng cống hiến toàn tâm, toàn lực cho sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Lê Vân

 

 

 

 

 

Lượt xem: 2.186
Văn bản mới
  • Số 1504-CV/BTGTU 10/01/2025 Tăng cường công tác tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại ...
  • Số 16-CTr/BTGTU 08/01/2025 Chương trình Công tác Tuyên giáo năm 2025
  • Số 36 - NQ/TU 07/01/2025 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - ...
  • Số 208-HD/BTGTU 03/01/2025 Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày ...
  • Số 207-HD/BTGTU 02/01/2025 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 01 năm 2025
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005067400
  •  Đang online: 113
  •  Trong tuần: 28.802
  •  Trong tháng: 60.441
  •  Trong năm: 60.441