Bàn về văn hóa chính trị In trang
31/03/2022 04:51 CH

Là một bộ phận, một biểu hiện đặc biệt của văn hóa nhân loại và văn hóa quốc gia - dân tộc, văn hóa chính trị ngày càng có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người.

Văn hóa chính trị còn là sự thấu hiểu văn hóa dân tộc và các nền văn hóa của nhân loại (Trong ảnh: Tại đền Ngọc Sơn, thầy đồ viết câu đối chúc mừng năm mới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân)_Ảnh: TTXVN
Văn hóa chính trị còn là sự thấu hiểu văn hóa dân tộc và các nền văn hóa của nhân loại (Trong ảnh: Tại đền Ngọc Sơn, thầy đồ viết câu đối chúc mừng năm mới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân)_Ảnh: TTXVN

Văn hóa của một dân tộc không chỉ phản ánh tâm hồn, khí phách, bản lĩnh, bản sắc, truyền thống lịch sử, mà còn thể hiện sức sống mãnh liệt, sức sáng tạo to lớn, sức đề kháng mạnh mẽ được tích lũy lại qua hàng ngàn năm mở nước - dựng nước - giữ nước của dân tộc. Đó cũng là lý do vì sao trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, các thế lực phương Bắc trong nhiều lần đưa quân xâm lược nước ta đều tìm mọi “mưu ma chước quỷ” hòng quyết tâm xóa sạch các giá trị văn hóa của dân tộc ta. Điển hình nhất là vào thế kỷ XV, trong Chỉ dụ gửi Chu Năng và Trương Phụ ngày 21/8/1406, Minh Thành Tổ(1) viết: “Một khi binh lính đã vào nước Nam... thì hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến các loại ca lý dân gian, các sách dạy trẻ nhỏ... một mảnh một chữ phải đốt hết. Khắp trong nước... các bia do An Nam dựng thì phải phá hủy tất cả, một chữ chớ để sót lại”(2).

Cho đến nay, các nhà văn hóa và các nhà nghiên cứu văn hóa trên khắp thế giới và của nước ta đã đưa ra hàng trăm định nghĩa khác nhau về văn hóa. Về phần mình, chúng tôi hiểu “văn hóa chính là trình độ phát triển lịch sử của xã hội và của con người biểu hiện trong các kiểu, trong các cách thức tổ chức đời sống và hành động của con người, cũng như trong tổ hợp các giá trị vật chất, các giá trị tinh thần cùng các chuẩn mực hành vi do con người sáng tạo ra để điều chỉnh hành vi con người và được tích lũy lại, được làm phong phú thêm trong quá trình con người tương tác với thiên nhiên và trong quan hệ với nhau trong xã hội”(3).

Là một bộ phận, một biểu hiện đặc biệt của văn hóa nhân loại và văn hóa của quốc gia - dân tộc, văn hóa chính trị ngày càng có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người.

Khái niệm văn hóa chính trị có thể được hiểu theo những nghĩa rộng hoặc nghĩa hẹp khác nhau, song không thể thiếu những yếu tố tiêu biểu, cốt lõi làm nên nội hàm của nó. Trong số các yếu tố cốt lõi ấy có tri thức chính trị, ý thức chính trị, niềm tin chính trị, tình cảm chính trị, kinh nghiệm chính trị và năng lực hành động chính trị. Các yếu tố tiêu biểu và cốt lõi này gắn bó rất chặt chẽ với nhau, bổ sung lẫn cho nhau tạo thành phẩm chất, nhân cách, thúc đẩy sự tu dưỡng bản thân và năng lực chính trị của một cá nhân, một tổ chức, một đảng phái chính trị; đồng thời, chúng cũng góp phần để giúp một cá nhân hay một tổ chức hiện thực hóa các mục đích chính trị của mình.

Lịch sử xã hội loài người cho thấy, những người làm chính trị tài ba hoặc những lãnh tụ chính trị xuất chúng đều là những người có văn hóa chính trị cao, trong đó nổi bật là tri thức chính trị. Nói khác đi là những người có đầu óc quyết đoán mạnh mẽ, am hiểu sâu sắc nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, văn hóa, nghệ thuật quân sự đến địa - chính trị, nhất là năng lực tổ chức, quản trị, lãnh đạo, điều hành và có uy tín với những người xung quanh. Về điều này, V.I.Lênin từng nhấn mạnh: “Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiên phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”(4).

Ngày nay, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các mặt hoạt động quan trọng của thế giới. Tuy nhiên, trong chính bản thân các hoạt động đó lại chất chứa đầy những mâu thuẫn, “bất định”, “bất ổn”, “khó lường”. “Sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng cũng sẽ diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn”(5). Chủ nghĩa cường quyền, sự áp đặt của các nước lớn, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi, các tôn giáo cực đoan, sự kỳ thị dân tộc, chủ nghĩa dân túy và cả tư tưởng phát xít cũ và mới đã và đang trỗi dậy với các mức độ khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, sự hội nhập quốc tế tuy sâu rộng nhưng các nước đang phát triển hoặc kém phát triển còn gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức và cạnh tranh gay gắt về các mặt như chiến lược, thương mại, khoa học, công nghệ, quân sự...

2
2

Trong bối cảnh phức tạp như vậy, nếu lãnh đạo không hội đủ tri thức chính trị, nghĩa là thiếu tầm nhìn xa, không hiểu biết sâu sắc và thiếu sự nhạy bén mang tầm chiến lược thì rất dễ rơi vào tình thế bị động, không tiên liệu được những hệ lụy từ những “biến cố chính trị” trên thế giới. Theo đó, để giảm bớt và khắc phục tối đa những bất lợi, đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược của chúng ta phải có tầm hiểu biết không chỉ đủ rộng, đủ sâu mà còn cần kịp thời về tình hình chính trị - xã hội, trong đó có văn hóa địa - chính trị thế giới, từ đó xác định “đúng và trúng” những nguy cơ, thách thức đặt ra với Việt Nam.

Một trong những thành tố quan trọng thứ hai của văn hóa chính trị là ý thức chính trị. Đây chính là các quan điểm về con đường đi và bản chất của chế độ xã hội; về quan hệ giữa các giai cấp trong xã hội; về vấn đề nhà nước, hệ thống chính trị và các đảng phái trong một xã hội. Ý thức chính trị của một xã hội bao gồm ý thức chính trị thường ngày và ý thức chính trị lý luận.

Mặc dù chưa phản ánh sâu sắc các quan hệ giai cấp và lợi ích giai cấp trong xã hội, song ý thức chính trị thường ngày ít nhiều vẫn có khả năng làm tăng thêm vốn hiểu biết, kinh nghiệm văn hóa chính trị. Đối với đội ngũ cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, ý thức chính trị nhất định phải ở trình độ lý luận; không được “ngả nghiêng” “mơ hồ”, “dao động”, “thiếu niềm tin”; phải giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự vận động và phát triển của xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phải “nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: Giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ...”(6).

Nói đến văn hóa chính trị còn phải nói đến niềm tin chính trị - yếu tố quan trọng trong hoạt động chính trị. Nếu niềm tin là sự trải nghiệm, sự cảm nhận và quan trọng nhất là kết quả của quá trình nhận thức, đúc kết thực tiễn của con người về xã hội và thế giới xung quanh, đồng thời cũng là sự tự nhận thức, tự ý thức về chính bản thân mình, thì niềm tin chính trị là yếu tố giúp cho con người vững vàng trong mọi tình huống - dù thuận lợi hay khó khăn. Niềm tin chính trị là nhân tố cốt lõi, quyết định sự ổn định, vững vàng về tư tưởng chính trị của một con người.

Trong niềm tin chính trị còn bao hàm cả tình cảm chính trị. Những người làm chính trị mà thiếu tình cảm chính trị thì sức mạnh, động lực để hành động thực thi mục đích sẽ suy giảm đáng kể.

Lịch sử xã hội loài người đã chứng minh, khi văn hóa đạo đức, đặc biệt là văn hóa chính trị mang bản chất tiến bộ sẽ góp phần quyết định và ngày càng củng cố sự bền vững của chế độ, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Trái lại, nếu văn hóa chính trị suy đồi sẽ dẫn đến kìm hãm sự phát triển của xã hội, thậm chí là nguyên nhân “xóa sổ” một chế độ xã hội, một vương triều, một đất nước.

Thời nào cũng vậy, văn hóa chính trị cao cùng với văn hóa đạo đức trong sáng luôn tạo nên sức mạnh, bảo đảm sự chính danh của một đảng chính trị lãnh đạo và cầm quyền. Đối với chế độ chính trị của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân như Đảng, Nhà nước ta thì văn hóa chính trị tiến bộ là một đảm bảo cho sự bền vững. Theo đó, việc trang bị, giáo dục văn hóa chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của chúng ta luôn là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, cấp bách và lâu dài. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp trong hệ thống chính trị phải thường xuyên trau dồi, nâng cao khả năng tư duy khoa học trên cơ sở không ngừng bổ sung những kiến thức mới về các khoa học cơ bản, triết học, lý luận chính trị - xã hội...

Khi những người “cầm cân nảy mực” có một nền tảng văn hóa chính trị tiến bộ thì xã hội được đề cao đúng nghĩa các giá trị dân chủ, pháp quyền, công bằng, nhân văn; quốc gia hùng cường, văn minh, phát triển; nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Trong các xã hội có giai cấp, văn hóa chính trị của giai cấp thống trị đóng vai trò quan trọng trong việc tìm cách điều hòa quan hệ lợi ích với các giai cấp bị trị nhằm xoa dịu mâu thuẫn xã hội để tránh những bất trắc, phản kháng, chống đối của các giai cấp bị trị nhằm bảo vệ lợi ích và duy trì địa vị cầm quyền của giai cấp  thống trị.

Những yếu tố làm nên văn hóa chính trị còn phải kể đến kinh nghiệm chính trị và năng lực hành động chính trị. Kinh nghiệm chính trị trong sự nghiệp của mỗi cá nhân sẽ từng bước được bổ sung, bồi đắp, làm phong phú thêm và được kiểm nghiệm thông qua năng lực hành động chính trị.

Đối với chế độ của chúng ta, việc thấm nhuần và tiếp thu những giá trị trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh sẽ giúp cho việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, hình thành văn hóa ứng xử khoan dung, thực sự độ lượng và chân thành với người khác. Cùng với những giá trị ấy, những tư tưởng của Người về kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân nhưng nghiêm khắc với bản thân mình đều là những kinh nghiệm quý báu trong hoạt động chính trị. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh thế giới luôn chứa đựng nhiều mâu thuẫn khó lường như hiện nay thì việc dựa trên kinh nghiệm của cha ông ta để xác lập các chính sách, trong đó có chính sách đối ngoại phù hợp là vô cùng cần thiết. “Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương, biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tùy cơ ứng biến”...”(7).

Chính “giặc nội xâm” chứ không phải thế lực nào khác đang làm xói mòn văn hóa chính trị, dẫn đến suy giảm lòng tin của nhân dân vào chính quyền các cấp và sự lãnh đạo của Đảng.

Kinh nghiệm chính trị cùng với tri thức chính trị và niềm tin chính trị sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện, thúc đẩy và phát triển khả năng hành động chính trị thực tiễn của những người có trách nhiệm trong hệ thống chính trị. Nếu cán bộ các cấp không biết “luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí minh”, không biết “cách phê bình và tự phê bình”(8), không biết rút kinh nghiệm trong hoạt động chính trị, trong thực thi chính sách để điều chỉnh chính sách và cách thực thi chính sách cho phù hợp thì sẽ rất khó thành công, thậm chí không tránh được thất bại.

Trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian vừa qua, việc Đảng và Nhà nước ta thi hành kỷ luật hàng trăm cán bộ, đảng viên các cấp, kể cả các cán bộ cấp cao do Trung ương quản lý. Điều này cho thấy: bên cạnh sự thoái hóa, suy đồi, biến chất về văn hóa chính trị của những cá nhân cán bộ, đảng viên bị xử lý, còn có trách nhiệm của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, trong đó có nguyên nhân từ sự “lơ là”, “chểnh mảng” về giáo dục, củng cố - bồi đắp văn hóa chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo từ rất sớm rằng, “địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”(9). Chính “giặc nội xâm” chứ không phải thế lực nào khác đang làm xói mòn văn hóa chính trị, dẫn đến suy giảm lòng tin của nhân dân vào chính quyền các cấp và sự lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, cần phải quyết liệt “xốc lại” tinh thần, đảm bảo “sự thống nhất cao về ý chí và hành động” trong cả hệ thống chính trị nhằm củng cố, phát huy văn hóa chính trị trong Đảng, trong mỗi tổ chức, cá nhân; nghiêm túc, nghiêm minh thực hiện việc làm gương, nêu gương của cán bộ đảng viên với nhân dân, của cấp trên với cấp dưới; “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào…”(10); đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế phòng ngừa và chống tham nhũng, tiêu cực...

Từ những nội dung nêu trên, để thêm một lần nữa khẳng định và xác định lại rằng, tri thức chính trị, ý thức chính trị, niềm tin chính trị, tình cảm chính trị, kinh nghiệm chính trị và năng lực hành động chính trị là những yếu tố cốt lõi làm nên văn hóa chính trị của chế độ, thể chế. Mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ cấp chiến lược phải là những “hạt nhân” - biểu hiện sinh động cho mặt bằng và chiều sâu của văn hóa chính trị. Văn hóa chính trị thể hiện trước hết ở nhân cách, làm thành bản sắc của người làm chính trị với tư cách là một thành viên của cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực chính trị. Thiếu văn hóa chính trị trong hoạt động chính trị, trong thực thi chính sách sẽ rất khó thành công, thậm chí là thất bại./.

GS.  TS. Nguyễn Trọng Chuẩn

Phó Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam

___________________

(1) Minh Thành Tổ (hay Vĩnh Lạc) tên thật là Chu Đệ (1360-1424) là con thứ 4 của người sáng lập triều nhà Minh. Minh Thành Tổ là người chủ trương, lập kế hoạch và chủ trì xây dựng Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh - Trung Quốc.

(2) Trần Ngọc Thêm: Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 485.

(3) Nguyễn Trọng Chuẩn: Văn hóa ứng xử ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra, Tạp chí Triết học, số 7 (350), H, 2020, tr.19-20.

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t.4, tr.473.

(5) (6) (7) (10) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr.169, 374, 184, 396.

(8) (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.5, tr.305, 278.

 

Theo Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương

Lượt xem: 1.071
Văn bản mới
  • Số 1504-CV/BTGTU 10/01/2025 Tăng cường công tác tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại ...
  • Số 16-CTr/BTGTU 08/01/2025 Chương trình Công tác Tuyên giáo năm 2025
  • Số 36 - NQ/TU 07/01/2025 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - ...
  • Số 208-HD/BTGTU 03/01/2025 Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày ...
  • Số 207-HD/BTGTU 02/01/2025 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 01 năm 2025
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005066481
  •  Đang online: 79
  •  Trong tuần: 27.883
  •  Trong tháng: 59.522
  •  Trong năm: 59.522