Sáng 5/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống dịch Covid-19. Tại điểm cầu Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống dịch Covid-19
BIẾN THỂ OMICRON GIA TĂNG LÂY NHIỄM NHANH
Theo đánh giá tại hội nghị, đến nay, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong 2 tuần qua (với khoảng 50.000 - 75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 118.000 ca). Số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc xin, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (trước ngày 1/2 là 18,4% và sau ngày 1/2 là 24,3%). Số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước. Số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày, hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thay thế dần biến thể Delta. Theo báo cáo của TP Hà Nội, biến thể Omicron chiếm tới 87% tổng số các mẫu; tại TP Hồ Chí Minh biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gen. Biến chủng này sẽ tiếp tục chiếm chủ đạo hiện nay, do vậy, chúng ta chuyển trạng thái quản lý ca nặng sang quản lý rủi ro theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và xem xét điều chỉnh Nghị quyết 128 theo hướng mở dần cho đến khi đạt trạng thái bình thường mới. Tập trung hoàn thành tiêm vắc xin mũi 3 để ứng phó biến chủng mới và dỡ bỏ, điều chỉnh một số quy định trong phòng chống dịch để chuyển dần sang trạng thái bình thường mới.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện “đa mục tiêu” nhất là phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vừa sẵn sàng phòng chống dịch; chỉ đạo thúc đẩy toàn diện các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; thực hiện đồng bộ chương trình phòng chống dịch bệnh gắn với chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát tình hình dịch Covid-19, từng bước khôi phục thị trường lao động, xuất khẩu, thu hút đầu tư; công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác an sinh xã hội được tăng cường.
Hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Hiện có 2.150 xã, phường cấp độ 3 mức nguy cơ cao (chiếm 20,3% số xã, phường cả nước); 401 xã, phường cấp độ 4 mức nguy cơ rất cao (3,8%) tại 22 tỉnh, thành phố.
Tại điểm cầu Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng chủ trì hội nghị
CƠ BẢN ĐÃ BAO PHỦ 2 LIỀU VẮC XIN CHO NGƯỜI TỪ 12 TUỔI TRỞ LÊN
Đến ngày 3/3, Việt Nam đã tiếp nhận 218 triệu liều vắc xin; thực hiện phân bổ 204,4 triệu liều (còn khoảng 13,6 triệu liều chưa phân bổ đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng, xuất xưởng vắc xin), đã tiêm được hơn 196 triệu liều.
Tỷ lệ tiêm chủng cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ mũi 1, mũi 2, mũi 3 lần lượt là 100%, 98,4% và 37,4%. Đối tượng từ 12 - 17 tuổi có tỷ lệ mũi 1, mũi 2 lần lượt là 98,8% và 93,5%.
Trong 30 ngày triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân (từ 29/1 - 28/2), cả nước tiêm được hơn 14 triệu liều, chủ yếu là liều bổ sung và liều nhắc lại (hơn 12 triệu liều), góp phần vào việc tăng cường tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 liều vắc xin cơ bản và tiêm mũi 3 trên toàn quốc. Nước ta cơ bản đã bao phủ 2 liều vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên. Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục mua sắm vắc xin và chuẩn bị để triển khai tiêm cho nhóm đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch, tổ chức hiệu quả phân luồng, phân tuyến điều trị. Hiện còn 1.612.493 ca đang theo dõi và điều trị; trong đó, có 1.403.638 ca đang theo dõi, điều trị tại nhà, 4.035 ca đang theo dõi, điều trị tại khu cách ly và 85.718 ca đang điều trị tại 985 bệnh viện. Trong số đang điều trị tại bệnh viện có 3.583 ca nặng phải thở ô xy, bao gồm 361 ca thở máy.
Bộ Y tế đã ban hành danh mục 3 loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Bộ Y tế đang tiếp tục làm việc với các bộ, ngành để có phương án trình Chính phủ sau khi xác định cụ thể về danh mục và phương án bình ổn giá trang thiết bị y tế phòng chống dịch.
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19 tại điểm cầu Lâm Đồng
CHƯA NÊN COI DỊCH BỆNH COVID-19 LÀ “BỆNH LƯU HÀNH”
Theo Bộ Y tế, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của vi rút SARS-CoV-2. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.
Trong nước, tuy tỷ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao trên dưới 100 trường hợp mỗi ngày, cao hơn cả số tử vong cao điểm hàng năm do bệnh Dại hoặc Sốt xuất huyết, Sởi là những bệnh lưu hành có số tử vong cao hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.
Hiện nay, các chuyên gia và các quốc gia đang thảo luận và đề xuất coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành. Về vấn đề này, Bộ Y tế đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ và đưa ra nhận định dù vi rút SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, tuy vậy, dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn “bệnh lưu hành”. Tỷ lệ mắc bệnh Covid-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt giữa các tỉnh, thành phố đã từng có tỷ lệ mắc cao trước đó và những tỉnh, thành phố mới có sự gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ từ vong hàng đầu trước đây. Vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron; kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ và các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.
Như vậy, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là “bệnh lưu hành” và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch Covid-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của vi rút SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi bệnh Covid-19 là “bệnh lưu hành” khi thời điểm thích hợp.
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP. Thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân. Trong đó, vắc xin là lá chắn quan trọng nhất trong phòng chống dịch; thuốc chữa bệnh không thể thiếu được, góp phần ngăn chặn bệnh chuyển nặng và giảm tử vong. Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp khó lường, khó dự báo nên tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; bám sát thực tiễn để có giải pháp tốt phát triển kinh tế và tiếp tục thích ứng an toàn, từng bước bình thường hóa đáp ứng thực hiện đa mục tiêu: Kiểm soát hiệu quả rủi ro, giảm tử vong; thúc đẩy phục hồi nhanh phát triển bền vững kinh tế; chăm lo an sinh xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng.
Bộ Y tế xây dựng một số nội dung điều chỉnh về cách ly y tế (F0, F1), nghiên cứu cách công bố các chỉ tiêu cho phù hợp và biện pháp phòng tránh lây nhiễm để tạo điều kiện thuận lợi bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc điều trị Covid-19. Trong đó, ưu tiên những người thuộc đối tượng chống chỉ định cần được tư vấn, thăm khám (kể cả trực tuyến) để đảm bảo sử dụng thuốc được an toàn. Đánh giá xu hướng tăng, giảm ca nặng, số ca nhập viện so với số ca mắc để đánh giá nguy cơ tình hình dịch, không để quá tải hệ thống y tế.
Thần tốc hơn nữa trong chiến dịch tiêm vắc xin bảo đảm tiến độ tiêm vắc xin; tăng cường vận động người dân tiêm vắc xin, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở; sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên; chủ động tiếp cận trước các nguồn vắc xin cho trẻ em dưới 12 tuổi (trước mắt là vắc xin Pfizer theo đa số quốc gia trên thế giới) và chuẩn bị tiêm mũi 4.
Nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm tối đa các trường hợp tử vong; chủ động, sẵn sàng các các biện pháp phòng chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe người nhiễm vi rút để kịp thời liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có nhu cầu. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai báo ca bệnh tại cộng đồng, hỗ trợ triển khai các thủ tục, chính sách đối với người nhiễm bệnh và mua thuốc điều trị Covid-19. Tăng cường hướng dẫn, nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị Covid-19, dự phòng cơ số thuốc kháng vi rút, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, vật tư y tế cần thiết… tại các trạm y tế phường, xã, trạm y tế lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu tự điều trị Covid-19 tại nhà của người dân và giảm tải cho các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến trên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn hỗ trợ người dân tự điều trị tại nhà.
Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để thường xuyên đánh giá tình hình dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương án đáp ứng dịch khi đưa học sinh quay lại trường học và mở cửa du lịch. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương trong việc tăng cường công tác quản lý chất thải đối với các trường hợp mắc Covid-19 quản lý tại nhà để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các địa phương để tăng cường quản lý việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19, quản lý giá, phòng tránh tiêu cực, tham nhũng; thúc đẩy công khai, minh bạch trong quản lý; phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc; có biện pháp đẩy mạnh việc sử dụng các sản phẩm thuốc đông y, y dược cổ truyền và test kit xét nghiệm.
Triển khai và hoàn thành công tác trọng tâm bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phòng chống dịch bệnh. Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh; nâng cao ý thức cá nhân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế trong quản lý, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà, không áp dụng theo các hướng dẫn từ các nguồn thông tin không tin cậy, chưa được kiểm chứng. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị Covid-19; thúc đẩy thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 trong nước.
Theo Báo Lâm Đồng