Giải pháp phục hồi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng In trang
25/02/2022 11:02 SA

            Trong thời gian qua, du lịch đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến ngành du lịch rất lớn.

Một thoáng Đà Lạt
Một thoáng Đà Lạt

ĐẠI DỊCH COVID TÁC ĐỘNG TRỰC TIẾP ĐẾN NGÀNH DU LỊCH

Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào cuối năm 2019 và diễn biến phức tạp trong suốt hai năm vừa qua đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và ngành du lịch nói riêng. Năm 2020, chỉ khoảng 4.000.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng, giảm 44,1 % so với cùng kỳ 2019.

Tác động của đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 1749/KH-BVHTTDL ngày 8/5/2020 về việc phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và công bố triển khai chương trình kích cầu du lịch tỉnh Lâm Đồng chủ đề “Đà Lạt - Miền yêu thương”. Việc triển khai xuyên suốt chương trình từ năm 2020 đến nay đã góp phần giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến ngành du lịch của tỉnh, qua đó đã thu hút khách đến với Lâm Đồng.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát và diễn biến phức tạp, cùng với chính sách giãn cách xã hội được thực hiện trên địa bàn các tỉnh/thành phố trong cả nước đã làm đứt gẫy chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, nhu cầu đi du lịch của người dân giảm mạnh. Trước tình hình đó, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch tạm thời đóng cửa tập trung phòng, chống dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với mục tiêu kép là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân song song với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; Ủy ban Nhân dân tỉnh cho phép mở cửa hoạt động kinh doanh du lịch trở lại, các đơn vị kinh doanh du lịch đã tích cực chuẩn bị tất cả các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực và sẵn sàng đón tiếp và phục vụ du khách.

DẤU HIỆU KHỞI SẮC TRỞ LẠI CỦA NGÀNH DU LỊCH

Đến nay, ngành du lịch của tỉnh Lâm Đồng đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại với sự tăng trưởng mạnh về lượng khách du lịch từ những tháng cuối năm 2021; trong hai tháng đầu năm 2022, khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng đạt khoảng 1.170 ngàn lượt khách (tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2021); trong đó khách quốc tế đạt gần 6 ngàn lượt khách (giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2021), khách nội địa đạt 1.164 ngàn lượt khách (tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2021), khách qua lưu trú đạt 600 ngàn lượt (giảm 9.5% so với cùng kỳ năm 2021).

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, cũng như sớm phục hồi, duy trì hoạt động kinh doanh ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng trong trạng thái bình thường mới; ngành du lịch đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 9602/KH-UBND ngày 30/12/2021 về kế hoạch hành động phục hồi hoạt động du lịch tỉnh Lâm Đồng trong năm 2022.

GIẢI PHÁP PHỤC HỒI HOẠT ĐỒNG DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Để triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chương trình hành động số 01/CTr-VHTTDL ngày 10/01/2022  về việc triển khai kế hoạch hành động phục hồi hoạt động du lịch tỉnh Lâm Đồng trong năm 2022. Theo đó, trong năm 2022 ngành du lịch sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp sau:

- Về xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch

Khảo sát, hình thành thêm các mô hình du lịch canh nông mới; liên kết hình thành các tuyến, điểm canh nông kết nối thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận (Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương, Dơn Dương); thành phố Bảo Lộc với các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên. Khảo sát, phát triển một số sản phẩm du lịch thể thao giải trí, du lịch mạo hiểm tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, ... Khảo sát, hình thành các tuyến du lịch chuyên đề đặc thù vùng Tây Nguyên.

Nghiên cứu, hình thành các mô hình kinh doanh du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch camping, du lịch glamping tại thành phố Đà Lạt. Phục dựng một số lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh để phục vụ phát triển du lịch.

Xây dựng, giới thiệu chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch Đà Lạt Lâm Đồng an toàn - trải nghiệm trọn vẹn”. Xây dựng Kế hoạch và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch phù hợp để thu hút khách. Xây dựng lộ trình đón khách quốc tế. Tiếp tục triển khai Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

- Về tuyên truyền, xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch

Cung cấp thông tin về sản phẩm dịch vụ du lịch thông qua các phương tiện thông tin đại chúng với thông điệp “Du lịch Lâm Đồng - Điểm đến an toàn, tiềm năng và khác biệt”.

Triển khai thực hiện hiệu quả đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” đối với lĩnh vực du lịch. Tổ chức Chương trình “Tuần lễ vàng Du lịch năm 2022 Đà Lạt - Thiên đường nghỉ dưỡng”. Tổ chức cuộc thi viết, chụp ảnh, làm phim quảng bá về du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng.

Phối hợp với Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tổ chức quảng bá chương trình kích cầu du lịch nội địa.

- Về liên kết hợp tác phát triển du lịch

Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch đã ký kết với các địa phương. Thông qua các chương trình liên kết: cung cấp thông tin, sản phẩm du lịch mới của Lâm Đồng, tổ chức chương trình kích cầu du lịch; khảo sát, liên kết hình thành các tuyến điểm du lịch liên vùng theo tiêu chí an toàn.

Tổ chức hội nghị liên kết, kích cầu phát triển du lịch tại khu vực miền Nam: TP.HCM - Bình Thuận - Đồng Nai - Tây Ninh (tổ chức tại TP.HCM). Tổ chức Hội nghị liên kết kích cầu phát triển du lịch tại khu vực miền Trung: Khánh Hòa - Phú Yên - Quảng Nam - Đà Nẵng - Huế - Nghệ An (tổ chức tại Thừa Thiên Huế).

- Về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực

Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng cho các hướng dẫn viên du lịch tại điểm, hướng dẫn viên du lịch quốc tế, nội địa và người lao động lĩnh vực du lịch.

Phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng về du lịch cho đội ngũ lao động ngành du lịch tại dịa phương. Phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt bồi dưỡng kiến thức giao tiếp, ứng xử với khách du lịch cho các lực lượng công vụ, đội ngũ lái xe, lái taxi, hộ kinh doanh, tiểu thương.

Với các giải pháp đồng bộ, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu ưu đãi, ngành du lịch Lâm Đồng đang phục hồi và là một trong những điểm đến hàng đầu được du khách ưu tiên lựa chọn khi đi du lịch trong “trạng thái bình thường mới”.

Hoàng Khôi

 

Lượt xem: 2.816
Văn bản mới
  • Số 208-HD/BTGTU 03/01/2025 Hướng dẫn nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày ...
  • Số 207-HD/BTGTU 02/01/2025 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 01 năm 2025
  • Số 206-HD/BTGTU 23/12/2024 Hướng dẫn học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2025 “Học tập và ...
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005065008
  •  Đang online: 124
  •  Trong tuần: 26.410
  •  Trong tháng: 58.049
  •  Trong năm: 58.049