Chất lượng sinh hoạt Chi bộ hiện nay - Thực trạng và giải pháp. In trang
11/01/2017 12:00 SA

Như chúng ta đã biết, sinh hoạt Chi bộ là hoạt động quan trọng của Chi bộ, tác động đến quá trình lãnh đạo của Đảng và quá trình nhận thức của mỗi đảng viên trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ thực chất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Cho nên, sinh hoạt Chi bộ được xem là một trong những hoạt động chủ yếu của Chi bộ. Không sinh hoạt Chi bộ, xem như Chi bộ ngưng hoạt động. Sinh hoạt Chi bộ có vai trò tác dụng to lớn đối với xây dựng Đảng, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; là diễn đàn phát huy dân chủ, tính sáng tạo và nâng cao trình độ mọi mặt của của đảng viên.

Chất lượng sinh hoạt Chi bộ là một trong những yếu tố quyết định sức sống, sự tồn tại, phát triển của Chi bộ. Không tổ chức sinh hoạt Chi bộ hoặc chất lượng sinh hoạt Chi bộ thấp thì Chi bộ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Thực tiễn đã chứng minh, những Chi bộ trong sạch vững mạnh là những Chi bộ duy trì sinh hoạt Chi bộ nề nếp, có nội dung sinh hoạt Chi bộ phong phú, thiết thực, có hình thức đa dạng, sinh hoạt có chất lượng tốt.

Xuất phát từ những nhận thức nêu trên, trong thời gian vừa qua, các Chi bộ đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, duy trì sinh hoạt nề nếp, chuẩn bị chu đáo; nội dung sinh hoạt có nhiều đổi mới, phong phú; thực hiện lồng ghép việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với khắc phục các yếu kém, tồn tại. Đảng viên tham gia thảo luận, thể hiện chính kiến của mình, luôn tạo được không khí cởi mở, chân thành; phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, nâng cao sức chiến đấu trong sinh hoạt Chi bộ. Phương pháp điều hành sinh hoạt, điều hành thảo luận, gợi mở vấn đề khoa học hơn. Vai trò, trách nhiệm người chủ trì, cấp ủy được thể hiện…

Tuy nhiên một số nơi chất lượng sinh hoạt Chi bộ vẫn còn những hạn chế:

- Nội dung sinh hoạt một số nơi còn theo lối cũ; nặng phổ biến quán triệt, ít trao đổi, bàn bạc; có nơi dành nhiều thời gian cho thảo luận công tác chuyên môn; cách phân bổ thời gian cho từng nội dung chưa khoa học; thời gian sinh hoạt Chi bộ có nơi rất ngắn. Tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu chưa cao; tự phê bình và phê bình thực hiện chưa thường xuyên, cá biệt có nơi xuất hiện tình trạng “Ngại nói, sợ nói, không nói và không thèm nói”.

- Vai trò của người chủ trì trong việc gợi mở nội dung để tham gia góp ý còn hạn chế. Kiến thức, lập luận và quan điểm của người chủ trì phải “đứng giữa” các quan điểm, điều phối, giải thích các ý kiến khác nhau thì chưa làm được; đa số các ý kiến góp ý là của đảng viên lớn tuổi, thủ trưởng cơ quan,… Dân chủ được bàn bạc, mở rộng nhưng có vấn đề không chốt được, gút được nội dung cần bàn, giống như “thả gà ra rồi lại bắt gà vào”. Có nơi sinh hoạt còn nặng nề, ít cởi mở, sổ sách ghi chép chưa khoa học; có đảng viên họp Chi bộ không mang theo sổ sách; không tập trung, chơi game, nói chuyện riêng…

- Vẫn có một số đảng viên chưa thể hiện được tính tiên phong gương mẫu, vào cuộc họp luôn ở thế thụ động, ít tham gia đóng góp ý kiến; ý thức trách nhiệm đối với tập thể, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình chưa cao, còn biểu hiện ngại va chạm, sợ mất lòng. Đóng góp ý kiến một cách gượng ép, nội dung không thiết thực, không có chiều sâu, chưa có nhiều ý kiến hay để đóng góp vào quá trình hoạt động, lãnh đạo của Chi bộ.

Nguyên nhân của những hạn chế, là do nhận thức về yêu cầu, nội dung sinh hoạt Chi bộ chưa đầy đủ, thực hiện chưa đúng quy định. Đảng viên chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, xem việc sinh hoạt Chi bộ là phải tham gia cho đúng quy định, chứ chưa coi đây là trách nhiệm của mình. Một số nơi chưa bám vào Chỉ thị số 10-CT/TW và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW để triển khai thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát; hướng dẫn đôn đốc thực hiện của cấp trên chưa thường xuyên. Trách nhiệm của Bí thư Chi bộ một số nơi chưa cao, phương pháp điều hành sinh hoạt Chi bộ chưa khoa học.

Giải pháp thời gian tới, đó là:

1. Phải thực hiện nghiêm túc, nề nếp chế độ sinh hoạt Chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng, thực hiện nghiêm túc và có chất lượng việc sinh hoạt chuyên đề. Nội dung sinh hoạt phải cụ thể sát với điều kiện của thôn, tổ dân phố mình; chuẩn bị nội dung chu đáo, hiệu quả, tránh hình thức, làm cho có.

2. Bí thư Chi bộ phải chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt; phải trăn trở suy nghĩ và nêu cao trách nhiệm “chất lượng sinh hoạt Chi bộ thấp, chậm đổi mới là do mình”:

- Phải trăn trở suy nghĩ và nêu cao trách nhiệm “chất lượng sinh hoạt Chi bộ thấp, chậm đổi mới là do mình”, mạnh dạn nhận trách nhiệm, không đổ lỗi cho khách quan. Phải suy nghĩ cách thức, phương pháp để lèo lái, dẫn dắt và định hướng cho Chi bộ hoạt động có hiệu quả.

- Nội dung sinh hoạt Chi bộ phải bám vào Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương, trong đó lưu ý nội dung thông tin tuyên truyền cần chọn lọc phù hợp, thiết thực.

Ví dụ thông tin cho đảng viên ở nông thôn, vùng dân tộc thì cần phải nói kỹ, nói chậm, gắn với cuộc sống hàng ngày nhưng vùng thành thị thì quá nhiều thông tin nên cần trình bày có căn cứ, lý lẽ, có số liệu so sánh, thông tin không quá lạc hậu, không có tính thời sự... Hoặc là khi thông tin cho thanh niên thì dí dỏm, mang tính giao lưu nhưng khi trình bày cho phụ nữ thì phải tâm lý, sâu sắc và gần gũi,...

+ Đề ra nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, những việc cần làm ngay trong tháng tới theo chức năng, nhiệm vụ của Chi bộ, sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên và phân công nhiệm vụ cho đảng viên thực hiện.

Nội dung để đưa ra thảo luận nên lựa chọn điểm mới, quan trọng để gợi ý hoặc là trình bày theo thứ tự từ trên xuống; nội dung nào trình bày lướt qua, nội dung nào trình bày kỹ. Nội dung phải sát thực tế, hạn chế lý luận nhiều; nội dung Nghị quyết, nội dung thảo luận cụ thể, rõ ràng gắn với thực tiễn ở thôn, tổ dân phố mình,... và tổ chức thực hiện theo phương châm “nói là làm ngay”.

+Phần thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến cần phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của đảng viên và gợi ý những nội dung quan trọng để đảng viên tham gia thảo luận, thể hiện chính kiến của mình.

3. Sinh hoạt Chi bộ gắn với khắc phục các yếu kém, khuyết điểm và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh:

Trong cuộc họp Chi bộ, đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào sinh hoạt hàng tháng, gắn với khắc phục các yếu kém, khuyết điểm trong tháng trước để định hướng, hoặcchuẩn bị trước Chi bộ một câu chuyện, hoặc bài nói, bài viết của Bác Hồ để đảng viên cùng suy ngẫm, liên hệ, rút ra những vấn đề liên quan đến công việc, nhiệm vụ của mình.

4. Nâng cao ý thức đảng viên trong việc tham gia sinh hoạt Chi bộ

- Chất lượng Chi bộ phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đảng viên, đảng viên có nhận thức, góp ý thảo luận sôi nổi, có trọng tâm trọng điểm thì nơi đó chất lượng hoạt động của Chi bộ được nâng lên; nơi nào đảng viên ít tham gia góp ý, trầm lắng, phó mặc thì nơi đó chất lượng không cao,... Do đó muốn tham gia góp ý có chất lượng, có chiều sâu thì trước các kỳ sinh hoạt Chi bộ, đảng viên phải nghiên cứu kỹ nội dung để tham gia và coi đây là trách nhiệm của mình. Trong sinh hoạt phải tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, thể hiện rõ chính kiến của mình, tham gia biểu quyết, xây dựng Nghị quyết và quyết định những vấn đề quan trọng của Chi bộ. Sẵn sàng nhận sự phân công công tác của Chi bộ, gương mẫu thực hiện và vận động quần chúng thực hiện Nghị quyết của Chi bộ.

- Thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình trong Đảng và xem Chi bộ như là “mái nhà của mình” (vì Chi bộ là nơi giáo dục, rèn luyện, phân công công tác, giúp đỡ và nơi sinh hoạt hàng tháng,...), xem đảng viên cùng sinh hoạt là “anh em trong một nhà”. Nơi nào mà nhận thức và làm được như thế thì nơi đó đoàn kết nội bộ tốt, chất lượng sinh hoạt nâng lên.

5. Nâng cao chất lượng điều hành trong sinh hoạt Chi bộ

- Bí thư Chi bộ (hoặc đồng chí được phân công) chủ trì, điều hành cuộc họp Chi bộ phải thực hiện đầy đủ các nội dung trong chương trình đề ra; nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian sinh hoạt. Nội dung báo cáo trước Chi bộ phải rõ ràng, ngắn gọn để dành nhiều thời gian cho phần thảo luận.

- Chủ toạ hội nghị phải thực sự dân chủ, công tâm, khách quan, lắng nghe phát biểu của đảng viên và gợi mở những vấn đề thiết thực để đảng viên thảo luận. Những vấn đề cần phải biểu quyết nhưng đang còn có những ý kiến khác nhau, Chi bộ trao đổi, thảo luận kỹ để tạo sự thống nhất trước khi biểu quyết.

6. Nâng cao vai trò của Chi ủy, nhất là Bí thư Chi bộ

- Xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc của Chi bộ; trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng Chi ủy viên, bảo đảm Chi ủy, Chi bộ hoạt động có hiệu quả.

- Chi ủy, Bí thư Chi bộ phải rèn luyện mình, có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống lành mạnh và có uy tín, nhiệt tình trong công tác; có kỹ năng, hiểu biết công tác Đảng; có năng lực, trình độ và khả năng tiếp thu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, Nghị quyết của cấp ủy cấp trên vào hoạt động thực tiễn; có tinh thần trách nhiệm, làm việc khoa học, dân chủ.

7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên

- Cấp ủy cấp trên phân công cấp ủy viên phụ trách, thường xuyên tham dự sinh hoạt Chi bộ để hướng dẫn, giúp đỡ; hoặc có kế hoạch kiểm tra chấp hành chế độ sinh hoạt Chi bộ, tình hình thực hiện nhiệm vụ, thực hiện các nguyên tắc sinh hoạt Đảng..., để kịp thời chấn chỉnh.

- Thực hiện việc đánh giá, phân tích chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên hàng năm một cách thực chất. Nội dung đánh giá chất lượng phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, sự vững mạnh của các tổ chức trong hệ thống chính trị và chất lượng đội ngũ đảng viên.

Bác Hồ nói: “Đảng mạnh là do các Chi bộ tốt, Chi bộ tốt là do đảng viên đều tốt”. Thực tiễn đã chứng minh nơi nào mà sinh hoạt Chi bộ lỏng lẻo hoặc không có nội dung chính trị tư tưởng cụ thể, thiết thực, không thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu kiểm tra tự phê bình, không kịp thời khắc phục sửa chữa khuyết điểm, buông lỏng vai trò lãnh đạo, đảng viên thiếu rèn luyện thì nơi đó chất lượng hoạt động của Chi bộ kém, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu không còn.

Trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi Đảng ta phải thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo cho phù hợp. Để làm được điều đó thì việc nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ là một trong những biện pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Khi đội ngũ đảng viên vững mạnh sẽ góp phần làm cho Chi bộ tốt, Chi bộ tốt tức là Đảng bộ mạnh, các Đảng bộ mạnh tức là toàn Đảng vững mạnh. Vì vậy mỗi đảng viên chúng ta phải tự rèn luyện để góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ nơi mình đang công tác.

Lượt xem: 10.342
Văn bản mới
  • Số 206-HD/BTGTU 23/12/2024 Hướng dẫn học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2025 “Học tập và ...
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005032147
  •  Đang online: 115
  •  Trong tuần: 25.188
  •  Trong tháng: 25.188
  •  Trong năm: 25.188