Sáng 07/01 tại thành phố Đà Lạt, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo. Tham dự, về phía Ban Tuyên giáo Trung ương có đồng chí Đinh Thị Mai, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, các đồng chí vụ phó, chuyên viên Vụ Tuyên truyền; về phía tỉnh Lâm Đồng, có đồng chí Nguyễn Thị Mỵ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cùng trên 150 đại biểu là lãnh đạo Ban Tuyên giáo, các đoàn thể chính trị-xã hội các huyện, thành phố trong tỉnh…
Toàn cảnh Hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Uỷ ban Dân tộc báo cáo chuyên đề “Các dân tộc Việt Nam; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc và công tác dân tộc”.
Nước ta có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với 14,123 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Quy mô dân số không đồng đều: có 06 dân tộc trên 1 triệu người (Tày, Thái, Mường, Mông, Nùng, Khmer); 16 dân tộc dưới 10.000 người, trong đó có 05 dân tộc dưới 1.000 người là Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo và Si La. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú, đặc sắc, thống nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Hiện có 03 bảo tàng Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện sưu tầm, kiểm kê, trưng bày các giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Giai đoạn 2006-2012, tu bổ, tôn tạo 1.280 di tích vùng đồng bào DTTS và miền núi. Giai đoạn 2016-2018, có 04 di tích quốc gia đặc biệt, 08 di tích lịch sử-văn hóa-danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào DTTS đã được xếp hạng di tích quốc gia. Đến nay đã thực hiện được 407 dự án sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam; có 145 di sản văn hóa phi vật thể của các DTTS được đưa vào Danh mục di sản văn hóa hóa phi vật thể quốc gia…
Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn xác định giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là một trong những nhiệm vụ có tính chất chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong tất cả các văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới đều xác định, vấn đề dân tộc “có vị trí chiến lược lớn’’, “luôn luôn có vị trí chiến lược’’, “có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta"...
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Theo đồng chí Đinh Xuân Thắng, để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc trong tình hình mới, cần nhấn mạnh những vấn đề sau: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng cùng phát triển; Các chính sách phải hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho vùng đồng bào DTTS và miền núi; Đảm bảo nguồn lực để thực hiện chính sách, trong đó nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị, quan tâm công tác tuyên truyền, vận động; đồng thời khuyến khích sự tham gia chủ động của đồng bào dân tộc thiểu số, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo, nỗ lực phấn đấu cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống…
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Lê Trung Kiên, Phó Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ báo cáo chuyên đề: Tình hình hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam hiện nay - Những vấn đề cần quan tâm trong công tác tuyên truyền.
Các địa biểu tham dự Hội nghị
Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo với 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, hơn 26,5 triệu tín đồ các tôn giáo (chiếm 27% dân số), hơn 58.000 chức sắc, 148.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự, 53 cơ sở đào tạo tôn giáo. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Các quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ, đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Không chỉ là quốc gia đa tôn giáo, Việt Nam còn là quốc gia đa dân tộc (với 54 dân tộc cùng sinh sống), mỗi dân tộc đều lưu giữ những hình thức tín ngưỡng khác nhau với rất nhiều lễ hội truyền thống dân gian, tạo nên sự đa dạng trong đời sống tâm linh liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt. Hằng năm, cả nước có hàng nghìn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức.
Thời gian qua, nước ta đã thực hiện thành công chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước; đảm bảo ổn định, thuần túy hoạt động tôn giáo; huy động nguồn lực tôn giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác tôn giáo, đồng chí Lê Trung Kiên đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị cần quan tâm: Tuyên truyền các giá trị tôn giáo như giá trị văn hoá, đạo đức, xã hội và nguồn lực tôn giáo… góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với nguyên tắc đảm bảo: Tuân thủ chính sách, pháp luật; Khẳng định lợi ích quốc gia và cộng đồng; Phân biệt nhu cầu chính đáng và việc lợi dụng; Dân sự hóa vấn đề tôn giáo; Công dân hóa chức sắc, tín đồ; Sử dụng tôn giáo để định hướng, phản hồi; Kiên trì vận động thuyết phục; Phát huy giá trị, huy động nguồn lực…
Hồng Vĩnh