Cuối tháng 10/2021 tại Hà Nội, diễn ra lễ trao giải Cuộc thi “Sáng tác ca khúc về thầy cô và mái trường”, do Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) và Hội Nhạc sĩ Việt Nam (NSVN) phối hợp tổ chức. Vượt qua hơn 400 tác phẩm của các nhạc sĩ trong cả nước để đoạt một trong 04 giải Nhì cuộc thi, mang về niềm vui lớn cho cô giáo Trần Thu Hường và thầy trò trường THCS Nguyễn Du - huyện Di Linh (Lâm Đồng).
Cô giáo - nhạc sĩ Thu Hường khi nhận Giải thưởng Âm nhạc của Hội NSVN . Ảnh T.D.H.
“Chiếc nôi” nghệ thuật
Trò chuyện, cô giáo - nhạc sĩ Trần Thu Hường chia sẻ, cô sinh ra và lớn lên ở một miền quê tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật (ông ngoại, cha, hiện nay 5 anh em Thu Hường và người 2 cháu) đang “nối nghiệp”.
Từ “chiếc nôi” gia đình và cuộc sống chơn chất, mộc mạc chốn ruộng đồng, nên từ bé, chất văn, ý nhạc sớm “định hình” và “chảy” trong máu Thu Hường. Mới học lớp 8 (1986), cô học trò đã sáng tác bài thơ đầu tiên “Vầng trăng cánh võng” (đăng báo Mực Tím). Để 14 năm sau (năm 2000), Thu Hường phổ nhạc bài thơ này (tác phẩm đầu tay) và đã đạt giải khuyến khích Hội NSVN. Từ đây, mở ra chặng đường cho tài năng âm nhạc của cô giáo trẻ Trần Thu Hường phát xuất…
Tài năng bắt nguồn từ đam mê và phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện. Lúc nhỏ, Thu Hường học giỏi đều các bộ môn, giỏi nhất môn văn. Cô mơ ước trở thành cô giáo. Uớc mơ giản dị và năng lực học tập, cô gái Quảng đã thi đậu thủ khoa ngành âm nhạc Trường CĐSP Đà Nẵng (năm 1990).
Ra trường, cô giáo Thu Hường có 02 năm (1993-1994), dạy học tại Quảng Nam. Năm 1995, cô theo chồng lên Lâm Đồng sống và tiếp tục dạy học; từ năm 1995 -2011, cô dạy nhạc tại trường tiểu học Nguyễn Trãi và từ năm 2012 đến nay dạy tại trường THCS Nguyễn Du - Di Linh. Để nâng cao kiến thức và năng lực sáng tác, từ năm 2003 - 2007, Thu Hường thi đậu và hoàn thành chương trình Cử nhân âm nhạc tại trường ĐHSP Hà Nội I. Năm 2007, cô giáo Thu Hường gia nhập Hội văn học Nghệ thuật Lâm Đồng; năm 2011 đến nay là hội viên Hội NSVN.
Giáo dục và Âm nhạc “chắp cánh” một tài năng
Trong chương trình giao lưu “Dấu ấn tài hoa” của Đại Truyền hình Bình Phước, cô giáo - nhạc sĩ Thu Hường chia sẻ: “Dạy học là mơ ước, còn sáng tác là cơ duyên; cả 02 lĩnh vực này tôi đều yêu thích và nó đã tác động, hỗ trợ cho tôi khá nhiều”. Một cô giáo yêu nghề, yêu trẻ, hát hay và được đào tạo bài bản, Thu Hường đến với âm nhạc hết sức tự nhiên và tài năng của cô đã khẳng định. Bục giảng, bảng đen, giáo án, ánh mắt hồn nhiên của trẻ thơ, qua “lăng kính” tinh tế, tâm hồn đa cảm, cô giáo Thu Hường đã cho ra đời nhiều ca khúc hay, được đồng nghiệp, bạn bè đón nhận.
Từ sáng tác đầu tay cho thiếu nhi; nhiều ca khúc thiếu nhi đoạt giải và ca khúc đoạt giải Nhì trong cuộc thi vừa rồi, khẳng định thiên hướng sáng tác của Thu Hường “bén duyên” đề tài thiếu nhi, học sinh, ngành giáo dục. Tuy rằng, 28 năm đứng trên bục giảng và 21 năm sáng tác âm nhạc, cô giáo - nhạc sĩ Trần Thu Hường đã viết gần 300 ca khúc và 01 tác phẩm khí nhạc với nhiều đề tài khác nhau; song viết cho thiếu nhi, học sinh, mái trường là niềm tâm huyết, “gắn bó cả đời” - cô chia sẻ.
Đến nay, Thu Hường đã “thử bút” khá nhiều đề tài và để lại dấu ấn đối với người yêu âm nhạc. Viết về quê hương, đất nước với các ca khúc hay: Đất nước tôi, chuyện người lính, còn nhớ còn thương, về Quảng Nam nhé em, Đà Lạt trong tôi…Về tình cảm gia đình: Nhớ nội, cha tôi, vòng tay của mẹ, ru mẹ…Tình yêu lứa đôi, có các ca khúc: Tình xa, đợi, chiều không anh, chỉ cần em thôi, chỉ cần có anh…02 năm (2020 - 2021), đại dịch Covid-19 hoành hành trên cả nước, Thu Hường đã sáng tác nhiều ca khúc mới, bằng âm điệu lạc quan, động viên công tác phòng, chống dịch: Khúc hoan ca, Việt Nam sẽ bình yên, Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch…
Viết cho thiếu nhi, giáo dục, Thu Hường có 80 ca khúc; trong đó, có nhiều ca khúc được đưa vào chương trình sách giáo khoa như: “Bé chơi đàn” (in trong Tập bài hát lớp 2-NXB Giáo dục-2012); “Em yêu giờ học hát” (trong Tập bài hát lớp 1-NXB Giáo dục-2020); “Mùa hè của em” (Tập âm nhạc lớp 2 - Bộ sách chân trời Sáng tạo)…
Cô giáo Trần Thu Hường với niềm hạnh phúc trong Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11. Ảnh T.D.H.
Những thành tích tiêu biểu
Đặc điểm sáng tác của cô giáo - nhạc sĩ này là cô đã nghiên cứu, phát triển chất liệu dân ca các vùng miền; “thổi” cảm xúc nữ tính làm cho tiết tấu ca khúc nhẹ nhàng, mượt mà khiến người nghe yêu thích; như: “Hỏi nắng đi mô” (Dân ca miền Trung); “Đêm Sapa” (Dân ca vùng núi phía Bắc); “Miền Tây quê em” (Dân ca miền Tây); “Tự hào quê hương Di Linh” (âm hưởng Tây Nguyên)…
Gần đây, Thu Hường còn nổi trội với việc phổ thơ. Hơn 150 bài thơ đã được nữ nhạc sĩ phổ nhạc. Cách phổ thơ của Thu Hường cũng khác biệt, không lấy toàn bộ nội dung bài thơ mà sáng tạo thêm ca từ, nhưng không mất ý thơ, không sa vào “hát thơ”. Đặc biệt, ca khúc của Thu Hường, ngoài các ca sĩ tên tuổi biểu diễn, nhiều ca khúc do chính cô tự trình bày, khiến khán thính giả thán phục !
Thu Hường còn sáng tác thơ, truyện ngắn, viết bài lý luận phê bình tác phẩm và nghiên cứu các loại hình nghệ thuật dân gian - một cô giáo thực sự đa tài !
Trong giảng dạy, cô giáo Thu Hường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, luôn có mặt và đạt giải hầu hết các hội thi văn nghệ của Ngành, của tỉnh: Giải nhất Giọng hát hay ngành giáo dục Lâm Đồng (1997); giải nhất cuộc thi đàn hát với piano kỹ thuật số toàn quốc, tổ chức tại TP.CM (năm 2012); giải nhì Hội thi soạn giáo án của “Tạp chí trong ta”. Về sáng tác: Giải khuyến khích ca khúc thiếu nhi “vầng trăng cánh võng” (2014); giải ba sáng tác cho đàn piano tác phẩm “Đà Lạt trong tôi”; giải khuyến khích ca khúc thiếu nhi “Trăng của nội” (2017); giải khuyến khích ca khúc “Hỏi nắng đi mô” (2018); giải ba ca khúc “Mẹ là tất cả mẹ ơi” của Hội NSVN (2020) và giải nhì ca khúc “Hạnh phúc của em”, do Bộ GD-ĐT và Hội NSVN phối hợp tổ chức (năm 2021)…
Giữa bộn bề công việc, với niềm đam mê và sức sáng tạo đáng nể, cô giáo - nhạc sĩ - ca sĩ Trần Thu Hường đã có một “tài sản” đáng tự hào: Đã xuất bản 02 tập ca khúc viết cho thiếu nhi và trường học: “Vầng trăng cánh võng”-NXB Thanh niên - 2009; “Từ bục giảng yêu thương” (NXB Thanh niên -2011); DVD “Ru bà”.
Hiện nay, cô giáo - nhạc sĩ - ca sĩ tài hoa này được mời cộng tác nhiều chương trình của Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM; Chương trình Kiôt Âm nhạc VTV2; Đô rê mí mùa 2007-2009-2011 của VTV3 Đài THVN; chương trình Hát cho dân tôi nghe VTV9; chương trình Vườn âm nhạc HTV9; Đài Truyền hình các tỉnh: Lâm Đồng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Phước…
Bài, ảnh: THANH DƯƠNG HỒNG