Như một thứ định kiến đã được lập trình, cũng như mưu đồ phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam, mỗi khi đề cập tới cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, các báo cáo nhân quyền hằng năm của một số tổ chức thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam lại đưa ra các đánh giá, nhận định hết sức u ám, bi quan, sai sự thật, thậm chí hạ thấp, xúc phạm nhân phẩm con người. Đối chứng với thực tế, không khó nhận ra đó là các nhận định đầy xấu xa, phiến diện và phi lý mà bản chất là bịa đặt, vu khống.
{image id = 1}
Những năm qua, Tây Nguyên đã trải qua một quá trình thay da đổi thịt mạnh mẽ, các tiềm năng được khai thác và phát huy, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số đã không ngừng được nâng cao. Đặc biệt, do tính chất đa dạng về xã hội, kinh tế, văn hóa,… nên tại đây, việc bảo đảm quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương hết sức coi trọng, tiêu biểu là bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, bảo tồn và phát triển văn hóa, chăm sóc y tế, học tập… Và dưới sự lãnh đạo, điều hành trực tiếp của cấp ủy, chính quyền tại địa phương, các tầng lớp nhân dân Tây Nguyên luôn đồng lòng, nỗ lực củng cố, đạt rất nhiều thành tựu to lớn về quyền con người.
Trước đây, người dân tộc bản địa ở Tây Nguyên sống tăm tối giữa sự vây hãm triền miên của đói nghèo, lạc hậu. Đại ngàn, mảnh đất màu mỡ giàu tài nguyên bị thực dân, đế quốc thi nhau khai thác, còn chủ nhân núi rừng phải sống với phận nô lệ. Mồ hôi, nước mắt và cả máu của đồng bào đã đổ xuống cho các đồn điền. Cùng với cuộc sống đói cơm, nhạt muối, đạn xới, bom cày, các tộc người thiểu số bị đối xử bất bình đẳng, khinh rẻ, kỳ thị, bị kích động nghi kỵ và hận thù, là nạn nhân của chính sách “ngu dân”. Từ khi có ánh sáng của Đảng, Tây Nguyên cùng cả nước đứng lên, trải qua vô vàn gian khổ, cống hiến và hy sinh để đất nước thống nhất, các dân tộc được giải phóng, cuộc sống sang trang mới.
Ngay những ngày đầu giải phóng, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều nghị quyết, chương trình và đầu tư nhiều nguồn lực quan trọng để phát triển khu vực, từng bước cải thiện cuộc sống của đồng bào. Đặc biệt là từ khi thực hiện Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng dài hạn, kế hoạch 5 năm 2001-2005 và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020, cùng với đó là nhiều chương trình giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sạch, bảo vệ rừng,… đã giúp tập trung các nguồn lực đầu tư, góp phần làm thay đổi toàn diện cuộc sống ở địa bàn chiến lược này.
Hiện nay, toàn vùng Tây Nguyên có 2.800 trên tổng số 7.800 buôn, thôn, tổ dân phố có đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Đi từ triền núi Ngok Linh đến thung lũng sông Đồng Nai luôn thấy hình ảnh tươi sáng của các buôn làng, đồng bào có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Các địa phương đều xây dựng những chương trình cụ thể để phát triển vùng sâu, vùng xa. Như tỉnh Gia Lai phân công 49 cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh phụ trách 49 xã đặc biệt khó khăn; 487 cơ quan cấp huyện, thị phụ trách 487 buôn, thôn, gần 100 doanh nghiệp trên địa bàn kết nghĩa hỗ trợ các xã vùng sâu, vùng xa. Từ năm 1994, tỉnh Kon Tum đã triển khai chương trình xây dựng các xã vùng cao, vùng biên giới với việc tập trung đầu tư nguồn lực cho 53 xã trọng điểm khó khăn, điều động hàng nghìn lượt cán bộ về bám cơ sở nhằm tuyên truyền, vận động, tổ chức cuộc sống, sản xuất. Các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng cũng đều có những cách làm tương tự…
Ngày nay, Tây Nguyên đã và đang thay đổi rất mạnh mẽ. Giao thông trong khu vực phát triển chưa từng có với mạng lưới đường bộ gần 40 nghìn km, đường hàng không có ba sân bay, đồng thời triển khai hai dự án đường sắt và dự án đường cao tốc hiện đại. Giao thông thuận lợi làm thay đổi diện mạo các buôn làng, kết nối các đô thị, các tỉnh trong khu vực, mở rộng giao thương với các trung tâm lớn trong nước và các nước lân cận. Từ buôn làng đến phố thị, quê hương của 5 triệu người thuộc 47 dân tộc, trong đó đồng bào thiểu số bản địa chiếm 34% với khoảng 1,6 triệu người, đều hiển hiện bức tranh tràn đầy sức sống, với ba huyện, thị và 123 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều tộc người ở đây còn tập quán du canh du cư, sống trong sự bất ổn, lạc hậu, đói nghèo, bệnh tật. Nhà nước đã sớm giúp đồng bào định canh định cư, ổn định cuộc sống, làm quen với sản xuất hàng hóa.
Trên miền đất gian khó năm xưa, dần xuất hiện các buôn làng giàu có với nhiều tỷ phú là người dân tộc thiểu số; GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 40 triệu đồng/năm. Ngày nay, Tây Nguyên là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm với những con số ấn tượng: gần 600 nghìn ha cà-phê; 72 nghìn ha hồ tiêu; cao-su, điều, rau, hoa và các loại cây ăn quả đều phát triển mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 15%, hộ cận nghèo còn khoảng 4,5%. Số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế toàn vùng đạt 55%, xã và trạm y tế có bác sĩ đạt 88%, số bác sĩ trên 10 nghìn dân đạt 7,42%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế là 72%. Quy mô và chất lượng giáo dục được nâng cao. Hệ thống trường dân tộc nội trú phủ khắp địa bàn với những chính sách ưu đãi về điều kiện học tập, sinh hoạt cho con em của đồng bào…
Để hiện thực hóa một nội dung quan trọng trong đường lối nhất quán của Đảng là bảo đảm quyền tộc người và văn hóa tộc người, chính quyền các địa phương luôn tạo điều kiện giúp các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có vị trí xã hội bình đẳng với các dân tộc khác, bảo đảm quyền tự do quyết định vị thế xuất thân, quyền sử dụng ngôn ngữ. Nên ở Tây Nguyên không có kỳ thị sắc tộc mà chỉ có sự tôn trọng các giá trị đặc thù. Thành tựu về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc cũng là một nội dung rất đáng ghi nhận ở nơi đây. Thực hiện đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011, các tỉnh đã tập trung xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; tổng kiểm kê di sản văn hóa tiêu biểu; hỗ trợ khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ nền văn hóa của các tộc người; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số làm công tác văn hóa; hỗ trợ truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở, nâng mức thụ hưởng văn hóa cho đồng bào. Nhiều nghi lễ, lễ hội, dân ca, dân vũ, trang phục, trò chơi dân gian đã được khôi phục, ngày hội văn hóa các cấp đã được tổ chức thường xuyên. Đặc biệt, năm 2005, việc UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại là sự vinh danh xứng đáng. Để có sự vinh danh này, Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình đầu tư nhằm nâng cao nhận thức, tôn trọng, bảo tồn, khơi dậy niềm tự hào về giá trị của báu vật văn hóa đã được sáng tạo trong tiến trình lịch sử của cộng đồng các dân tộc anh em. Cùng với đó, các dự án sưu tầm, phổ biến sử thi, âm nhạc dân gian, luật tục, khôi phục các thiết chế văn hóa cổ truyền đã và đang triển khai; ngôn ngữ các tộc người được tổ chức dạy, học và khuyến khích sử dụng; hàng nghìn nghệ nhân dân gian các dân tộc được Nhà nước tôn vinh…
Việc bảo đảm nhân quyền của đồng bào ở Tây Nguyên còn được thể hiện qua việc Đảng, Nhà nước ghi nhận sự đóng góp của các già làng, nhân sĩ, trí thức. Trong sinh hoạt hằng ngày, già làng tại các buôn làng vẫn hiện hữu như trụ cột tinh thần, biểu tượng văn hóa. Phối hợp luật pháp Nhà nước, một số yếu tố tích cực trong các bộ luật tục truyền thống vẫn được phát huy giúp quản lý, điều hành cộng đồng. Hiện ở Tây Nguyên có 3.702 già làng, họ vừa là chỗ dựa tinh thần, vừa trực tiếp cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức cuộc sống, phát triển quê hương. Đảng và Nhà nước cũng đã tạo cơ hội bình đẳng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, cán bộ người người dân tộc thiểu số ở cấp xã toàn khu vực là 26%, cấp huyện 17%; cấp tỉnh 10,9%; lãnh đạo các sở, ban, ngành là 12,4%. Trong HĐND cấp tỉnh có 28,96% số đại biểu là người dân tộc thiểu số. Trong cơ quan đảng, có 18,52% số đảng viên người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy tỉnh; cấp huyện có 17,11% và cơ sở là 18,52%. Số lượng, chất lượng đại biểu người dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong Quốc hội ngày càng cao, và góp phần quan trọng trong việc xây dựng thể chế, pháp luật, thực hiện chức năng giám sát, thúc đẩy tiến trình phát triển quê hương và cuộc sống.
Tuy nhiên bất chấp thực tế đó, báo cáo nhân quyền hằng năm mà một số tổ chức tự nhận là “quốc tế” công bố gần đây, khi đề cập vấn đề tôn giáo tại Tây Nguyên đã đưa những nội dung thiếu trung thực, mà nổi lên là dựng chuyện cáo buộc chính quyền không bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thậm chí còn bịa đặt chuyện “đàn áp tôn giáo”. Các đánh giá như vậy chỉ chứng tỏ một điều là ý kiến của họ ra đời từ thông tin một chiều, không quan tâm đến sự phát triển mọi mặt ở Tây Nguyên, không kiểm chứng qua sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Tây Nguyên; không trực tiếp nắm bắt thực tế từ các cơ sở thờ tự, không tiếp xúc với tu sĩ và tín đồ là các công dân luôn đề cao trách nhiệm, hoạt động tôn giáo theo quy định pháp luật. Họ tảng lờ thực tế là tới cuối năm 2020, toàn Tây Nguyên có khoảng 580.000 công dân theo đạo Tin lành thuộc 33 tổ chức, hệ phái, nhóm đang sinh hoạt tại 311 chi hội, 183 nhà thờ, hơn 1.700 điểm nhóm đã được chính quyền cấp đăng ký sinh hoạt. Họ cũng cố bao che cho các đối tượng đội lốt tôn giáo, tự lập tà đạo, tổ chức truyền đạo trái phép để chống phá chính quyền, lôi kéo người theo tư tưởng dân tộc hẹp hòi, thực hiện mưu đồ phá hoại cuộc sống bình yên của buôn làng, và bị pháp luật xử lý. Thực tiễn khẳng định, dù họ có xuyên tạc thế nào cũng không thể phủ nhận sự thật là khát vọng rút dần khoảng cách, tạo cơ hội thịnh vượng đồng đều các dân tộc Tây Nguyên đã từng bước hiện thực hóa, Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục tháo gỡ rào cản, khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tốc độ phát triển của Tây Nguyên. Thành tựu mọi mặt trên vùng đất Tây Nguyên trù phú hôm nay là minh chứng thuyết phục, sinh động cho điều đó!./.
Theo nhandan.vn