Đó là Kết luận của ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; sự cam kết của tỉnh Lâm Đồng, nhằm chia sớt khó khăn với các lực lượng tuyến đầu và Nhân dân thành phố mang tên Bác cùng vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19 hiện nay…
Ông Phạm S- Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra nông sản đóng gói tại khu tập trung trước khi đưa về TP.HCM.
“Chia lửa” vùng tâm dịch
Tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện diễn biến rất phức tạp, khó lường, khiến cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và đời sống của Nhân dân các vùng tâm dịch gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn; trong khi, Lâm Đồng là “hậu phương” vững chắc đã và đang cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm (chủ yếu rau, củ, quả) tươi, có chất lượng cho TP.HCM và nhiều tỉnh, thành miền Trung và khu vực phía Nam.
Nhằm vừa hỗ trợ địa phương bạn vượt qua khó khăn lúc dịch bệnh hoành hành, vừa đảm bảo đà phát triển, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản của địa phương, Lâm Đồng thực hiện 02 nhiệm vụ: Vừa hỗ trợ nông sản cho các tỉnh, thành bạn chống dịch, vừa làm cầu nối giao thương để nông sản liên tục được sản xuất, tiêu thụ.
Từ quan điểm này, từ giữa tháng 6-2021 (khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát), UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Hội Nông dân tỉnh, khuyến cao nông dân chuyển đổi diện tích trồng hoa sang trồng các loại rau ngắn ngày để kịp thời cung cấp cho Nhân dân các vùng dịch; xây dựng phương án đẩy mạnh sản xuất các loại rau, củ, quả ngắn ngày dựa trên dự báo nhu cầu tiêu thụ thực tế của các địa phương…
Mới đây, tại buổi làm việc với các ngành: MTTQ Việt Nam tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh, Sở NN-PTNT, Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải (GT-VT), Sở Tài chính và Tỉnh Đoàn về việc cung ứng, hỗ trợ nông sản cho TP.HCM và các tỉnh bạn đang thực hiện giãn cách xã hội, lãnh đạo UBND tỉnh đã Kết luận: Đảm bảo mỗi ngày cung cấp 200 tấn nông sản cho TP.HCM !
Các chiến sĩ Quân đội đưa nông sản, hàng hóa lên xe.
Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, thời gian cung cấp nông sản cho TP.HCM bắt đầu từ ngày 22-8 đến ngày 15-9-2021; tập trung một đầu mối do UBND tỉnh và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đặt tại TP.HCM chỉ đạo. Đối với từng ngành và địa phương, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chủ trì, phối hợp với Tỉnh Đoàn, UBND TP.Đà Lạt, các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà… (vùng rau chủ lực của tỉnh), nắm diện tích, sản lượng các loại rau và khả năng cung ứng cho thị trường từng ngày; lập kế hoạch phân bổ cho các địa phương; phát động phong trào đóng góp, hỗ trợ và thu mua các loại nông sản, đảm bảo mỗi ngày Lâm Đồng hỗ trợ cho TP.HCM 200 tấn rau, củ, quả; phải đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, chủng loại, quy cách, nhãn mác…; trong đó, ưu tiên các loại nông sản bảo quản lâu (cải bắp, cải thảo, đậu, cà rốt, khoai tây, bầu, bí, dưa leo..).
Toàn bộ nông sản huy động trong mỗi ngày ở các địa phương, đơn vị tập kết về một đầu mối là BCHQS tỉnh, BCHQS tỉnh có trách nhiệm điều phối, bố trí lịch trình vận chuyển hàng hóa từ Lâm Đồng về điểm giao nhận tại TP.HCM đảm bảo kịp thời.
Nông sản được tập kết về một đầu mối để đưa về TP.HCM.
UBND tỉnh cũng đã giao: Sở GT-VT xây dựng phương án bố trí luồng xanh và phương tiện vận tải (huy động các doanh nghiệp hỗ trợ phương tiện, đảm bảo chi phí nhiên liệu) để vận chuyển 200 tấn rau, củ, quả mỗi ngày (từ 15-16 xe); tạo các điều kiện lưu thông hàng hóa thuận lợi nhất.
Sở Công thươmg chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, TP.Đà Lạt lập danh sách, khả năng sản xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các cơ sở sơ chế để kết nối, cung ứng khoảng 1.200 tấn rau, củ, quả các loại/ngày cho các đơn vị đầu mối tại TP.HCM; đồng thời, kết nối với các địa phương khác hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh Lâm Đồng.
Tỉnh Đoàn phát động phong trào quyên góp, thu mua rau, củ, quả và huy động lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ nông dân thu hoạch nông sản; nhất là vùng đang giãn cách phòng chóng dịch bệnh Covid-19; phối hợp với Sở NN-PTNT và các địa phương tập kết hàng hóa lên các phương tiện vận chuyển mỗi ngày.
UBND TP.Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ nông dân địa phương quyên góp, tổ chức thu mua các loại rau, củ, quả đảm bảo chất lượng, số lượng, chủng loại.
Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để các địa phương tổ chức thu mua; đảm bảo mỗi ngày hỗ trợ cho TP.HCM 200 tấn rau, củ, quả theo Kế hoạch của UBND tỉnh...
Những chuyến xe nặng tình phố núi
Có thể thấy, liên tục từ giữa tháng 6-2021 đến nay, các địa phương, cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội, cơ sở tôn giáo… trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện hàng trăm“Chuyến xe yêu thương hướng về thành phố mang tên Bác” và nhiều tỉnh, thành khu vực miềm Trung, phía Nam; đã cung cấp hàng chục tấn nông sản, gạo, mì gói, nhu yếu phẩm và các thiết bị y tế cần thiết. Đây là tấm lòng của lãnh đạo, quân, dân phố núi chia sớt khó khăn, vất vả, thiếu thốn để cùng nhau vượt qua cơn bỉ cực !
Nông dân các địa phương thu hoạch nông sản cho những chuyến xe yêu thương mang về thành phố HCM.
Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, đó là những việc làm xuất phát từ trái tim; tuy nhiên, các hoạt động này chưa tập trung, còn phân tán các nguồn lực...
Sau khi có chủ trương của UBND tỉnh Lâm Đồng và có sự phân công trách nhiệm cụ thể, bài bản, mỗi ngày, hàng đoàn xe nối nhau lên đường, chở nặng tình thương, sự gởi gắm của Nhân dân phố núi xuôi về thành phố Bác thân thương !
Theo tổng hợp chung, tại các địa phương, lãnh đạo, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể liên quan đã “vào cuộc” nhịp nhàn, hiệu quả.
Tại huyện Đức Trọng, đã xây dựng kế hoạch huy động, vận chuyển 1.250 tấn rau, củ, quả (50 tấn/ngày) hỗ trợ TP.HCM. Được biết, Đức Trọng thu mua 70% nông sản so với giá gốc, còn 30% số nông sản là đóng góp, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong huyện. Trong 02 ngày đầu “ra quân” thực hiện chỉ tiêu tỉnh giao (22-23/8), huyện Đức Trọng đã mua và vận động được hơn 130 tấn rau, củ, quả; tổ chức 6 chuyến xe đã chở số nông sản về TP.HCM.
Tại huyện Đơn Dương: UBND huyện đã xây dựng kế hoạch huy động ít nhất 50 tấn nông sản mỗi ngày. Địa phương chọn các loại nông sản đặc trưng, có thời gian bảo quản dài, đảm bảo chất lượng tốt nhất, tập trung vào các nhóm rau, củ, quả dễ bảo quản như: Khoai tây, su su, bắp cải, cà rốt, củ dền… Đảm bảo mỗi chuyến xe phải có ít nhất 5 chủng loại nông sản khác nhau đảm bảo phong phú cho người sử dụng...
Tại TP.Bảo Lộc, trong 02 đầu, 02 chuyến xe yêu thương của Giáo xứ Thiện Lộc (Phường 2) và UBND xã Đại Lào (TP.Bảo Lộc) đã mang gần 30 tấn rau, củ, quả và các loại nhu yếu phẩm… về TP.HCM. Đến nay, Bảo Lộc đã thực hiện hơn 100 chuyến xe yêu thương của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo, nhà hảo tâm, mang hơn 670 tấn nông sản, nhu yếu phẩm đến với các vùng dịch. Trong đó, 415 tấn nông sản, nhu yếu phẩm hỗn trợ Nhân dân TP.HCM.
Tại “vựa” rau Đà Lạt, cũng trong 02 ngày đầu thực hiện chủ trương của tỉnh, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức và Nhân dân đã vận động đóng góp và thu mua hơn 100 tấn rau, củ, quả đặc trưng xứ lạnh và đã được đưa lên những chuyến xe, lặng lẽ xuôi về thành phố Bác…
THANH DƯƠNG HỒNG