Giai cấp công nhân GCCN) Việt Nam ra đời và phát triển gắn liền với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp những năm cuối thế kỷ XIX. Đầu thế kỷ XX số lượng công nhân Việt Nam tăng nhanh chóng về số lượng (khoảng 22 vạn người). Bởi bị bóc lột hà khắt, GCCN Việt Nam đã đoàn kết lại để đấu tranh đòi quyền lợi dẫn đến hình thành các Hội Ái Hữu, Hội Tương tế, Công hội đỏ...Tiền thân của Công đoàn Việt Nam sau này.
Lãnh đạo và Công đoàn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng hoa cho nữ CBCC cơ quan dịp 8-3.
Cuối năm 1920, người công nhân yêu nước Tôn Đức Thắng đã vận động thành lập Công hội Ba Son ở Sài Gòn - mở ra phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của GCCN Việt Nam…
Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 - Hàng Nón, Hà Nội, đã diễn ra sự kiện trọng đại của GCCN và Công đoàn Việt Nam; đó là: Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ - tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay.
Đại hội đã thông qua Điều lệ và hệ thống tổ chức của Công hội, ra tờ báo “Lao Động” và Tạp chí “Công hội Đỏ”; bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng.
Quá trình hình thành Công hội đỏ Bắc Kỳ gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong những năm đầu thế kỷ 20. Nguyễn Ái Quốc là người đặt cơ sở lý luận và nền tảng tư tưởng cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Những năm 1925 - 1929, sự ra đời và lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào “Vô sản hóa” đã thâm nhập vào các nhà máy, xí nghiệp, hầm lò để tuyên truyền, vận động công nhân tích cực tham gia phong trào đấu tranh khá mạnh mẽ.
Tháng 3/1929, sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên; đặc biệt là sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929) là kết quả của quá trình vận động, tổ chức Công nhân do Nguyễn Đức Cảnh là một trong những sáng lập viên đầu tiên và giữ vai trò quan trọng.
Ngày 3/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng Công hội Đỏ đã tập hợp lực lượng thợ thuyền, đội quân chủ lực của cách mạng Việt Nam, tạo nên cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931).
Từ năm 1936 - 1939, Công hội Đỏ đổi tên thành Nghiệp đoàn, Hội Ái Hữu và chuyển sang thời kỳ hoạt động bán công khai. Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp đầu hàng và thỏa hiệp với phát xít Nhật thẳng tay đàn áp phong trào công nhân nước ta; trước tình hình đó, tổ chức Nghiệp Đoàn, Hội Ái Hữu phải rút vào hoạt động bí mật và lấy tên là: “Hội Công nhân phản đế”; năm 1941 đổi thành “Hội Công nhân cứu quốc” làm nòng cốt của tổ chức Việt Minh.
Sau Cách mạng tháng Tám (năm 1945); đến tháng 3/1946, Hội nghị đại biểu Công nhân cứu quốc Bắc Bộ, Trung Bộ và Tổng Công đoàn Nam Bộ đã thống nhất về mặt tổ chức trên phạm vi cả nước để hợp thành: “Hội Công nhân cứu quốc”. Đến tháng 6/1946, đổi tên “Hội Công nhân cứu quốc” thành “Công đoàn”.
Ngày 20/7/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội, “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” chính thức được thành lập và được công nhận là thành viên chính thức của Liên hiệp Công đoàn thế giới vào năm 1949.
Đến nay, Công đoàn Việt Nam đã trải qua 12 kỳ Đại hội gắn với từng giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam.
Tại Đại hội lần thứ II (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 23 - 27/02/1961) đã quyết định đổi tên “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” thành “Tổng Công đoàn Việt Nam”.
Đến Đại hội lần thứ VI (họp từ ngày 17 - 20/10/1988); Đại hội đã quyết định đổi tên: “Tổng Công đoàn Việt Nam” thành “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” và giữ tên gọi này cho đến nay.
Lúc mới thành lập Công Hội Đỏ, chỉ có 6.000 đoàn viên; đến nay cả nước có hơn 8 triệu đoàn viên sinh hoạt tại 117.800 công đoàn cơ sở, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn.
Tại Lâm Đồng:
Cùng với sự phát triển của phong trào công nhân cả nước, ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, đội ngũ Công nhân lao động của tỉnh ta đã ra đời và hoạt động sôi nổi, lan tỏa trong hầu hết các đồng điền, công trường do người Pháp cai quản, khai thác...
Đặc biệt, tháng 4/1930, Chi bộ đảng đầu tiên của Lâm Đồng được thành lập đã lãnh đạo phong trào công nhân Lâm Đồng từng bước phát triển; là một bộ phận của phong trào Công nhân cả nước; là lực lượng nòng cốt của địa phương tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới…
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Khu 6, Ban Công vận được thành lập và Liên hiệp Công đoàn Thành phố Đà Lạt; Liên hiệp Công đoàn các tỉnh Lâm Đồng - Tuyên Đức lần lượt ra đời.
Đầu năm 1976, Công đoàn 2 tỉnh Lâm Đồng - Tuyên Đức và TP.Đà Lạt thống nhất hợp thành: Liên hiệp Công đoàn tỉnh Lâm Đồng; hiện này là: Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng.
Năm 1976, toàn tỉnh có 3.167 đoàn viên sinh hoạt tại 80 CĐCS; đến nay, toàn tỉnh có hơn 62.000 đoàn viên sinh hoạt tại 1.513 CĐCS. Từ các xã, phường, thị trấn đến các cơ quan, trường học, trong các doanh nghiệp và tất cả loại hình kinh tế trong toàn tỉnh đều có tổ chức Công đoàn hoạt động…
Cùng với sự lớn mạnh của tổ chức và lực lượng, giai cấp công nhân tỉnh Lâm Đồng đã và đang đảm nhận sự nghiệp vẻ vang của Đảng bộ địa phương giao phó là tập hợp lực lượng công nhân và người lao động tích cực thi đua sản xuất, kinh doanh làm giàu cho địa phương; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh trước yêu cầu mới hiện nay…
Bài, ảnh: THANH DƯƠNG HỒNG