Thùy Mỵ
Ngày 7-5-1954, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm De Castries - Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Đây là mốc son chói lọi trong lịch sử chống thực dân Pháp hào hùng của dân tộc ta. Điện Biên Phủ không chỉ là bản hùng ca của sự đoàn kết, chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân và dân ta, mà còn là bản hùng ca về nghệ thuật quân sự tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là sự kết tinh của trí tuệ và tinh thần đoàn kết Nhân dân cả nước, dựa trên sức mạnh của lòng dân.
Cờ của Cách mạng tung bay trên nóc hầm De Castries. Ảnh TL.
Có rất nhiều nguyên nhân làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ; song, việc huy động sự đoàn kết của cả dân tộc, phát huy sức mạnh ấy một cách đúng lúc để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là nhân tố quan trọng nhất và bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dân tộc Việt Nam có một bề dày lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, bề dày lịch sử ấy đã hình thành và hun đúc nên truyền thống tốt đẹp như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng đúc kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
Với tinh thần ấy, từ năm 1950 đến 1953, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; quân và dân ta liên tiếp mở các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Biên giới năm 1950, Trần Hưng Đạo năm 1951, Quang Trung năm 1951, Lý Thường Kiệt năm 1951, Hòa Bình năm 1952, Thượng Lào năm 1953, trong các chiến dịch này sức dân đã được huy động và phát huy một cách triệt để. Đến Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, sức dân được huy động tổng lực ở mức cao nhất. Quân và dân ta trong cả nước, từ Tây Bắc, Liên khu 3, Tả ngạn, đến Bình Trị Thiên, Liên khu 5, Bắc Tây Nguyên, Sài Gòn - Gia Định, Nam Bộ… tất cả đều nhất tề đứng lên, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó. Các lực lượng thanh niên, phụ nữ từ thành thị đến nông thôn, từ vùng núi cao đến đồng bằng đều tích cực tham gia nhiều cuộc đấu tranh chính trị, phá tề trừ gian.
Với khẩu hiệu: “Tất cả cho mặt trận”, “Tất cả để chiến thắng” được Nhân dân cả nước hưởng ứng sôi nổi ở cả vùng tự do cũng như vùng còn bị tạm chiếm. Các đoàn dân công lên đường với bầu nhiệt huyết hăng say, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của bộ đội trên mặt trận. Với tinh thần đoàn kết, toàn dân, toàn quân đồng lòng; dồn tất cả sức người, sức của cho Điện Biên Phủ. Tính chung trong Chiến dịch, Nhân dân đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ, 3.130 chiếc thuyền”... Nhiều nơi, do bị địch đánh phá ác liệt, Nhân dân không kịp tăng gia, sản xuất, để có lương thực kịp thời nuôi bộ đội, đồng bào đã thỏa thuận giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị thu hoạch rồi sau ghi sổ báo lại. Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số giã gạo vào cả ban đêm cho bộ đội - điều mà trước đó theo phong tục, tập quán lâu đời của bà con là rất kiêng kỵ. Tất cả đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ !.
Những con số nêu trên có thể thấy sự hy sinh, đóng góp vô cùng to lớn của Nhân dân ta cho cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại. Ý nghĩa to lớn hơn, đó là tinh thần đoàn kết, quyết chiến, quyết thắng của cả dân tộc. Đánh giá về tinh thần đoàn kết cũng như việc huy động sức dân cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, dân ta đã góp công sức nhiều như trong Đông Xuân 1953-1954… Bọn đế quốc... không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của Nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục được tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ địch”.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã bước sang những trang mới, nhưng bài học về phát huy sức mạnh của Nhân dân trong chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Để phát huy và vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt bài học về huy động sức dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, thiết nghĩ các cấp ủy Đảng, chính quyền cần cụ thể hóa, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy vai trò của Nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân; bảo đảm thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội; giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Các cấp ủy Đảng và chính quyền thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, tin dân, tôn trọng dân; tôn vinh những đóng góp, cống hiến của Nhân dân.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là công bộc của dân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân, thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngăn chặn và xử lý nghiêm những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, vi phạm dân chủ, sách nhiễu Nhân dân. Củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ. Chỉ như thế mới phát huy được sức mạnh “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
T.M