Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn (23/1/1916-23/1/2021) In trang
18/01/2021 10:33 SA

          Đồng chí Trần Quốc Hoàn, tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23/01/1916 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ảnh hưởng phong trào yêu nước, năm 1930 đồng chí tham gia tổ chức học sinh phản đế của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau đó, đồng chí thoát ly gia đình đi làm phu mỏ chì Bo-Neng ở Lào. Tại đây, đồng chí tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 3/1934, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn, tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23/01/1916
Đồng chí Trần Quốc Hoàn, tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23/01/1916

          Trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã bị thực dân Pháp bắt 02 lần. Lần thứ nhất vào cuối năm 1934, bị kết án 8 tháng tù giam và 5 năm quản thúc tại Hà Tĩnh. Lần thứ hai vào đầu năm 1941, bị kết án 6 năm tù giam và 20 năm quản thúc. Trong nhà tù đế quốc, chế độ giam giữ, ăn uống, sinh hoạt kham khổ, hà khắc, thiếu thốn, lại bị tra tấn dã man, tàn bạo, phải lao động khổ sai nặng nhọc... hòng làm suy sụp tinh thần, ý chí của những người cộng sản, nhưng với nghị lực mạnh mẽ, với trách nhiệm là Bí thư chi bộ nhà tù Sơn La, đồng chí đã cùng đồng đội, những đảng viên trung kiên biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Chi bộ nhà tù Sơn La có thành tích lớn là đã bồi dưỡng được nhiều cán bộ cho cách mạng, thông qua việc lập ra các ban, các tổ quản lý, điều hành mọi hoạt động, đấu tranh có nề nếp, có kỷ luật; vừa làm kinh tế, vừa nắm tình hình địch, tập hợp, vận động quần chúng, vận động binh lính địch, bảo vệ nội bộ, chống nội gián, chống âm mưu gây chia rẽ của địch và tổ chức các lớp huấn luyện về chính trị, quân sự; tổ chức sinh hoạt văn nghệ, vui chơi, giải trí để giữ vững tinh thần, chí khí cách mạng của người cộng sản.

           Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào tháng 3/1945, theo chỉ đạo của Trung ương và với sự nhạy bén, chủ động nắm thời cơ, đồng chí đã tham gia cùng chi bộ lãnh đạo anh em tù chính trị ở nhà tù Sơn La đề ra nội dung, biện pháp đấu tranh khôn khéo, thuyết phục buộc bọn cai ngục Pháp và tay sai phải trả tự do cho các tù chính trị. Cùng với chi bộ Nhà tù, đồng chí đã tổ chức đưa hơn 200 anh em tù chính trị về xuôi an toàn, kịp thời cung cấp cán bộ cho phong trào cách mạng của Đảng, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

           Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng: năm 1939 làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tháng 4/1945, được Trung ương cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ trực tiếp tham gia chuẩn bị và chỉ đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ, đồng chí đã nắm vững chủ trương, đường lối, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi vĩ đại trong cách mạng Tháng Tám 1945, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

          Với hơn 30 năm là ủy viên Trung ương Đảng, hơn 20 năm tham gia Bộ Chính trị, 28 năm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an và 5 năm giữ cương vị Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo quan điểm, chủ trương của Đảng. Là người lãnh đạo tài năng, có tầm nhìn chiến lược, đồng chí là người đặt nền móng đầu tiên cho lý luận khoa học nghiệp vụ và công tác xây dựng lực lượng CAND cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Lực lượng CAND không thể quên câu nói đã trở thành mục tiêu hành động của lực lượng, đó là: “Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mọi cán bộ chiến sĩ, lấy sự nghiệp của Đảng làm mục tiêu phấn đấu của toàn lực lượng CAND”.

          Đồng chí Trần Quốc Hoàn là một nhà cách mạng lão thành, tiền bối tiêu biểu, giàu lòng yêu nước, kiên định, kiên trì phụng sự lý tưởng cao cả của Đảng. Cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức cách mạng, tận trung với nước, tận hiếu với dân và có uy tín lớn; đức độ cao, tác phong, lối sống giản dị, sâu sát; gần gũi quần chúng, hết lòng thương yêu giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ; tận tụy, sáng tạo, nhạy bén trong công tác, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh với bọn phản cách mạng và các loại tội phạm; cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân và sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

          Trong mọi công việc được Đảng phân công, đồng chí đều thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng; có trí tuệ, tầm nhìn chiến lược, sáng kiến, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động thực tiễn.

          Đồng chí Trần Quốc Hoàn là tấm gương sáng về tinh thần tự học tập, rèn luyện, phấn đấu; vừa học vừa tham gia công tác cách mạng; cần gì, thiếu gì học nấy; học suốt đời, lấy tổng kết kinh nghiệm xây dựng thành lý luận để chỉ đạo công tác thực tiễn đạt hiệu quả cao nhất. Đồng chí học một cách thực sự đều đặn và chuyên cần, thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy: Còn hoạt động thì còn cần phải học, càng giỏi càng phải học, lấy tự học là cốt yếu, học ở mọi nơi, mọi lúc, học trong công việc, học đồng chí, học nhân dân. Đồng chí đã coi học tập là một nhiệm vụ nhất thiết phải thực hiện thật tốt mới có thể hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

          Với 70 năm tuổi đời, 52 năm tuổi Đảng và cũng bằng ấy năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Trần Quốc Hoàn là một trong những học trò trung thành và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

          Kỷ niệm 105 năm ngày sinh của đồng chí Trần Quốc Hoàn là dịp để tưởng nhớ tới người cách mạng mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta học tập và noi theo gương đồng chí về lòng trung thành với lý tưởng cộng sản. Cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc, trực tiếp và trước mắt là góp phần vào thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Mỗi cán bộ, công chức ngày nay phải không ngừng học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và tiếp tục phát huy những thành quả cách mạng mà đồng chí và các thế hệ tiền bối đi trước đã dày công xây dựng, để đưa đất nước Việt Nam vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập, vì hòa bình và phát triển.

Viết Liễu tổng hợp

Lượt xem: 854
Văn bản mới
  • Số 71-KH/BTGTU 03/05/2024 Kế hoạch tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu nghị quyết của Đảng bộ ...
  • Số 1208-CV/BTGTU 03/05/2024 Tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong; kỷ niệm ...
  • Số 1207- CV/BTGTU 02/05/2024 Khen tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tuyên giáo” năm 2024
  • Số 70-KH/BTGTU 26/04/2024 Kế hoạch khảo sát dư luận xã hội “Ý kiến đánh giá của người dân ...
  • Số 175-HD/BTGTU 26/04/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền tháng 5 năm 2024
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002925902
  •  Đang online: 50
  •  Trong tuần: 23.924
  •  Trong tháng: 54.972
  •  Trong năm: 626.943