Đảng bộ Lâm Đồng chú trọng đưa thông tin về cơ sở In trang
21/12/2022 11:13 SA

Thông tin cơ sở (TTCS) là bộ phận quan trọng trong công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là phương tiện chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin, kiến thức tới người dân.

Các bản tin phát tại trạm truyền thanh cơ sở luôn được đổi mới, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân.
Các bản tin phát tại trạm truyền thanh cơ sở luôn được đổi mới, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân.

Ngày 05/9/2016, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW “về đẩy mạnh công tác TTCS trong tình hình mới” (Chỉ thị số 07); để triển khai thực hiện tại địa phương, ngày 13/10/2016 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Công văn số 1025-CV/TU về việc thực hiện Chỉ thị số 07; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 9243/KH-UBND, ngày 17/12/2021 về việc thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động TTCS dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã bám sát nội dung Chỉ thị số 07 và các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và tình hình thực tế đã quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác TTCS, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, kiến thức cần thiết trên các lĩnh vực đời sống, chú trọng thông tin đến vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Trong những năm qua, nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị nói chung và trong hoạt động TTCS nói riêng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đầu tư phương tiện, kỹ thuật công nghệ thông tin, thuê đường truyền mạng từ nhà cung cấp trang bị từ tỉnh đến cơ sở để tổ chức các hội nghị trực tuyến học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, thông tin thời sự chuyên đề, chỉ đạo điều hành trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thông tin, tuyên truyền pháp luật... một cách kịp thời, đáp ứng yêu cầu thông tin cơ sở, nhất là trong những tình huống khẩn cấp.

Đồng thời, tập trung tổ chức lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật làm công tác TTCS của các ban, ngành và địa phương, cơ quan, đơn vị. Hiện nay, toàn tỉnh có 158 cán bộ phụ trách về thông tin cơ sở, trong đó có 85 cán bộ kiêm nhiệm và 73 người hoạt động không chuyên trách; 12/12 đài truyền thanh cấp huyện đã sáp nhập thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao theo Quyết định 308/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quản lý hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020; 131/142 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh, trong đó có 127 xã sử dụng công nghệ phát thanh truyền thống (có dây/không dây), 04 xã sử dụng công nghệ phát thanh ứng dụng Công nghệ thông tin-Viễn thông; 119 điểm bưu điện văn hoá xã đảm bảo cung ứng các dịch vụ bưu chính cơ bản và một số dịch vụ khác (bảo hiểm, tài chính, dịch vụ bưu chính công ích…) cho người dân.

Cùng với việc duy trì và phát huy hiệu quả truyền thông theo cách thức truyền thống, các cấp uỷ đảng, chính quyền đã quan tâm đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết chế thông tin, đầu tư các phương tiện truyền thông hiện đại, giúp người dân thụ hưởng thành quả công nghệ, tiếp cận thông tin một cách đa chiều, dễ dàng, thuận lợi. Đặc biệt, đầu tư, lắp đặt trang bị phương tiện tác nghiệp, tiến hành thay thế các cụm loa cho hệ thống truyền thanh cơ sở của 31 xã nhằm tập trung tuyên truyền các phong trào thi đua, các cuộc vận động … góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; vận động Nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia phòng chống các loại tội phạm về tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Xác định công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Định kỳ hàng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức giao ban báo chí để định hướng thông tin, tuyên truyền nhằm phát huy vai trò nòng cốt trong thông tin, tuyên truyền lan tỏa những thông tin tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thông tin, tuyên truyền thông qua các hoạt động phong trào, sinh hoạt đoàn thể, hội nhóm, chiến dịch tình nguyện, các hội nghị tập huấn, tiếp xúc cử tri, Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử...; tổ chức tiếp nhận thông tin và trả lời thông tin phản ánh của người dân thông qua công tác thông tin cơ sở; trong đó, huyện Đạ Tẻh đã xây dựng Ứng dụng “Đạ Tẻh trực tuyến” để kết nối người dân với chính quyền; đồng thời ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh của Nhân dân qua ứng dụng. Công tác TTCS được quan tâm tăng cường gắn với tuyên truyền thông tin đối ngoại qua các kênh báo chí, truyền thông trong và ngoài tỉnh.

Các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông vào hoạt động như: mua sắm các thiết bị hiện đại; phần mềm ứng dụng trong thông tin truyền thanh, đầu tư, nâng cấp trang thông tin điện tử, xây dựng mạng nội bộ, xây dựng phòng họp trực tuyến, ứng dụng các mạng xã hội, viễn thông để thông tin. Hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức 11 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho hơn 1.900 cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông ở cơ sở.

Ngày nay, hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ, hiện đại và rộng khắp, kết nối với quốc tế và đang từng bước hình thành các siêu “xa lộ” thông tin. Lĩnh vực TTCS đứng trước những cơ hội, vận hội mới để chuyển mình - thực hiện đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa để đưa thông tin thiết yếu tiếp cận đến người dân được nhanh nhất, đầy đủ nhất, chính xác nhất. Đòi hỏi, các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu phải luôn coi công tác TTCS là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị; chú trọng, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn hướng dẫn nghiệp vụ, kiến thức kỹ thuật, công nghệ, chuyên môn nghiệp vụ thông tin cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở hiện có (đài truyền thanh cấp huyện và cấp xã, đội tuyên truyền lưu động cấp huyện, điểm bưu điện - văn hóa xã, tủ sách pháp luật….) để phục vụ người dân, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và phù hợp với thực tế địa phương trong tình hình mới.

Thùy Ngà

Lượt xem: 662
Văn bản mới
  • Số 200-HD/BTGTU 19/11/2024 Các hình thức tổ chức biểu dương, khen thưởng và gặp mặt các tập thể, ...
  • Số 198-HD/BTGTU 01/11/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 11 năm 2024
  • Số 1423-CV/BTGTU 28/10/2024 Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024)
  • Số 1415-CV/BTGTU 23/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 ...
  • Số 9743-HD/BTGTW 16/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bô các cấp nhiệm kỳ 2025-2023 ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004178092
  •  Đang online: 309
  •  Trong tuần: 4.802
  •  Trong tháng: 181.552
  •  Trong năm: 1.879.133