Asean cần kiên định lập trường nguyên tắc về Biển Đông In trang
23/11/2022 08:14 SA

Ngày 04/11/2002 tại Phnom Penh, Campuchia, nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8, các nước ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á) và Trung Quốc ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (viết tắt theo tiếng Anh là DOC). Đây là văn kiện chính trị đầu tiên và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Ảnh internet
Ảnh internet

Biển Đông là tuyến đường giao thương nhộn nhịp của thế giới, nơi mà các quốc gia có lợi ích đan xen.

Tại Biển Đông hiện đang tồn tại hai loại tranh chấp chủ quyền biển, đảo chủ yếu: (1) Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam; (2) Tranh chấp trong việc xác định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước có vùng biển liền kề hay đối diện ở xung quanh Biển Đông. Đây là những tranh chấp kéo dài, phức tạp và ngày càng gia tăng giữa hai hoặc nhiều bên, tiềm ẩn nguy cơ khó lường, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới.

Cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, trước những diễn biến phức tạp của khu vực Biển Đông, cả ASEAN và Trung Quốc đều nhận thấy cần phải có một Bộ quy tắc ứng xử để điều chỉnh hành vi của các bên liên quan đến Biển Đông.

Trong quá trình đàm phán, ASEAN và Trung Quốc chưa thể đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông mà thay vào đó, hai bên đã nhất trí ký Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông, trong đó thể hiện nhiều cam kết về việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình (của Trung Quốccác hành vi được khuyến khích và các hành vi cần phải kiềm chế…

Ngay sau khi ký kết, để hiện thực hóa các quy định của DOC, các nước ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức nhiều Hội nghị và thông qua Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC. Đây được coi là một bước tiến quan trọng, thể hiện nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong xây dựng DOC thành văn kiện nền tảng góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, giải quyết tranh chấp bằng đối thoại.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 13 (tổ chức tại Hà Nội ngày 29/10/2010) đã khẳng định lại cam kết triển khai đầy đủ, hiệu quả DOC và hướng tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận. Ngày 20/7/2012, Ngoại trưởng các nước ASEAN đã ra Tuyên bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông”, nêu rõ: Thực hiện đầy đủ DOC, Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC và sớm đạt được COC; coi đây là bước đi cấp thiết trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng; đồng thời, tạo tiền đề để giải quyết triệt để và lâu dài đối với tranh chấp phức tạp, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông nói riêng, khu vực và thế giới nói chung.

Đến nay, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC, năm 2002), Hướng dẫn thực hiện Tuyên bố DOC (năm 2011), Khung cho Bộ quy tắc (năm 2017), và một “Văn bản đàm phán dự thảo duy nhất” (năm 2018). Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã cản trở tất cả cuộc họp năm 2020 và các cuộc đàm phán chỉ được nối lại sau ngày 07/6/2021 (Hội nghị cấp cao lần thứ 19 ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (SOM DOC) tại Trùng Khánh (Trung Quốc).

20 năm qua, DOC đã phát huy được vai trò của mình trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. ASEAN và Trung Quốc nỗ lực triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, trong đó có hợp tác bảo vệ môi trường biển, đảm bảo đối xử nhân đạo và công bằng đối với ngư dân, hợp tác tuần tra chung giữa các quốc gia trong khu vực, hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm trên biển và các hoạt động kinh tế…

Xuất phát từ chính sách đối ngoại hòa bình, Việt Nam luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm tuân thủ các cam kết trong DOC; có các bước đi thích hợp để các nước hiểu rõ lập trường của Việt Nam về Biển Đông, kiên trì cùng các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982; thúc đẩy thực hiện đầy đủ DOC, tiến tới xây dựng COC nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Việt Nam cũng tăng cường mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực về biển với các nước láng giềng theo tinh thần của DOC; đồng thời, kiên quyết yêu cầu các nước liên quan thực hiện đúng các cam kết trong văn kiện này. Các nỗ lực và việc làm của Việt Nam được dư luận quốc tế, khu vực đánh giá cao, coi đó là những đóng góp tích cực cùng các nước ASEAN và Trung Quốc hiện thực hóa DOC.

Tuy nhiên, các nước trong cộng đồng ASEAN và nhiều quốc gia trên Thế giới  bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông thời gian qua, trong đó có các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho tiến trình hợp tác thực hiện DOC và đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông; làm phương hại môi trường biển và vẫn chưa có những hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu biển với các nước xung quanh Biển Đông theo tinh thần DOC…

Liên Hiệp Quốc đã xác định “Thập kỷ đại dương” từ năm 2021-2030; các quốc gia trên thế giới đã và đang thúc đẩy hợp tác ứng phó với các vấn đề an ninh truyền thống như tự do hàng không, hàng hải trên các vùng biển và đại dương trong đó có Biển Đông; trước những diễn biến phức tạp trên thực địa, ảnh hưởng đến hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực, ASEAN cần tiếp tục kiên định lập trường nguyên tắc về Biển Đông. Từ đó, khẳng định quyết tâm của ASEAN xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình và hợp tác, nơi tàu bè qua lại tự do và an toàn, các nước đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế và kỳ vọng hướng đến ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông - nhân tố quan trọng đảm bảo an ninh, ổn định cho khu vực.

 

Vinh Quang

                                                                                        

Lượt xem: 1.090
Văn bản mới
  • Số 206-HD/BTGTU 23/12/2024 Hướng dẫn học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2025 “Học tập và ...
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004383470
  •  Đang online: 55
  •  Trong tuần: 39.134
  •  Trong tháng: 174.161
  •  Trong năm: 2.084.511