Đạ Huoai quan tâm phát triển văn hóa dân tộc thiểu số In trang
06/04/2022 02:05 CH

Những năm gần đây, bên cạnh tập trung phát triển KT-XH, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, lãnh đạo huyện Đạ Huoai đặc biệt quan tâm phát triển văn hóa; nhất là bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Một tiết mục văn nghệ tại Liên hoan các Câu lạc bộ Văn hóa văn nghệ huyện Đạ Huoai. Ảnh T.D.H.
Một tiết mục văn nghệ tại Liên hoan các Câu lạc bộ Văn hóa văn nghệ huyện Đạ Huoai. Ảnh T.D.H.

Quan tâm của Đảng, chính quyền

 Huyện ủy Đạ Huoai xác định: Phát triển văn hóa nhằm tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển của địa phương; do đó, nhiều năm qua, Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong huyện bên cạnh triển khai các nhiệm vụ trong tâm, phải quan tâm, đầu tư phát triển văn hóa, nhất là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS bản địa ở địa phương.

Thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, gắn với Chương trình hành động số 89-CTr/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Huyện ủy Đạ Huoai chỉ đạo UBND huyện xây dựng Đề án về bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên trên địa bàn huyện.

Ông Trần Tân - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Đạ Huoai cho biết: Để có cơ sở thực hiện Đề án, Phòng VH-TT đã khảo sát thực trạng sản phẩm cồng chiêng tại các thôn, buôn; đánh giá khả năng “nội lực” và nguyện vọng về sự gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng của các DTTS trong huyện. Phòng cũng đã phối hợp với Sở VH,TT,DL tỉnh tiến hành kiểm kê tổng thể di sản văn hóa cồng chiêng; thu âm, thu hình các bài chiêng, các làn điệu dân ca, dân vũ của người Mạ, Ko Ho; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về văn hóa cồng chiêng các DTTS gốc Tây Nguyên trên địa bàn huyện…Từ những dữ liệu này, Phòng VH-TT tham mưu UBND huyện triển khai Đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS huyện Đạ Huoai.

Huyện Đạ Huoai hiện có 20% dân số là người DTTS bản địa (Mạ, Kơ Ho), sinh sống tại 22/54 thôn, tổ dân phố của 9 xã, thị trấn. Trong các thôn, buôn của người Mạ, Kơ Ho đều gìn giữ các bộ cồng chiêng cổ để biểu diễn trong các lễ hội dân gian hàng năm; nghề dệt thổ cẩm vẫn lưu truyền trong các gia đình người DTTS; đặc biệt, các làn điệu dân ca, dân vũ, yayal (kể chuyện cổ)… còn khá nguyên vẹn.

Qua tìm hiểu, các già làng Mạ, Kơ Ho đều có chung tâm nguyện: Cần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình trước xu hướng mai một. Điều đáng mừng là hiện nay, trong Nhân dân huyện Đạ Huoai và vùng đồng bào các DTTS, phong trào văn hóa văn nghệ được xây dựng và phát triển rất mạnh. Trong cuộc sống hiện đại, người ta lại muốn quay về với truyền thống, dân dã; đó là sự mộc mạc, gần gũi với đời sống, lao động của người dân vùng thuần nông này.

Từ năm 2018 đến nay, Phòng VH-TT huyện Đạ Huoai tích cực hướng dẫn xây dựng và hoạt động loại hình “Câu lạc bộ Văn hóa văn nghệ” tại các thôn, tổ dân phố  trong huyện. Định kỳ hai năm một lần, Liên hoan Văn hóa văn nghệ được tổ chức từ cấp xã và Chung kết toàn huyện. Chính đây là sự “kích thích” để văn hóa cồng chiêng của đồng bào các DTTS bản địa Đạ Huoai khôi phục và phát triển mạnh mẽ.

Từ Đề án bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa cồng chiêng các dân tộc Tây Nguyên, Sở VH,TT,DL đã cấp 6 bộ cồng chiêng cho 6 xã, thị trấn của Đạ Huoai (có người DTTS sinh sống); phối hợp với UBND huyện Đạ Huoai tổ chức 15 lớp truyền dạy cồng chiêng cho 324 thanh thiếu niên DTTS; hỗ trợ các phương tiện để khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần cho đồng bào các DTTS trong huyện…

Đặc biệt, Huyện ủy và UBND huyện Đạ Huoai đã đầu tư kinh phí mua sắm các dụng cụ sinh hoạt văn hóa cho các thôn, tổ dân phố. Cụ thể, Huyện ủy đã cấp mỗi thôn, tổ dân phố một bộ loa (trị giá 20 triệu đồng/bộ) và cấp 9 bộ cồng chiêng cho 9 thôn DTTS (30 triệu đồng/bộ). Chỉ đạo, đôn đốc chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức cơ sở đảng quan tâm phát triển văn hóa các DTTS gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…

Gắn phát triển văn hóa với du lịch

Có thể nói, từ sự quan tâm và hỗ trợ thiết thực của Đảng, chính quyền và sự nỗ lực của ngành Văn hóa, những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào cac DTTS bản địa ở Đạ Huoai phát triển rất mạnh, lan tỏa đến từng thôn, buôn và được đông đảo Nhân dân tích cực hưởng ứng. Qua đó, phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở phát triển mạnh. Đến nay, 100% thôn, tổ dân phố ở Đạ Huoai đã hình thành, hoạt động sôi nổi các “Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ”, thu hút gần 2.000 thành viên (mọi lứa tuổi) tham gia.

Đạ Huoai hiện có 17/22 thôn, tổ dân phố có người DTTS sinh sống đã có đội cồng chiêng. Các bài chiêng, các làn điều dân ca, dân vũ của đồng bào DTTS được diễn xướng rộn rã trong các dịp lễ, hội. Cách thức chế biến văn hóa ẩm thực, làm nhà dài, làm cây Nêu, dệt thổ cẩm, sản xuất rượu cần… được trao truyền cho thế hệ trẻ.

Điều đáng ghi nhận và “điểm nhấn” là Đạ Huoai đã gắn việc bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS bản địa với phát triển du lịch. Từ việc trang cấp cồng chiêng, dụng cụ sinh hoạt văn hóa cho các thôn, buôn; truyền dạy kỹ thuật đánh cồng chiêng; tổ chức Liên hoan văn hóa cồng chiêng (2 năm/lần) cho Nhân dân toàn huyện… đã khơi gợi ý thức về gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của các DTTS trong cuộc sống đương đại. Đưa văn hóa truyền thống dân tộc bản địa vào phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ đã và đang là yêu cầu của địa phương, mở ra triển vọng bảo tồn và phát huy triệt để các giá trị văn hóa đặc sắc của các DTTS bản địa ở Đạ Huoai.

Hiện nay, Đạ Huoai đã thành lập 01 Hợp tác xã dệt thổ cẩm; xây dựng phòng trưng bày thổ cẩm tại Khu du lịch Rừng Madagui phục vụ khách tham quan, giới thiệu sản phẩm. Ngoài các đội cồng chiêng tại các thôn, buôn, huyện cũng đã thành lập 04 Nhóm cồng chiêng thường xuyên biểu diễn tại các điểm du lịch phục vụ du khách. Các đặc sản: Rượu cần, cơm lam, cá suối, rau rừng… của đồng bào DTTS huyện Đạ Huoai đã trở thành “thương hiệu” độc, lạ thu hút khách du lịch thập phương.

Xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, nói chung, bảo tồn và và phát huy di sản văn hóa các DTTS gắn với du lịch của huyện Đạ Huoai đã mở ra bước đi “đúng hướng” trong tương lai...

 

Thanh Hồng

 

 

Lượt xem: 730
Văn bản mới
  • Số 206-HD/BTGTU 23/12/2024 Hướng dẫn học tập, quán triệt, tuyên truyền Chuyên đề năm 2025 “Học tập và ...
  • Số 92-KH/BTGTU 19/12/2024 Kế hoạch tổ chức chào cờ và sinh hoạt chính trị năm 2025
  • Số 1492-CV/BTGTU 18/12/2024 Tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
  • Số 204-HD/BTGTU 09/12/2024 Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê ...
  • Số: 1720/STTTT - TTr 06/12/2024 Về việc cảnh báo thủ đoạn cắt ghép hình ảnh cá nhân vào clip “nhạy ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004390441
  •  Đang online: 89
  •  Trong tuần: 530
  •  Trong tháng: 181.132
  •  Trong năm: 2.091.482