ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ PHÙNG CHÍ KIÊN (18/5/1901-18/5/2021) In trang
10/05/2021 03:34 CH

 

 

I. KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ PHÙNG CHÍ KIÊN

 

Đồng chí Phùng Chí Kiên tên thật là Nguyễn Vĩ, sinh ngày 18/5/1901 trong một gia đình nông dân ở làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) một quê hương giàu truyền thống cách mạng. Học hết bậc sơ học, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, Nguyễn Vĩ phải nghỉ học ở nhà làm ruộng. Vốn là người thông minh, có ý chí, ham học hỏi nhưng lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, tận mắt chứng kiến bao nỗi đau của quê hương, đất nước, Nguyễn Vĩ đã sớm mang trong mình những khát khao, hoài bão cứu nhà, cứu nước, cứu dân.

Năm 1925, Nguyễn Vĩ ra làm thuê ở ga Yên Lý, Diễn Châu. Tại đây, Nguyễn Vĩ gặp gỡ, giao lưu với nhiều tầng lớp người, nhiều luồng tư tưởng, trong đó có cả những người đã từng tham gia Hội Duy Tân của Phan Bội Châu, qua đó, Nguyễn Vĩ đã biết được những hoạt động của Hội và sớm tiếp cận ánh sáng tư tưởng tiến bộ; được biết những tin tức về thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga, về phong trào cộng sản quốc tế, về những hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Châu. Thời gian này, Tổng hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Châu, Trung Quốc đã cử cán bộ về Nghệ Tĩnh hoạt động, Nguyễn Vĩ được giác ngộ, dìu dắt, giúp đỡ, kết nạp vào Hội.

Tháng 10/1926, Nguyễn Vĩ được tổ chức cử đến Quảng Châu, dự lớp huấn luyện chính trị đầu tiên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Nguyễn Vĩ đổi tên là Phùng Chí Kiên, sau khóa học, Phùng Chí Kiên được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi vào học Trường Quân sự Hoàng Phố. Năm sau, do Tưởng Giới Thạch phản bội, nhà trường bị đóng cửa, Phùng Chí Kiên cùng với cán bộ cách mạng Việt Nam đứng về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại hành động phản cách mạng của bọn quân phiệt.

Tháng 12/1927, khi khởi nghĩa ở Quảng Châu nổ ra, Phùng Chí Kiên chỉ huy một đơn vị của đội quân cộng sản. Ngày 30/12/1928, đồng chí Phùng Chí Kiên bị quân Tưởng bắt và giam trong nhà tù Quảng Châu. Sau 9 tháng giam cầm, Phùng Chí Kiên được trả tự do và trở lại Trường Quân sự Hoàng Phố.

Tháng 12/1929, Phùng Chí Kiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, gia nhập Hồng quân và thời gian sau được tín nhiệm và được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4, quân đoàn 2, Hồng quân Đông Giang.

Tháng 12/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương gọi Phùng Chí Kiên về Hồng Kông. Tại đây, đồng chí được gặp lại Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được truyền đạt những chủ trương, đường lối mới của Đảng sau Hội nghị hợp nhất. Những ngày ở Hồng Kông, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 1/1931, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi Phùng Chí Kiên sang học trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản.

Năm 1934, đồng chí Phùng Chí Kiên về Ma Cao, Trung Quốc và tham gia Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Tháng 3/1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao, Trung Quốc, đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định vào Ban Thường vụ của Đảng.

Giữa năm 1937, đồng chí Phùng Chí Kiên được cử về Sài Gòn cùng đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Do yêu cầu mới của cách mạng, cuối năm 1937, đồng chí quay lại Hồng Kông, Trung Quốc lãnh đạo Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng thay cho đồng chí Lê Hồng Phong về nước hoạt động. Với tư cách là người được Ban Chấp hành Trung ương phân công phụ trách công việc ở ngoài, đồng chí không thể rời bỏ công việc của mình và thường xuyên giữ liên lạc không bị ngắt quãng với trong nước, với Đảng Cộng sản Xiêm, Đảng Cộng sản Trung Quốc cho đến cuối tháng 10/1938 khi đồng chí bị bắt. Sau khi được trả tự do và bị trục xuất khỏi Hồng Kông, đồng chí Phùng Chí Kiên có mặt tại Côn Minh, sẵn sàng cho những công việc mới của Đảng, của cách mạng trong hoàn cảnh mới.

Đầu năm 1940, Nguyễn Ái Quốc đến Côn Minh, Trung Quốc, thời gian này, Phùng Chí Kiên được làm việc gần Người và nhiều lần đưa Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi thăm và khảo sát những cơ sở cách mạng dọc tuyến đường sắt Côn Minh - Hà Khẩu.

Tháng 6/1940, Pháp đầu hàng Đức, Nhật nhảy vào Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc xem đây như là thời cơ đã từng mong đợi cho việc trở về nước của mình, Người cùng với Ban Chỉ huy ở ngoài lựa chọn địa điểm về Tổ quốc.

Ngày 28/1/1941, Phùng Chí Kiên theo Nguyễn Ái Quốc về Pắc Pó, tỉnh Cao Bằng. Ở đây, đồng chí hoạt động bên cạnh Người và đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, bảo vệ khu căn cứ. Để có tài liệu giảng dạy cho cán bộ địa phương, Nguyễn Ái Quốc lại giao cho Phùng Chí Kiên soạn thảo các bài viết về “Con đường giải phóng dân tộc”, trong đó có nội dung về đấu tranh vũ trang, chiến tranh cách mạng, chiến thuật chiến tranh du kích, đồng thời tổ chức các lớp huấn luyện quân sự cho các địa phương ở Cao Bằng, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và các tỉnh miền xuôi.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5/1941), đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được phân công phụ trách công tác quân sự Đảng, trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và Đội Cứu quốc quân.

Tháng 9/1940, Khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, gây tiếng vang lớn trong cả nước, làm thực dân Pháp ra sức tìm cách đối phó. Cuối tháng 6/1941, chúng mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ cách mạng của ta nhằm bắt các đồng chí lãnh đạo Đảng, tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh và lực lượng vũ trang cách mạng mới hình thành. Chúng huy động tới 4.000 quân, đủ các sắc lính cùng bọn cường hào phản động địa phương, tổ chức tấn công khu căn cứ. Phùng Chí Kiên chỉ huy đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chiến đấu, phá một số trận càn lớn của Pháp. Do chênh lệch lực lượng và vũ khí, Ban lãnh đạo căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai quyết định để lại một tiểu đội chặn đối phương, còn hai tiểu đội phá vòng vây, rút lên Cao Bằng để bảo toàn lực lượng.

Ngày 19/8/1941, cánh quân do đồng chí Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri (Ủy viên thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ) chỉ huy qua Pò Kép (Châu Na Rì, Bắc Kạn) thì bị địch phục kích, nhưng đơn vị thoát được. Ngày 21/8, đơn vị lại bị phục kích tại xã Bằng Đức trên đường đi Cao Bằng. Mặc dù bị thương nặng, đồng chí Phùng Chí Kiên vẫn giữ chặt khẩu súng, bắn chặn quân địch để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Bắn hết viên đạn cuối cùng, đồng chí sa vào tay giặc.

Ngày 22/8/1941, địch chặt đầu Đồng chí rồi đem cắm ở đầu cầu Ngân Sơn để hòng uy hiếp tinh thần cán bộ và Nhân dân địa phương.

Ngày 23/9/1947, ghi nhận công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89/SL truy phong cấp tướng cho đồng chí Phùng Chí Kiên. Đây là sắc lệnh phong tướng đầu tiên của Nhà nước ta.

Tháng 11/2003, Đảng, Chính phủ ra quyết định công nhận đồng chí Phùng Chí Kiên là nguyên ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I), cán bộ lãnh đạo quân đội cấp tướng, liệt sĩ hy sinh anh dũng trong chiến đấu.

II. ĐỒNG CHÍ PHÙNG CHÍ KIÊN - NGƯỜI CỘNG SẢN MẪU MỰC, NHÀ CHÍNH TRỊ, QUÂN SỰ SONG TOÀN

1. Người cộng sản mẫu mực

Cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Phùng Chí Kiên để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một gương sáng mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản trên nhiều phương diện.

Đó là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tư do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, giữ vững ý chí chiến đấu đến cùng.

Những năm tháng đồng chí Phùng Chí Kiên hoạt động ở nước ngoài (Trung Quốc và Liên Xô) là lúc phong trào cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn, đây là giai đoạn đồng chí hoạt động trên nhiều phương diện khác nhau, như: học tập, nghiên cứu lý luận, khảo sát và hoạt động thực tiễn, đặc biệt chuẩn bị những nội dung cho Đại hội Đảng lần thứ I, một đại hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo bước ngoặt, đánh dấu sự phục hồi của phong trào cách mạng. Cùng với đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Phùng Chí Kiên đã làm hết sức mình, tổ chức tốt Đại hội Đảng, góp phần khôi phục tổ chức của Đảng, đưa phong trào cách mạng nước ta bước sang giai đoạn mới.

Những năm tháng được hoạt động bên cạnh Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, với nhiều trọng trách khác nhau (huấn luyện, đào tạo cán bộ, chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bảo vệ, xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Bắc Sơn - Võ Nhai…), đồng chí Phùng Chí Kiên đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã giữ vững khí tiết cách mạng, nguyện hy sinh đến hơi thở cuối cùng để bảo toàn lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài mà Đảng và dân tộc sẽ phải trải qua.

Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, giữ vững ý thức tổ chức kỷ luật và ý chí chiến đấu, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nghị quyết của Đảng.

Là một nhà chính trị, quân sự song toàn, được đào tạo cơ bản, có thể làm việc và hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng đồng chí Phùng Chí Kiên luôn chấp hành sự phân công của Đảng. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (tháng 7/1936) dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, đồng chí Phùng Chí Kiên cùng một số đồng chí khác trong Ban Chấp hành Trung ương được cử về nước hoạt động và được phân công phụ trách công tác quân sự.

Luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, giữ vững ý thức tổ chức kỷ luật và ý chí chiến đấu, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nghị quyết của Đảng.

Là một nhà chính trị, quân sự song toàn, được đào tạo cơ bản, có thể làm việc và hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng đồng chí Phùng Chí Kiên luôn chấp hành sự phân công của Đảng. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (tháng 7/1936) dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, đồng chí Phùng Chí Kiên cùng một số đồng chí khác trong Ban Cấp hành Trung ương được cử về nước hoạt động và được phân công phụ trách công tác quân sự.

Những năm tháng hoạt động cách mạng, đồng chí Phùng Chí Kiên luôn chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên và tổ chức, trên mọi công việc được phân công, đồng chí luôn nỗ lực hoàn thành với chất lượng và hiệu quả cao. Đồng chí luôn nhận thức đúng đắn và rõ ràng bất cứ việc gì có lợi cho dân, cho nước, cho Đảng thì sẵn sàng nhận và hoàn thành với chất lượng tốt nhất.

Gương mẫu trong công tác, giản dị trong lối sống, gần gũi, hòa mình với đồng bào, đồng chí

Ở tuổi thiếu niên, Phùng Chí Kiên đã có một lối sống hòa đồng, gần gũi, chan hòa với bạn bè. Trong quá trình hoạt động cách mạng, nhân cách của đồng chí được khắc họa rõ nét; đặc biệt những tố chất về chính trị và quân sự của đồng chí đều được thể hiện qua phong cách, phương pháp, cụ thể. Đó là, tác phong làm việc khoa học, sâu sắc, luôn xuất phát từ thực tiễn, bám sát phong trào quần chúng; thái độ làm việc nhiệt tình, năng nổ, không ngại khó khăn, gian khổ, việc nào cũng làm hết lòng hết sức. Đồng chí Phùng Chí Kiên là người mà lời nói luôn đi đôi với việc làm, luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân “Đồng chí là một cán bộ có đức độ và tài năng cả chính trị và quân sự, được đào tạo cơ bản, nhạy bén phát hiện tình hình, sống gần gũi, hòa mình với đồng chí, đồng bào, nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Bác và Trung ương”[1].

2. Nhà chính trị, quân sự tài ba, lỗi lạc

Lòng yêu nước, chí căm thù đế quốc xâm lược, khát khao thực hiện giải phóng dân tộc của đồng chí Phùng Chí Kiên đã gây được những ấn tượng mạnh mẽ đối với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tố chất thông minh, nhạy cảm trong học tập tiếp thu khoa học quân sự của đồng chí đã được Trường Quân sự Hoàng Phố, nơi Phùng Chí Kiên theo học khóa V nhận xét “rất nghiêm chỉnh, cần cù lao động, dốc hết sức để học tập, bởi vì họ biết rằng để giành chính quyền về tay công nông, phải cầm lấy vũ khí chiến đấu và chỉ có tri thức quân sự mới giúp họ bảo vệ cách mạng khỏi thù trong, giặc ngoài”; Trường Đại học Phương Đông và cố vấn quân sự Liên Xô nhận xét: “Qua học tập và rèn luyện, đồng chí Phùng Chí Kiên tỏ rõ là người có năng lực về quân sự”; được đánh giá “là một thanh niên có đầu óc quân sự và kỹ thuật…, có khả năng lớn về công tác năng động”[2].

Trong thời gian học tập ở Trường Quân sự Hoàng Phố, đồng chí Phùng Chí Kiên đã có nhiều đóng góp cho Đảng Cộng sản và Hồng Quân Trung Quốc; đồng chí tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong tổ chức xây dựng đơn vị quân đội, chỉ huy các trận đánh và các chiến thuật tác chiến. Trong thời gian học tập ở Trường Đại học Phương Đông, đồng chí Phùng Chí Kiên được đào tạo một khóa đặc biệt về mật mã quân sự và sử dụng vô tuyến điện, sau khi tốt nghiệp, đồng chí về Thượng Hải hoạt động trong Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng và được bố trí vào công tác chuyên môn này.

Tài năng quân sự của đồng chí Phùng Chí Kiên được bộc lộ rõ nhất trong thời kỳ hoạt động ở Pắc Pó, Cao Bằng. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ do Tổng Bí thư Trường Chinh giao, đồng chí Phùng Chí Kiên bắt tay ngay vào việc củng cố, xây dựng các cơ sở cách mạng, tổ chức đảng, đoàn thể. Một trong những bài học lớn nhất và có giá trị nhất được đồng chí vận dụng một cách sáng tạo vào công việc lúc bấy giờ trên cương vị Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân là dựa vào dân, bám trụ vào dân, có dân là có tất cả. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phùng Chí Kiên, Đội Cứu quốc quân đã bảo vệ an toàn Khu căn cứ Bắc Sơn, giúp xây dựng và phát triển các đội tự vệ, du kích tại các địa phương khác; bảo vệ an toàn cho các đồng chí cán bộ Trung ương Đảng về quán triệt Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII; tổ chức đánh các đồn lẻ của địch, thu vũ khí.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, đồng chí còn truyền đạt những kiến thức cơ bản về quân sự, nhất là chiến thuật du kích cho cán bộ về dự Hội nghị quán triệt Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII, để khi trở về địa phương họ sẽ phổ biến cho tự vệ và quần chúng cách mạng; đồng chí cùng toàn Đội tổ chức họp đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng, củng cố khu căn cứ; đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động, củng cố lực lượng, phát triển phong trào cách mạng, sẵn sàng chống địch khủng bố.

Kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong thời kỳ chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa còn đang dang dở thì thực dân Pháp điên cuồng khủng bố, tập trung bủa vây hòng tiêu diệt lực lượng cán bộ nòng cốt của ta ở Khu căn cứ. Trước tình hình đó, đồng chí đã vận dụng nhuần nhuyễn những quan điểm cơ bản về kháng chiến toàn dân, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nguyên tắc tác chiến du kích để bảo vệ an toàn cho cán bộ về dự Hội nghị quán triệt Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII; đồng thời, đưa các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng về dưới xuôi an toàn. Với quan điểm phải bảo vệ “vốn liếng” quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này, Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri chủ trương rút quân ra khỏi vòng vây của địch, chỉ để lại một tiểu đội bí mật hoạt động. Tháng 8/1941, Cứu quốc quân chia làm hai cánh rút về phía Cao Bằng và Lạng Sơn. Cánh quân rút về phía Lạng Sơn do đồng chí Hoàng Văn Thái và Đặng Văn Cáp chỉ huy từ Khuổi Nọi sang huyện Bình Gia lên Văn Mịch, Thất Khê, sau đó sang biên giới Việt - Trung an toàn. Cánh quân rút về phía Cao Bằng, khi qua vùng Na Rì (Bắc Cạn), bị địch phục kích, đồng chí kiên cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đã anh dũng hy sinh vào ngày 22/8/1941, khi mới 40 tuổi, trong lúc tài năng đang nở rộ.

3. Người chiến sĩ cộng sản quốc tế, nhà chính trị sắc sảo

Việc Phùng Chí Kiên tìm đến Quảng Châu, trung tâm đạo tào huấn luyện cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, là biểu hiện nhạy bén của một tư duy chính trị sáng suốt. Sau một thời gian ngắn đến Quảng Châu, với nhiệt huyết cách mạng, tư chất thông minh, Phùng Chí Kiên đã được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhóm cố vấn quân sự Nga chọn cùng một số thanh niên Việt Nam khác đưa vào đào tạo tại Trường Quân sự Hoàng Phố của Chính phủ Tôn Trung Sơn.

Khi Đảng Cộng sản và phong trào cách mạng Trung Quốc bị lực lượng của Tưởng Giới Thạch đán áp, Phùng Chí Kiên đã cùng nhiều cán bộ cách mạng Việt Nam đứng về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc, trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu, chống lực lượng phản cách mạng.

Là một chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi, tuy chưa được trải qua thử thách và mới được dự một khóa duy nhất ở Quảng Châu do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo, nhưng sự kiện tham gia cuộc khởi nghĩa ở Quảng Châu chứng tỏ đồng chí Phùng Chí Kiên, với lòng quả cảm, sẵn sàng hy sinh xương máu, hiến dâng tất cả cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Trung Quốc, đã khẳng định tinh thần quốc tế vô sản cao cả của những người cách mạng Việt Nam.

Trong những năm học tại Trường Đại học Phương Đông, tình hình cách mạng trong nước gặp muôn vàn khó khăn. Dưới ánh sáng tư tưởng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Phùng Chí Kiên sớm xác định cho mình động cơ, tinh thần cách mạng và thái độ học tập nghiêm túc để về nước phục vụ sự nghiệp giải phóng đất nước, đồng chí đã tận dụng mọi cơ hội để kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết trong các bài giảng với cuộc sống thực tiễn. Sau khi kết thúc khóa học ở Trường Đại học Phương Đông, đồng chí Phùng Chí Kiên cùng với các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt đã quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng và việc khôi phục phong trào cách mạng, trong đó có việc tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Đảng. Đóng góp lớn nhất của đồng chí Phùng Chí Kiên khi về công tác ở Ban Chỉ huy ở ngoài từ giữa năm 1934 và cùng đồng chí Hà Huy Tập dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng (tháng 3/1935) khi đồng chí Lê Hồng Phong đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Nghị quyết chính trị và nhiều nghị quyết quan trọng khác được thông qua tại Đại hội dưới sự chủ trì của các đồng chí Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên và một số đồng chí khác, tuy còn có những điểm “không sát với phong trào cách mạng thế giới và trong nước lúc bấy giờ”[3], nhưng đã chứng tỏ sự chủ động, nhạy bén về chính trị của những người chủ trì. Việc đồng chí Phùng Chí Kiên được chỉ định vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản, lãnh đạo Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng là sự ghi nhận của tổ chức đảng đối với đồng chí về trình độ chính trị và đạo đức cách mạng. Với 16 năm hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, đồng chí Phùng Chí Kiên đã để lại những dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển của cách mạng của Đảng ta, quân đội ta, không chỉ về mặt tổ chức mà cả về mặt đường lối cách mạng.

*

*   *

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phùng Chí Kiên, là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam học tập, noi theo, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Lượt xem: 733
Văn bản mới
  • Số 200-HD/BTGTU 19/11/2024 Các hình thức tổ chức biểu dương, khen thưởng và gặp mặt các tập thể, ...
  • Số 198-HD/BTGTU 01/11/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền và tuyên truyền miệng tháng 11 năm 2024
  • Số 1423-CV/BTGTU 28/10/2024 Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024)
  • Số 1415-CV/BTGTU 23/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 ...
  • Số 9743-HD/BTGTW 16/10/2024 Hướng dẫn trang trí khánh tiết đại hội đảng bô các cấp nhiệm kỳ 2025-2023 ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004177547
  •  Đang online: 113
  •  Trong tuần: 4.257
  •  Trong tháng: 181.007
  •  Trong năm: 1.878.588