Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên ngành giáo dục cả nước, nói chung ngành giáo dục Lâm Đồng triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng chương trình giáo dục tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học ở các cấp học, lớp học theo mục tiêu giáo dục mới.
Lâm Đồng hiện có 246 trường tiểu học và 17 trường phổ thông có lớp tiểu học với 26.926 học sinh lớp 1 (biên chế 867 lớp 1). Các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai và Cát Tiên lựa chọn bộ sách số 1 có tên: “Kết nối tri thức với cuộc sống”; 181 trường tiểu học và 15 trường phổ thông có lớp tiểu học với số lượng 18.994 học sinh lớp 1. Tại Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đạ Tẻh có 66 trường tiểu học và 02 trường phổ thông có lớp tiểu học lựa chọn bộ sách số 2 có tên: “Chân trời sáng tạo”, số lượng 7.932 học sinh lớp 1.
Do thời gian đầu cả giáo viên và học sinh lớp 1 còn bỡ ngỡ, ngành giáo dục đã tổ chức các chuyên đề tại các cụm chuyên môn nhằm tháo gỡ khó khăn và tư vấn, hướng dẫn thực hiện. Ngày 23/10/2020, Ngành giáo dục đã tổ chức Hội thảo Chuyên đề “Dạy học Tiếng việt lớp 1 và sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học” tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm -Đà Lạt; ngày 30/10/2020, được Phòng GD-ĐT TP.Đà Lạt chỉ định, Trường Tiểu học Thực nghiệm Lê Qúy Đôn tổ chức Chuyên đề “Dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh lớp 1, qua việc hình thành số đếm trong phạm vi 10”. Qua kiểm tra học kỳ (HK)1, đối với lớp 1 đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục cải thiện so với cùng kỳ năm học 2019-2020.
Học sinh Trường Tiểu học thực nghiệm Lê Qúy Đôn, thành phố Đà Lạt.
Năm học 2020-2021, ngành giáo dục thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa thực hiện phòng chống dịch Covid-19, vừa nỗ lực triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 1. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh tiểu học ở nhà thời gian dài. Đặc biệt trước khi vào lớp 1, trẻ 6 tuổi không được học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi, không được hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần trước khi vào lớp 1. Bên cạnh đó, việc triển khai tập huấn bị gián đoạn và ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ và chất lượng, hạn chế thời gian, ít được tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình mới…
Song, sau một HK triển khai, các trường tiểu học đã thực hiện chương trình GDPT mới linh hoạt, hiệu quả; các giáo viên dạy lớp 1 bước đầu áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; nề nếp dạy học bước đầu ổn định, tạo được sự chủ động, tự tin trong học tập cho học sinh lớp 1 đối với hầu hết các môn học…
Điều đáng ghi nhận là nhận thức của giáo viên về thực hiện chương trình GDPT mới được nâng lên; việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất có nhiều chuyển biến. Các địa phương trong tỉnh đã quan tâm, ưu tiên các nguồn lực cho học sinh lớp 1. Để thực hiện chương trình theo chuẩn đầu ra quy định, tất cả học sinh lớp 1 được tổ chức học 2 buổi/ngày, giáo viên hướng dẫn học sinh hoàn thành nhiệm vụ tại lớp, không giao bài tập về nhà để học sinh có thời gian nghỉ và trải nghiệm thực tế, hình thành các năng lực, phẩm chất theo yêu cầu cần đạt của chương trình GDTP mới.
Học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, thành phố Đà Lạt
Việc triển khai nhiệm vụ HK vừa qua cũng còn một số hạn chế như: một bộ phận cán bộ quản lý (CBQL) chưa thực sự quan tâm xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh; việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá ở một số CBQL, giáo viên còn chậm; trình độ công nghệ thông tin của một số giáo viên hạn chế nên quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và triển khai hồ sơ điện tử, học bạ điện tử, công tác bồi dưỡng theo chương trình GDPT 2018… gặp khó khăn.
Hiện nay, các nhà trường đang triển khai song song hai chương trình: Lớp 1 thực hiện chương trình GDPT mới, lớp 2 đến lớp 5 thực hiện chương trình GDPT hiện hành, cùng một trường nhưng triển khai hai chương trình theo chuẩn đầu ra khác nhau. Vì vậy, các trường rất nỗ lực, cố gắng, để triển khai thực hiện chương trình có hiệu quả, đúng yêu cầu; tạo nền móng vững chắc cho các lớp và cấp bậc học tiếp theo…
Các địa phương đã tiến hành rà soát cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu thực tiễn; xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng, cân đối về cơ cấu giáo viên, nhân viên, nhất là các môn Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT mới.
Việc biên soạn và thẩm định tài liệu giáo dục; chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí và bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022 theo chương trình mới đang được các địa phương tích cực triển khai. Tính đến nay, có gần 90% giáo viên phổ thông cốt cán và trên 95% CBQL cơ sở GDPT cốt cán hoàn thành 03 modul tập huấn (modul 1, 2, 3). Công tác bồi dưỡng cán bộ, giáo viên đại trà cũng tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu năm 2021 hoàn thành bồi dưỡng 4 modul cho tất cả giáo viên.
Việc đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29, toàn ngành đã và đang tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, là “bước đệm” để các nhà trường triển khai hiệu Chương trình GDPT mới. Năm học 2021-2022 sẽ bắt đầu áp dụng chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6. Tuy không phải lớp đầu tiên thực hiện chương trình này, song với nhiều môn học mới và những đòi hỏi cao hơn về phương pháp, nên rất cần sự chuẩn bị chu đáo trong toàn ngành giáo dục...
Bài và ảnh: Hằng Nga