Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người Việt dù có đi đâu, ở đâu cũng sẽ quay về sum họp với gia đình và cùng nhau gói những chiếc bánh chưng, bánh tét trong mâm cỗ Tết để cúng gia tiên.
Nếp Quýt đóng gói
Bánh chưng, bánh tét trong tiềm thức người Việt là món ăn đặc trưng của dân tộc, là cảm giác háo hức ngồi canh nồi bánh đầy ấm cúng, hay đơn giản chỉ là bữa cơm gia đình ấm áp trong ngày đầu năm mới.
Nếu bánh chưng là nét văn hóa lâu đời của người miền Bắc, bánh tét lại được người dân miền Nam ưa chuộng hơn. Còn người miền Trung dùng cả bánh chưng và bánh tét, tuỳ theo khu vực.
Nhắc đến bánh chưng, bánh tét trong ngày tết, lại chợt nhớ đến thương hiệu “Nếp quýt Đạ Tẻh”. Ngày Tết cổ truyền của dân tộc, hương vị thơm, dẻo của bánh chưng xanh, bánh tét được làm từ hạt Nếp Quýt Đạ Tẻh khiến người ta bồi hồi nhớ tới một miền quê dung dị, bình yên trên vùng đất Nam Tây Nguyên này. Hằng năm, kết thúc vụ mùa, bắt đầu vụ đông - xuân cũng là thời điểm cận Tết Nguyên đán cổ truyền của người Việt. Chính vì lẽ đó, hương vị Nếp Quýt lại vươn mình bay xa đến với mọi nhà, mọi người. Và điều đặc biệt hơn, Nếp Quýt đã chính thức được xuất khẩu sang Mỹ, góp phần khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đạ Tẻh được biết đến là vùng sản xuất lương thực trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng với diện tích trồng lúa khoảng 2.300 ha. Trong những năm qua huyện Đạ Tẻh tập trung xây dựng cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất đồng trà, đồng vụ, ứng dụng công nghệ cao ở các khâu sản xuất theo chốt tại các xã: An Nhơn (650 ha), Thị trấn Đạ Tẻh (1.000 ha), Đạ Kho (200ha), Triệu Hải (150ha). Tại vùng sản xuất đã ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào các khâu sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả như: Áp dụng cơ giới trong khâu làm đất và thu hoạch đạt 100% diện tích; sử dụng giống lúa xác nhận, có năng suất cao, chất lượng gạo thơm, dẻo vào sản xuất đại trà như: Nếp Quýt, ST24, Việt Đài, RVT, OM 4900, OM 5451...
Đặc biệt, nơi đây chính là vùng chuyên canh sản xuất lúa Nếp Quýt với diện tích 450ha nằm trong vùng lúa ứng dụng công nghệ cao của huyện, toàn bộ diện tích tổ chức sản xuất và được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ tại khu vực xã An Nhơn, thị trấn Đạ Tẻh với diện tích hơn 450 ha (riêng tại xã An Nhơn có tới 375 ha, trong đó có 05 ha sản xuất hữu cơ).
Được biết, Nếp Quýt được thầy giáo Ma Ngọc Thanh đưa từ Cao Bằng vào vùng đất An Nhơn, trồng thử nghiệm trên diện tích 800 m2, với 15 kg lúa giống tại thôn 3 (vào năm 2007). Từ lúc gieo mạ cho đến khi lúa trĩu hạt, đều đặn hằng ngày cả sáng và chiều, ông Thanh đều ra thăm đồng. Phát hiện có sâu rầy, ông đến nhà cán bộ khuyến nông trao đổi cách phòng chống… Cây lúa nếp không phụ công chăm sóc, bén duyên với vùng đất mới đã cho một vụ bội thu hơn các giống lúa nếp khác trong vùng. Vụ ấy, ông lựa những bông lúa chuẩn để làm giống cho gia đình và vận động một số bà con trong thôn trồng thử, phần còn lại bán được giá cao hơn Nếp Tàu, Nếp Hà Nội. Sau mấy vụ, Nhân dân trong thôn so sánh thấy trồng Nếp Quýt cho năng suất, chất lượng, giá bán cao nên đã trồng “thử nghiệm” giống nếp mới. Rồi người đi trước truyền kinh nghiệm cho người đi sau. Đến nay, nếp Quýt đã trở thành một trong những giống lúa được người dân trong xã lựa chọn để sản xuất và phát triển kinh tế.
Người dân nơi đây cho biết trong tất cả các giống lúa mà người dân Đạ Tẻh đang trồng thì Nếp Quýt là giống lúa có thời gian sinh trưởng dài nhất. Giống nếp này có đặc điểm là cây cao, thân nhỏ, bông to, hạt bầu tròn, ngắn, có màu trắng đục, không bị biến màu. Đặc biệt, đây là giống nếp có mùi vị thơm ngon, dẻo và hàm lượng dinh dưỡng cao, vị ngọt đặc trưng... Mặc dù đây là loại nếp khó trồng và tốn công chăm sóc, nhưng nhờ có lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, mỗi năm, người nông dân có thể sản xuất được 3 vụ Nếp Quýt thu nhập bình quân trên 120 triệu/ha.
Để nâng cao năng suất và chất lượng, năm 2019, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh cùng Công ty Cổ phần Phát triển xanh thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị thu mua) đã đề xuất với Ủy ban nhân dân huyện Đạ Tẻh xây dựng mô hình sản xuất Nếp Quýt hữu cơ quy mô 5 ha theo tiêu chuẩn TCVN 11041-2.2017 (tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam cho hoạt động trồng và thu hoạch lúa).
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ được cho là phức tạp hơn cả mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, bởi điều kiện về môi trường đất, nước rất khắt khe, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học… nhưng sau khi sản xuất ra thì chất lượng và giá thành cao hơn. Theo ông Hoàng Văn Lù ở xã Anh Nhơn, huyện Đạ Tẻh, nông hộ tham gia mô hình: “Năng suất thu được từ lúa nếp Quýt hữu cơ tương đương với lúa VietGAP, khoảng xấp xỉ 6 tấn/ha, nhưng giá bán cùng thời điểm thu hoạch cao hơn khoảng 50%, mà giá cả lại ổn định”.
Bà con nông dân bên ruộng lúa nếp Quýt
Ông Phạm Xuân Tiện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh cũng cho biết: Sản phẩm Nếp Quýt có thị trường tiêu thụ khá ổn định, hầu hết, sản phẩm của nông dân được tiêu thụ nhanh chóng ngay sau mùa vụ. Riêng sản phẩm sản xuất theo quy trình hữu cơ được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp.
Nếp Quýt Đạ Tẻh được cục Sở hữu trí tuệ Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu năm 2016; 02 năm sau (năm 2018) gạo nếp Quýt Đạ Tẻh đã được ghi tên trong bản đồ các loại gạo đặc sản ở Việt Nam và năm 2019 được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Người dân An Nhơn nói riêng và người dân Đạ Tẻh nói chung vẫn luôn tự hào về mảnh đất mà chỉ nơi đây cây Nếp Quýt mới trổ bông và đạt chất lượng hạt tốt nhất. Chính vì lẽ đó, Nếp Quýt được người dân Đạ Tẻh ví như hạt ngọc, là đại sứ nông nghiệp của vùng đất này.
Đến từ vùng đất Cao Bằng, Nếp Quýt đã bén duyên trên vùng đất Đạ Tẻh, đã làm nên thương hiệu “Nếp Quýt Đạ Tẻh” và cất cánh bay xa trong và ngoài nước.
Bất kỳ ai khi đã được thưởng thức xôi, bánh chưng, bánh tét… được làm từ hạt gạo Nếp Quýt đều cảm nhận được khá rõ ràng độ thơm, dẻo và ngon. Chỉ cần một lần sử dụng những sản phẩm được làm từ Nếp Quýt thì chắc hẳn sẽ không thể quên được hương vị đặc biệt này.
Hồng Vĩnh