Năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm cho nền kinh tế toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tự hào là quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng dương. Lâm Đồng, đánh giá tình KT-XH năm 2020 đã khẳng định: Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng 3,15 %. Đặc biệt, huyện Đơn Dương là một trong những địa phương đã vươn lên đạt những thành tựu hết sức ấn tượng…
Chương trinh xây dựng nông thôn mới hiện thị rõ nét trong đời sống của Nhân dân trong toàn tỉnh
*Nền tảng bền vững
Là huyện thuần nông, địa bàn sản xuất rau lớn nhất cả nước, huyện Đơn Dương còn sẵn có những điều kiện thuận lợi cơ bản, có tính cốt lõi đã tạo nền tảng khá vững chắc cho sự phát triển KT-XH mà không phải địa phương nào cũng có.
Trước hết, Đơn Dương được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực phát triển; nhờ đó, Đơn Dương đã trở thành huyện Nông thôn mới (NTM) đầu tiên khu vực Tây Nguyên và một trong 6 huyện NTM đầu tiên cả nước. Và, hiện nay đang tiếp tục đầu tư“Xây dựng Đơn Dương đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019- 2025” (theo Nghị quyết số 13-NQ/HU, ngày 12/4/2019 và Đề án của Huyện ủy đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt).
Bên cạnh sự quan tâm của tỉnh, vai trò lãnh đạo quyết liệt của Đảng bộ, sự điều hành của chính quyền, sự “vào cuộc” sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; đặc biệt tinh thần ủng hộ, đóng góp tích cực của các tầng lớp Nhân dân trong toàn huyện, chính là những điều kiện rất cơ bản để Đơn Dương bức phá trở thành địa phương giàu, mạnh.
Với những nhân tố nói trên, Đơn Dương đã và đang tận dụng, phát huy tối đa “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”; đây chính là nền tảng đã giúp Đơn Dương vượt qua khó khăn, thách thức trong năm 2020 để đạt nhiều thành tựu vược bậc trên hầu hết các lĩnh vực phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh rất đáng ghi nhận.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Đơn Dương
*Những kết quả nổi bật
Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KT-XH năm 2020 của huyện Đơn Dương cho biết: Kinh tế tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đặt ra trong năm 2020 đều đạt và vượt; trong đó, có một số chỉ tiêu vượt khá cao so với chỉ tiêu chung của tỉnh; như: Tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản đạt 9.060,4 tỷ đồng, tăng 5,9%; tổng gia trị sản xuất ngành công nghiệp 595,486 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 7,1%; doanh thu ngành dịch vụ 7.285,4% tỷ đồng, tăng 10,3%; tổng thu ngân sách trên địa bàn 183 tỷ 963 triệu đồng, đạt 122% dự toán, bằng 101,9% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 11,70 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 2.544,8 tỷ đồng…
Sản xuất nông nghiệp với 02 “trụ cột” trồng trọt và chăn nuôi là thế mạnh của Đơn Dương. Tổng diện tích gieo trồng trong năm 2020 là 34.834,3 ha, đạt 100,44% kế hoạch; trong đó, 2.120 ha lúa, 27.060 ha các loại cây công nghiệp, nông nghiệp, gồm: 1.568 ha cà phê, 1.494 ha cây ăn quả, 180 ha hoa, 340 ha khoai lang...
Chăn nuôi tiếp tục phát triển với việc duy trì tăng đàn, tăng sản phẩm từ chăn nuôi hợp lý, đảm bảo cung - cầu của thị trường. Đàn bò sữa toàn huyện có 15.166 con; bò thịt 11.584 con, đàn trâu 1.500 con và khoảng 160 ngàn con gia súc, gia cầm…
Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục đẩy mạnh; trong đó, rau, hoa tăng về diện tích, năng suất, sản lượng. Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Đơn Dương chiếm 91,7% diện tích canh tác toàn huyện. Đơn Dương có 02 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với 02 sản phẩm chủ lực là rau, hoa là xã Lạc Lâm, xã Lạc Xuân đã được UBND tỉnh công nhận. Đơn Dương cũng đang đề nghị UBND tỉnh công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện…
Năm 2020, UBND huyện Đơn Dương đã phê duyệt hạng mục và phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh là 12 tỷ 682 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới thông minh, tưới nhỏ giọt, mua sắm máy trộn thức ăn cho gia súc, máy vắt sữa, trang bị giải pháp IOT về quản lý khí hậu, nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng, giám sát độ ẩm qua internet…
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tiếp tục đẩy mạnh đối với các sản phẩm đặc thù địa phương. Năm 2020, Đơn Dương có thêm 04 sản phẩm đưa vào thẩm định xếp hạng, gồm: Chao ớt của Công ty TNHH Thực phẩm Đại Bình Dương, Rượu đương quy của HTX Dược liệu Như Ý, Bánh tráng mắm ruốc của cơ sở Thiên Thảo và sản phẩm Bột bí Nhật của cơ sở bột bí Nhật An. Có 02 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh (02 sản phẩm tiếp tục đề nghị công nhận trong thời gian tới).
Đặc biệt, Chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ thông minh giai đoạn 2019 - 2025 được Đơn Dương tập trung đầu tư thực hiện khá bài bản, quyết liệt và đạt nhiều kết quả. Để thực hiện tốt Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, Huyện ủy Đơn Dương chỉ đạo chính quyền, MTTQ và các ngành liên quan phát động phong trào xây dựng các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu làm nền tảng. Trong đó, phải kể đến “Cuộc vận động xây dựng Khu dân cư (KDC) kiểu mẫu” do Ủy ban MTTQ huyện chủ động triển khai đã mang lại hiệu quả khá cao.
Cà chua - giống của Hà Lan được nông dân huyện Đơn Dương sản xuất trong nhà kính
Đến thời điểm này, Đơn Dương có 03 xã (Lạc Lâm, Quảng Lập và Ka Đô) đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao. (Theo quyết định của UBND tỉnh ngày 27/10/2020); xã Lạc Xuân đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận xã NTM nâng cao. Đồng thời, việc xây dựng KDC kiểu mẫu của Đơn Dương cũng là “điểm sáng” trong toàn tỉnh. Đến nay, toàn huyện có 22/105 KDC được công nhân KDC kiểu mẫu, trong đó có 6 KDC được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh công nhận.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục, khoa học-công nghệ tiếp tục đầu tư phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng - an ninh được tăng cường ổn định; đời sống về vật chất, tinh thần của Nhân dân nâng lên rõ rệt…
Từ những thành tựu đạt được trên hầu hết các lĩnh vực đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo, nâng mức thu nhập cho người dân ở Đơn Dương khá ấn tượng. Năm 2019, hộ nghèo trong toàn huyện chiếm 0,99%; đến cuối năm 2020 chỉ còn 0,41% hộ nghèo (giảm 0,58%); hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS còn 54 hộ, chiếm 0,84% (giảm 1,01% so với năm 2019) - tỷ lệ này thấp hơn tỷ lệ chung toàn tỉnh. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người ở Đơn Dương đến nay đạt khá cao, gần 72 triệu đồng/người/năm…
Với những thành tựu ấn tượng này sẽ là tiền đề để Đơn Dương tiếp tục phát huy; “về đích” Huyện NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng không còn xa…
Bài, ảnh: THANH DƯƠNG HỒNG