Dự án hồ Ta Hoét: Đầu tư vì cộng đồng In trang
06/08/2024 09:23 SA

Dự án xây dựng hồ chứa nước Ta Hoét là công trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, nhằm mục tiêu giải quyết nhu cầu bức thiết về nguồn nước sinh hoạt cho 33% dân số và nước tưới cho hơn 2.600 ha rau màu của huyện Đức Trọng. Tuy nhiên, đến hiện tại, dự án đã bị chậm tiến độ hơn 1 năm, chủ yếu do vướng khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.

Khu vực thuộc diện tích thu hồi thực hiện Dự án hồ chứa nước Ta Hoét.
Khu vực thuộc diện tích thu hồi thực hiện Dự án hồ chứa nước Ta Hoét.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ tại Lâm Đồng vào giữa tháng 3/2024, đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy đã dành nhiều thời gian quan tâm đến dự án này; trong đó, đã trực tiếp tới các gia đình tại thôn K'Rèn (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân trong vùng dự án.

Tiếp thu ý kiến phản ánh bà con Nhân dân, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chỉ đạo thành lập các tổ công tác do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ làm Tổ trưởng để một lần nữa rà soát toàn diện các nội dung liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định canh cũng như giải quyết đơn thư của người dân.

Nhiệm vụ đặt ra cho các tổ công tác cũng như chính quyền địa phương là giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của bà con Nhân dân thuộc diện đền bù, di dời có đơn thư phản ánh, kiến nghị. Đồng thời, làm rõ những hiệu quả thiết thực về trước mắt và lâu dài mà dự án mang lại cho người dân huyện Đức Trọng nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung. Từ đó, người dân hiểu đúng và đồng thuận cùng với chính quyền địa phương để dự án được đẩy nhanh tiến độ thi công; tránh bị lợi dụng trước những thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật.

Bài 1: Dự án hồ Ta Hoét - Phục vụ Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Như các bài viết trước mà Báo Lâm Đồng đã đề cập, Dự án hồ chứa nước Ta Hoét (huyện Đức Trọng) được UBND tỉnh Lâm Đồng khởi công ngày 20/2/2023 đã phần nào hiện thực hoá niềm mong mỏi của chính quyền và hàng ngàn hộ dân địa phương giữa bối cảnh nguồn nước ngầm và nước mặt phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của bà con Nhân dân ngày một trở nên bức thiết.

THỰC HIỆN ĐÚNG TRÌNH TỰ, THỦ TỤC

23 hộ dân đã nhận đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu tái định canh Dự án hồ chứa nước Ta Hoét đã nhanh chóng canh tác nông nghiệp, ổn định cuộc sống.
23 hộ dân đã nhận đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu tái định canh Dự án hồ chứa nước Ta Hoét đã nhanh chóng canh tác nông nghiệp, ổn định cuộc sống.

Với tính cấp thiết phục vụ phát triển sản xuất cho người dân huyện Đức Trọng, Dự án hồ Ta Hoét đã được thẩm tra qua nhiều ngành, nhiều cấp trước khi được phê duyệt đầu tư và bố trí nguồn vốn từ Trung ương theo từng năm. Các bước triển khai đã được UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện công khai đầy đủ, các phương án kiểm kê đều được cơ quan có thẩm quyền công khai gửi đến các hộ dân để theo dõi...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư hợp phần xây dựng công trình đầu mối hồ chứa và hệ thống kênh, Dự án hồ Ta Hoét được thông qua và phê duyệt theo lộ trình đúng trình tự, thủ tục gồm nhiều bước.

Ngày 27/4/2020, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 171/NQ-HĐND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thuộc nhóm B và nhóm C; trong đó, có Dự án xây dựng hồ chứa nước Ta Hoét, huyện Đức Trọng (nhóm B).

Hiện tại, Dự án hồ Ta Hoét còn lại 109 hộ (92 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và 17 hộ người Kinh) chưa nhận tiền đền bù để bàn giao diện tích đất 63,77 ha.
Hiện tại, Dự án hồ Ta Hoét còn lại 109 hộ (92 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và 17 hộ người Kinh) chưa nhận tiền đền bù để bàn giao diện tích đất 63,77 ha.

Dự án được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và được Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn từ ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện tại Quyết định số 1145/QĐ-TTg ngày 29/7/2020.

Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, dự án đã được thông qua tại Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 3/11/2020 và được xác định là một trong các công trình trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.

Dự án được Trung ương bố trí vốn hơn 982 tỷ đồng để triển khai; trong đó, kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 220 tỷ đồng với diện tích thu hồi khoảng 123 ha (lòng hồ khoảng 100 ha), gồm 3 công trình: Công trình đập đầu mối với diện tích lưu vực rộng 73,7 km2, dung tích hồ chứa 13,86 triệu m3, chiều cao đập đoạn cao nhất là 32 m và dài 490 m; công trình thứ hai là cống lấy nước tại đập dâng Quảng Hiệp; công trình thứ ba là hệ thống kênh mương dài khoảng 71 km cùng các công trình trên kênh.

CẤP NƯỚC SINH HOẠT CHO 33% DÂN SỐ, PHỤC VỤ TƯỚI TIÊU CHO 2.600 HA

Dự án có mục tiêu cấp nước sinh hoạt cho 33% dân số, phục vụ tưới tiêu cho 2.600 ha đất sản xuất khu vực hạ nguồn trên địa bàn huyện Đức Trọng.
Dự án có mục tiêu cấp nước sinh hoạt cho 33% dân số, phục vụ tưới tiêu cho 2.600 ha đất sản xuất khu vực hạ nguồn trên địa bàn huyện Đức Trọng.

Ông Nguyễn Hà Lộc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Đây là công trình công cộng phục vụ dân sinh, có mục tiêu rõ ràng ngay từ khi bắt đầu làm các thủ tục đầu tư. Theo đánh giá, dự án này mang tính cấp thiết đối với người dân địa phương.

Cụ thể, theo khảo sát của các sở, ngành, địa phương, tại khu vực triển khai dự án ở thôn K'Rèn (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng), vào mùa mưa hàng năm, khi mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về rất nhanh gây ngập hầu hết diện tích sản xuất nông nghiệp và một số nhà ở, làm thiệt hại về tài sản, hoa màu, vật nuôi của người dân trong khu vực cũng như các khu vực xung quanh thôn K’Rèn, K’Long.

Bên cạnh đó, theo quy hoạch, hồ chứa Tuyền Lâm dự kiến sẽ sớm dừng việc điều tiết nước để phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho huyện Đức Trọng, để tập trung cung cấp nước cho TP Đà Lạt. Việc này dẫn đến ít nhất 500 ha đất sản xuất của bà con các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) phụ thuộc vào lưu vực tưới của hệ thống hồ Tuyền Lâm sẽ thiếu nguồn nước tưới và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.

Diện tích chưa bàn giao để triển khai dự án hiện bà con vẫn đang canh tác bình thường, chủ yếu trồng lúa nước, ngô, đậu, cây ngắn ngày.
Diện tích chưa bàn giao để triển khai dự án hiện bà con vẫn đang canh tác bình thường, chủ yếu trồng lúa nước, ngô, đậu, cây ngắn ngày.

Về lâu dài, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về quản lý nguồn nước ngầm, trong thời gian tới, địa phương sẽ hạn chế và dần chấm dứt việc khoan giếng khai thác mạch nước ngầm để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong Nhân dân. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc tìm kiếm các nguồn nước để phục vụ cho nhu cầu của các hộ dân ở xã Hiệp An nói riêng và trên địa bàn huyện Đức Trọng nói chung.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt sẽ là vấn đề nghiêm trọng nếu không chủ động tính toán đến các nguồn nước sử dụng trong tương lai.

Chính vì vậy, việc triển khai công trình hồ chứa nước Ta Hoét sẽ giải quyết được cơ bản các vấn đề như đã nêu trên. Theo đó, dự án hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho 2.580 ha; trong đó, cấp nước tưới tự chảy cho 2.080 ha đất sản xuất nông nghiệp cho các khu vực trên địa bàn huyện Đức Trọng và cấp nước tưới bổ sung cho 500 ha thuộc khu tưới của hồ Tuyền Lâm.

Bên cạnh đó, dự án cũng cấp nước sinh hoạt cho khoảng 65.000 người dân (chiếm 33% dân số) sinh sống trên địa bàn huyện Đức Trọng; trong đó, hầu hết là người dân tại xã Hiệp An sẽ được hưởng lợi từ dự án.

Ngoài ra, dự án sau khi hoàn thành sẽ cắt lũ cục bộ từ thượng nguồn và các dòng hợp thủy khác, góp phần không nhỏ vào việc ổn định sản xuất của người dân tại các khu vực trước đây bị ngập lụt cục bộ trên địa bàn xã Hiệp An, nâng cao hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất trên diện tích đất canh tác của người dân.

Dự án cũng góp phần cải thiện tiểu khí hậu của trong vùng, tạo cảnh quan môi trường phát triển du lịch tại khu vực xã Hiệp An và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã Hiệp An nói riêng và huyện Đức Trọng nói chung.

HẦU HẾT NGƯỜI DÂN VẪN CÒN ĐẤT CANH TÁC SAU THU HỒI

94% số hộ dân có đất bị thu hồi vẫn còn diện tích đất ngoài ranh dự án có thể canh tác bình thường, ổn định cuộc sống.
94% số hộ dân có đất bị thu hồi vẫn còn diện tích đất ngoài ranh dự án có thể canh tác bình thường, ổn định cuộc sống.

Thống kê của UBND huyện Đức Trọng cho thấy, có 116 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện thu hồi đất; trong đó, đất lâm nghiệp có 10 hộ, đất nông nghiệp và đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp có 106 hộ.

Theo rà soát, sau khi cơ quan chức năng thu hồi đất để triển khai dự án thì hầu hết số hộ dân vẫn còn đất ngoài ranh dự án. Cụ thể, có 67 hộ còn đất ngoài ranh dự án với diện tích dưới 6.000 m2 và 39 hộ còn đất ngoài ranh dự án với diện tích từ 6.000 m2 trở lên.

Đơn cử như gia đình bà Bon Nuer Wềl và ông K'Tư (thôn K'Rèn) có tổng diện tích 30.194 m2. Khi triển khai Dự án hồ Ta Hoét, gia đình ông bà bị thu hồi 8.213,5 m2, diện tích ngoài ranh thu hồi còn 21.980,5 m2.

Tương tự, gia đình bà Ma Hương (thôn K'Rèn) có 25.078,5 m2 và diện tích thu hồi 17.191,1m2, diện tích còn lại là 7.887,4m2.

Hay như gia đình ông K'Hàng và bà K'Lim có 9.373 m2, diện tích thu hồi phục vụ dự án là 6.412,6 m2, còn lại 2.951,4 m2 ngoài ranh dự án. Dự kiến, gia đình ông K'Hàng được bồi thường bằng đất (tái định canh) 3.500 m2 đất trồng cây hàng năm tại khu tái định canh và nhận tiền mặt với diện tích còn lại.

Khu tái định canh tại thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An phục vụ Dự án hồ chứa nước Ta Hoét.
Khu tái định canh tại thôn Trung Hiệp, xã Hiệp An phục vụ Dự án hồ chứa nước Ta Hoét.

Đây chỉ là 3 trong số 106 trường hợp có đất bị thu hồi để thực hiện dự án, sau khi nhận tiền đền bù và đất tái định canh thì vẫn còn diện tích đất canh tác ngoài ranh dự án. Theo thống kê, thực tế có đến 94% số hộ dân vẫn đất ngoài ranh dự án, vẫn có thể canh tác sản xuất, ổn định cuộc sống.

Trong tổng số 192 hộ dân thuộc diện thu hồi đất, hộ có diện tích thu hồi thấp nhất là 95,5 m2, hộ có diện tích thu hồi cao nhất là 40.285 m2. Cả 2 hộ này sau khi thu hồi đều còn đất ngoài ranh dự án. Như vậy, ngoài nhận tiền đền bù và đất tái định canh, hầu hết các hộ dân vẫn còn đất sản xuất tại thôn K'Rèn và khu vực giáp ranh dự án.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều hộ dân cho rằng sau khi bị thu hồi đất làm dự án thì bà con không còn đất đai để canh tác, sản xuất, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó, gửi đơn đến các cấp, các ngành và địa phương kiến nghị xem xét, giải quyết. Căn cứ vào những số liệu thực tế mà UBND huyện Đức Trọng rà soát và thống kê cụ thể thì có thể khẳng định nội dung kiến nghị này hoàn toàn không chính xác.

Do đó, nếu người dân chấp thuận nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng, nhận đất tái định canh thì hầu hết các hộ; trong đó, có 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số, sẽ có đất sản xuất tại 2 vị trí là tại khu tái định canh và tại vị trí cũ ở thôn K'Rèn đối với diện tích đất ngoài ranh dự án.

GIẢI NGÂN ĐẠT 48% TỔNG MỨC ĐẦU TƯ

Ông Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng khẳng định: Dự án xây dựng hồ chứa nước Ta Hoét là công trình cộng đồng, phục vụ nhu cầu cấp thiết về nước tưới và sinh hoạt của bà con Nhân dân.
Ông Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng khẳng định: Dự án xây dựng hồ chứa nước Ta Hoét là công trình cộng đồng, phục vụ nhu cầu cấp thiết về nước tưới và sinh hoạt của bà con Nhân dân.

Ông Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết: Sau 10 năm đề xuất triển khai với đầy đủ các thủ tục liên quan thì tới năm 2020, Trung ương mới bố trí được vốn để thực hiện dự án. UBND huyện Đức Trọng được UBND tỉnh Lâm Đồng giao làm chủ đầu tư hợp phần giải phóng mặt bằng và tái định canh.

Dự án được Trung ương bố trí vốn 981,591 tỷ đồng; trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên 352 tỷ đồng với diện tích thu hồi đất 134,95 ha (lòng hồ và đầu mối, đường tránh ngập 125,55 ha, đập dâng Đạ R’cao và hệ thống kênh mương 9,4 ha).

Về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, ngày 20/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án tại Văn bản số 614/TTg-NN.

Đối với chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, HĐND tỉnh đã phê duyệt kết quả điều chỉnh cục bộ quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu ba loại rừng và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1965 ngày 28/10/2022 điều chỉnh cục bộ diện tích đất lâm nghiệp ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục thực hiện dự án. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 1647 ngày 8/3/2024 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với hơn 9 ha rừng tự nhiên để thực hiện dự án.

Theo UBND huyện Đức Trọng, thống kê lũy kế đến 31/5/2024, dự án đã giải ngân 471,251 tỷ đồng, đạt 48% về tổng mức đầu tư. Trong đó, hợp phần xây dựng giải ngân là 211,123 tỷ đồng, hợp phần bồi thường, giải phóng mặt bằng là 260,128 tỷ đồng. UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 4198 về việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn kéo dài nguồn ngân sách Trung ương năm 2023 sang năm 2024 với tổng số vốn năm 2024 là 510,339 tỷ đồng.

Một phần khu vực thu hồi đất để triển khai dự án tại thôn KRèn, xã Hiệp An.
Một phần khu vực thu hồi đất để triển khai dự án tại thôn KRèn, xã Hiệp An.

Diện tích đất phục vụ cho thi công Dự án hồ chứa nước Ta Hoét khoảng 163 ha. Đến hiện tại, các đơn vị được giao nhiệm vụ đã thực hiện công tác kiểm kê, thống kê 100% diện tích thu hồi của các hộ dân. Theo đó, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 98,13 ha, tổng số hộ dân có đất bị thu hồi là 192 hộ; trong đó, hộ người dân tộc thiểu số là 116 hộ/46,15 ha và hộ người Kinh là 76 hộ/51.93 ha.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm tiến độ triển khai Dự án hồ chứa nước Ta Hoét là công tác chuẩn bị, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của các sở, ngành, địa phương liên quan chưa chặt chẽ và chưa lường trước những khó khăn, vướng mắc gặp phải để có phương án xử lý hiệu quả... Do đó, còn nhiều người dân chưa hiểu rõ về dự án nên chưa có sự đồng thuận cao.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác chi trả đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định canh... thì rất cần sự đồng thuận của người dân trong việc nhận tiền đền bù, nhận đất tái định canh, bàn giao mặt bằng, không nghe theo những thông tin xuyên tạc, không chính xác..., có như vậy thì dự án mới được triển khai theo đúng kế hoạch và sớm đem lại những hiệu quả thiết thực như mục tiêu đã đề ra ban đầu.

 

 

(LĐ online)

Lượt xem: 40
Văn bản mới
  • Số 83-KH/BTGTU 01/08/2024 Thông tin, tuyên truyền về tình hình biển, đảo Việt Nam thời gian gần đây ...
  • Số 187-HD/BTGTU 01/08/2024 Hướng dẫn công tác tuyên truyền tháng 8 năm 2024
  • Số 186-HD/BTGTU 01/08/2024 Báo chí tuyên truyền Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về ...
  • Số 1316-CV/BTGTU 01/08/2024 Định hướng công tác tuyên truyền miệng tháng 8/2024
  • Số 1315-CV/BTGTU 01/08/2024 Tuyên truyền, hưởng ứng tham gia Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu ...
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003489249
  •  Đang online: 283
  •  Trong tuần: 16.647
  •  Trong tháng: 98.013
  •  Trong năm: 1.190.290