Gia đình không chỉ giữ vai trò nền tảng, tế bào của xã hội, mà còn là nơi gìn giữ, vun đắp và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta.
Việt Nam chúng ta có ngàn năm lịch sử, và cũng có mục tiêu vì một quốc gia hạnh phúc như trong tôn chỉ trường tồn của quốc gia “Độc lập, tự do, hạnh phúc”. Tự do và hạnh phúc là quyền lợi của con người, hạnh phúc của một quốc gia phụ thuộc vào đời sống vật chất ngày càng đầy đủ, có đời sống tinh thần lành mạnh. Đây luôn là mục tiêu, là động lực để chúng ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết tâm xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Ngày Quốc tế hạnh Phúc là ngày của hành động, tích cực và nỗ lực hơn nữa để xây dựng một thế giới chung mang lại hạnh phúc, hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc dòng họ, hạnh phúc cộng đồng, hạnh phúc nghề nghiệp, hạnh phúc học đường, hạnh phúc trong hoạt động xã hội. Ngoài ra, Ngày Quốc tế hạnh phúc là nhu cầu về một cách tiếp cận tăng trưởng kinh tế cân bằng, có ý nghĩa thúc đẩy về sự phát triển bền vững, xóa nghèo và phấn đấu vì hạnh phúc và sự thịnh vượng cho tất cả mọi người.
Hiện nay, đã có 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc hưởng ứng và cam kết sẽ ủng hộ ngày quốc tế hạnh phúc 20/3 bằng cách nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại niềm hạnh phúc cho người dân.
Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2589/QĐ-TTg, ngày 26/12/2013 về việc phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20 tháng 3 hàng năm” nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày Quốc tế hạnh phúc. Từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày quốc tế hạnh phúc. Đây là dịp nhắc nhở mọi người kế thừa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam; yêu thương và chia sẻ để tìm thấy cho mình và giúp những người xung quanh, trước hết là gia đình, có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực…
Ngày Quốc tế hạnh phúc cũng là hình thức lan tỏa giá trị hạnh phúc, hình thức để mang lại hạnh phúc cho mọi gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc. Trong đó, mỗi gia đình hạnh phúc sẽ là nền tảng của xã hội hạnh phúc. Mọi gia đình đều hạnh phúc thì sẽ tạo dựng được xã hội, đất nước hạnh phúc.
Đối với tỉnh Lâm Đồng, ngày 27/02/2024 Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 44/KH-BCĐ về “Triển khai tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 năm 2024” nhằm mục đích nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình và toàn xã hội về Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của các Mô hình, Câu lạc bộ: Mô hình kiểu mẫu về tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống gắn với phòng, chống bạo lực gia đình; CLB Gia đình văn hóa; CLB phát triển bền vững; CLB phòng, chống bạo lực gia đình; CLB văn hoá văn nghệ dân gian…; các thành viên gia đình trong việc tuyên truyền ngăn ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình góp phần xây dựng gia đình phát triển bền vững, ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Chủ đề Ngày Quốc tế hạnh phúc 20 tháng 3 năm 2024 là “Hạnh phúc cho mọi người” với các thông điệp “Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia hạnh phúc”; “Hạnh phúc là yêu thương và chia sẻ”; “Lòng nhân ái mang lại hạnh phúc”; “Hãy mang hạnh phúc đến cho những người cần bạn giúp đỡ”; “Xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc”; “Tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình”; “Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc, bình yên”; “Hạnh phúc sẽ toả sáng trong gia đình không có bạo lực”.
Vì vậy, bản thân mỗi người phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình; chăm lo hạnh phúc gia đình; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; kính trọng, hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và tôn trọng các thành viên khác trong gia đình; chăm sóc, giáo dục con em trong gia đình; tích cực phòng, chống bạo lực gia đình, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình.
Thúy Ngà